Tuol-la - đồ trang sức quý của người S’tiêng

Thứ Sáu, 30/09/2011, 09:39
Cặp hoa tai bằng ngà voi (bà con gọi là tuol-la) là hiện thân của tục căng tai. Cụ bà K'hỏi, 78 tuổi, tay vân vê đôi dái tai thỏng dài đến giữa cổ, với lỗ tai được rong rộng có đường kính tới 2-3cm, giải thích rằng, theo qui định qua bao đời, con gái đến tuổi trưởng thành phải căng tai. Người có dái tai to là người đẹp, sang trọng.

Hiện nay, một số gia đình người S'tiêng ở Tà Lài vẫn giữ được những đôi hoa tai khổng lồ bằng ngà voi từ xa xưa (bà con gọi là tuol-la). Những báu vật truyền đời này đang được nhiều con buôn cổ vật săn lùng.

Tà Lài là một xã vùng sâu thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, là địa bàn cư trú lâu đời của 2 tộc người là Mạ và S'tiêng. Người S’tiêng bản địa hiện vẫn còn lưu giữ nhiều tập tục cổ truyền, trong đó có tục đeo hoa tai ngà voi. Vào các ngày buôn làng có lễ hội trọng đại như mừng lúa mới, cúng thần núi thần rừng hay cưới hỏi, các bà các chị tuổi ngoài 50 mùa rẫy (50 tuổi) ở Tà Lài sẽ dùng những chiếc hoa ngà to như cuộn chỉ nong vào vành tai theo tục căng tai, trông rất ấn tượng.  

Hôm tôi đến nhà chị K'chang, dưới chân ngọn đồi cao, nơi có nhiều nóc nhà sàn truyền thống, sau vài câu thăm hỏi, trò chuyện bằng tiếng bản địa, K'lâm, cán bộ Nhà Văn hóa Tà Lài nói với tôi: "K'chang đồng ý cho xem cái tuol-la rồi. Ta ngồi chờ để K'chang vào nhà lấy ra". Lát sau, tôi đã được ngắm nhìn đôi hoa tai bằng ngà voi của chị K'chang. Đôi hoa tai màu mỡ gà bóng loáng, có nhiều sợi vân màu đen đan xen nhau tạo nên những hoa văn có hình thù kỳ lạ. "Nó quý lắm, nhiều người hỏi mua, gợi ý trả nhiều tiền, nhưng mình nhất định không bán bởi đây là kỷ vật của bao đời ông cha, bà mẹ để lại" - chị K'chang bộc bạch.

Rồi chị cho biết, tuổi đời của đôi hoa tai bằng ngà voi này ít nhất 200 mùa rẫy (200 năm). "Mẹ của mình là cụ K'lé, mất năm ngoái. Khi mất cụ trên 80 tuổi. Trước khi chết, cụ gọi mình tới, dúi vào tay cặp tuol-la này, dặn phải giữ gìn để con cháu không quên gốc gác cha ông". K'chang kể, sinh thời, cụ K'lé gìn giữ đôi hoa rất cẩn thận vì đó là kỷ vật của bà ngoại truyền cho mẹ. Tính đến đời chị, nó đã được 4 đời rồi. Còn trước đó thì chị không biết. 

Từ cuộc trò chuyện với chị K'chang và các cụ già người S'tiêng ở Tà Lài, tôi mới biết cặp hoa tai bằng ngà voi kia là hiện thân của tục căng tai. Cụ bà K'hỏi, 78 tuổi, tay vân vê đôi dái tai thỏng dài đến giữa cổ, với lỗ tai được rong rộng có đường kính tới 2-3cm, giải thích rằng, theo qui định qua bao đời, con gái đến tuổi trưởng thành phải căng tai. Người có dái tai to là người đẹp, sang trọng.

Cách nhà cụ K'hỏi khoảng 100 bước chân, cụ bà K'đỏng tuổi ngoài 80 nói, ngày trước chỉ người giàu có mới có nhiều trâu, nhiều ché rượu quý để đổi hoa ngà. Người nghèo thì nong tai, đeo tai bằng ống lồ ô. Có được cái tuol-la kia là mơ ước của nhiều người lắm.

Theo chia sẻ của anh K'lâm, số gia đình người S'tiêng ở Tà Lài còn giữ những đôi hoa tai bằng ngà voi hiện đếm trên đầu ngón tay. Do có nhiều con buôn tìm đến Tà Lài, đánh tiếng sẵn sàng mua tuol-la với giá hàng chục triệu đồng nên lớp con cháu được mẹ bà truyền cho hoa ngà khi túng thiếu đã bán lấy tiền, số khác thì bị mất trộm. "Biết được điều đó nên thời gian qua, cán bộ Bảo tàng tỉnh đã cất công tìm gặp những người già ở làng để động viên bà con không bán những đôi tuol-la bởi nó là đồ trang sức quý của dân tộc, cần được giữ gìn đời này qua đời khác"

Thành Dũng
.
.
.