Tuồng chợ Cạn: Bao giờ trở lại

Thứ Năm, 03/11/2005, 09:17

Chợ Cạn vốn là một địa danh nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn, nay thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Chợ Cạn thành danh, được chào mời, truyền tụng, thậm chí được nhắc đến nơi chốn cung đình lầu son gác tía bởi nó gắn liền với cái tên "Tuồng Chợ Cạn" - một gánh tuồng ra đời nơi thôn dã xúng xính đào, kép quần lụa áo the.

Người ta có thể không ngờ nó đã "nằm lòng" vĩnh viễn trong cái nôi dân ca để làm đại diện hiếm hoi cho môn nghệ thuật sân khấu tuồng cổ điển của một vùng đất. Tiếc thay, Tuồng Chợ Cạn cứ như kẻ tài hoa vang bóng một thời...

Thăng trầm Tuồng Chợ Cạn

Trong cuốn băng ghi hình sơ khảo diễn 2 vở tuồng: Phạm Công Cúc Hoa và Nghêu Sò Ốc Hến của một đồng nghiệp quay cách đây 6 năm, tôi may mắn được xem Tuồng Chợ Cạn. Nghệ sĩ Xuân Lư làm đạo diễn.

Nghệ sĩ Xuân Lư thuộc lớp "đồng ấu" của Tuồng Chợ Cạn. 15 tuổi, ông đã đi theo gánh tuồng, giữ chân chạy cờ, tiếp rượu. Cùng thời với ông có nghệ sĩ Lê Quang Nghệ nhưng nay đã là người thiên cổ. Còn Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Thị Liễu, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương, cũng đã xuất thân từ những vai "cô đào" trong cái nôi Tuồng Chợ Cạn.

Trong kho tàng dân ca Bình-Trị-Thiên, Tuồng Chợ Cạn có từ thời Nguyễn Hoàng (thế kỷ XVII). Người lập ra gánh tuồng Chợ Cạn đầu tiên là ông Thất Luận, người làng thợ kèn Hiền Lương (Huế), làm lính võ ca (ca vũ cung đình) dưới triều Khải Định. Gánh tuồng thường khoảng 15 người, gồm: đào, kép, chạy cờ, tiếp rượu, bán vé, nhắc vở, ráp nhạc. Vé xem tuồng có 2 loại: Vé tam liên (3 tiền) và vé ngũ liên (5 tiền), mỗi đêm bán một màu vé cho khỏi lẫn.

Chân "chạy cờ" hồi xưa của Xuân Lư đã làm ông trẻ lại. Bao giờ cũng vậy, hễ nhắc đến "chạy cờ" là ông lại nhắc nhỏm, co duỗi cái chân đau bên phải, như thể ông sắp chạy đến vạch vôi nào đó của sân tuồng. Ký ức Xuân Lư lổn nhổn những hình ảnh sân khấu tuồng vòng cung ba mặt như rạp xiếc, huyên náo âm sắc tiếng nhị, trống, kèn, thanh la; rồi tiếng "kép" chói tai, tiếng "đào" nỉ non, ai oán, lơi lả... xúng xính đào - kép quần lụa áo the trong các điệu hát tướng tá, hát tẩu mã, thương ai, nam xuân và những bước chân chạy cờ rậm rịch.

Theo nghệ sĩ Xuân Lư thì các làn điệu: Nam xuân, nam ai, nam bằng trong ca Huế đều là những biến tấu của điệu nam xuân sân khấu tuồng. Dân chúng xem tuồng mỗi đêm ba bốn trăm người, quây kín ba mặt sân khấu. Tuồng Chợ Cạn nổi tiếng ngót 2 thế kỷ. Gánh tuồng chu chuyển vào tận chốn cung đình phục vụ các ngày lễ tế trong cung đình nhà Nguyễn, nhất là tế Đàn Nam Giao và trình diễn cho Vua ngự lãm. Mãi đến năm 1947, Pháp đánh vào Chợ Cạn và từ đó Tuồng Chợ Cạn đứt gánh.

Nghệ sĩ Xuân Lư có 9 năm làm Trưởng Đoàn ca kịch Bình-Trị-Thiên, từng đoạt Huy chương vàng Liên hoan đàn và hát dân ca miền Trung, nhưng hình như, kỷ vật được ông "gói ghém" cẩn thận trong lòng lại là chân "chạy cờ" gánh Tuồng Chợ Cạn! Vì chuyện đó, và cũng vì dự án vực lại Tuồng Chợ Cạn gần nửa tỷ bạc lâm vào cảnh "đánh trống bỏ dùi" mà Xuân Lư than mình là "người cuối cùng của gánh Tuồng Chợ Cạn mà vô duyên!".

Một phận tuồng

Lần về Chợ Cạn mới đây, tôi đã gặp một khán giả của gánh tuồng xưa. Tôi hỏi bà cụ Hoà 74 tuổi, người Như Lệ (Hải Lệ), có biết bác Lư không, cụ nói như reo: "Biết. Răng lại không biết?! Cu... Lư chạy cờ. Chú bỏ quá, hồi nớ còn con nít. Cái thằng hấp tấp, toàn chạy hụt hoặc chạy quá, làm rớt cờ xuống đất. Bọn tui cười cho! Tui có cất một cái vé coi tuồng 3 tiền màu đỏ, nhưng sác (lẫn) đi mô tìm không ra. Tiếc thiệt!". Bà cụ tiếc cái vé 3 tiền hẹn bạn xem tuồng đúng vào ngày Pháp đổ về Chợ Cạn. Nghệ sĩ Xuân Lư không biết cụ Hoà, nhưng có lẽ, như thế cũng đủ cho một đời làm nghệ thuật. Biết bao nhiêu biến cố thăng trầm đã qua mà cái chân "chạy cờ" vẫn còn người nhớ thì đâu phải vô duyên!

Cứ mỗi lần tiếp chuyện với Xuân Lư, vô tình hay cố ý, ông thường lái câu chuyện về cái "áo sắm tuồng" của Thất Luận. Dù bị Pháp tra khảo, người chủ gánh Tuồng Chợ Cạn vẫn một mực không giao nộp “áo sắm tuồng”. Liên hệ chuyện đó và nói ra chuyện khôi phục Tuồng Chợ Cạn, Xuân Lư cứ như kẻ lỡ làng. Gương mặt đau yếu của ông lợt lạt, xám ngoét. May thay, lão nghệ sĩ đổi đề. Máu tuồng đâu đó bỗng bốc lên chỗ vùng họng, nơi âm vực tuồng lấy hơi ở đó, giọng Xuân Lư đột ngột váng lên lời "Vua" thét: "Bay đ...âu, ném thằng này xuống ng...ục!". Đốm sáng hai con ngươi phát quang trong đôi mắt người diễn tuồng, xương bả vai gồng lên dữ dội, như thể chỉ một tích tắc nữa, "Vua" sẽ rút phăng bảo kiếm để kết liễu kẻ tội đồ!

Nay mai, có lẽ tôi sẽ nhớ Xuân Lư không nhiều bằng nhớ bà cụ đã để "sác" chiếc vé tuồng 3 tiền màu đỏ. Trong ánh mắt bà cụ, tôi ngẩn người ra bởi câu hỏi của bà: Có phải Tuồng Chợ Cạn "một đi không trở lại"?

Linh Nhân
.
.
.