Tuổi thọ của ban bệ...

Thứ Ba, 11/03/2014, 10:55
Cái tin Ban Tư vấn đạo đức VPF (TVĐĐ) xin tạm dừng hoạt động không làm nhiều người bất ngờ, bởi nhìn lại cả quá trình ban này ra đời và hoạt động, không khó thấy rằng nó đã va nặng với chính cái nơi đã sinh ra nó.

Ai là đối tượng sinh ra Ban TVĐĐ? Đấy dĩ nhiên là VPF! Nhưng nhân vật cụ thể nào mới là người thực sự muốn Ban TVĐĐ ra đời? Đấy là cựu bầu, cựu PCT VPF Nguyễn Đức Kiên. Hồi còn "nhiếp chính" ông bầu từng tạo ra cả một cuộc cách mạng bóng đá chưa từng thấy này đã từng kỳ vọng Ban TVĐĐ sẽ sờ vào được những vấn đề mà Ban Kỷ luật VFF không sờ hoặc không muốn sờ. Và ngay ở đoạn cuối V.League 2012, khi ban này mới chỉ manh nha thành hình (chứ chưa ra mắt, cũng chưa công bố hoạt động công khai) thì chính bầu Kiên đã mời các thành viên của Ban tham gia mổ xẻ một loạt các trận đấu có vấn đề ở đoạn cuối mùa giải. Nhưng không lâu sau đó thì ông Kiên xộ khám, và thế là Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng buộc phải làm cái việc mà có lẽ trong thâm tâm mình ông cũng không thật sự quyết tâm, đó là chính thức cho ra đời và công bố sự hoạt động của Ban TVĐĐ.

Ngày ra mắt Ban TVĐĐ, bầu Thắng nói rất nhiều lời hoa mĩ nhưng sau đó thì chính những hoạt động của ban này lại va nặng với những hoạt động của cấp lãnh đạo, điều hành VPF. Thực ra thì cũng có những lúc mà tiếng nói của Ban TVĐĐ đã giúp VPF có thêm động lực và lý lẽ hành xử những vụ việc thuộc vào dạng "siêu nhạy cảm" của làng bóng, đấy là khi CLB Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn "đá cuội" với Kiên Giang ở đoạn cuối V.League năm ngoái, và khi mà từ Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đến TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn đều tột cùng bức xúc. Nhưng lạ là trong buổi tổng kết V.League năm ấy, khi ông PCT tài chính VFF Lê Hùng Dũng (giờ đang làm quyền chủ tịch) lớn tiếng phê phán Ban TVĐĐ đã "ép" Ban Kỷ luật xử CLB Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, khiến CLB này "phải" tuyên bố giải thể (sự thực thì đội này chỉ chờ một cái cớ để rút khỏi bóng đá mà thôi) thì không một ai trong VPF đứng ra bày tỏ ý kiến của mình. Chỉ có duy nhất ông phó ban TVĐĐ bật khỏi ghế và nói những lời đanh thép rằng: "Ban Kỷ luật VFF đâu ngây thơ đến mức để chúng tôi muốn ép là ép được?". Và rằng: "Khi chúng tôi kiên quyết đấu tranh với tiêu cực bóng đá và đã góp phần quan trọng giúp bóng đá Việt Nam xử được một vụ chưa từng có trong tiền lệ thì phần lớn dư luận và các quan chức bóng đá, trong đó có cả các quan chức VFF đều tán thưởng, vậy tại sao bây giờ lại quay ra trách chúng tôi này nọ?".

Phó ban TVĐĐ Nguyễn Văn Vinh cho biết, ban này không thể hoạt động khi ý kiến của mình không được lãnh đạo VPF tôn trọng. Ảnh: H.M.

Chính cái kiểu trách cứ rất kỳ lạ của người mà lúc đó ai cũng biết là có tới 99,99% khả năng sẽ làm chủ tịch VFF khóa VII, cùng sự im lặng kỳ lạ của hàng loạt nhân vật ở VPF khiến cho các thành viên của ban TVĐĐ càng lúc càng thấy mình như bị cô lập và tổn thương.

Thực ra thì đấy giống như "một giọt nước tràn ly", chứ trước đó, những hoạt động của Ban TVĐĐ cũng đã va nặng với bộ phận lãnh đạo, điều hành VPF. Đơn cử như việc ban này muốn sau mỗi vòng đấu, đều nhận được băng ghi hình và biên bản trận đấu của các giám sát, thì họ chỉ nhận được duy nhất 1 lần rồi thôi. Hay như khi họ đề nghị phải thay trưởng giải thì cái đề nghị ấy cũng đã khiến lãnh đạo VPF phật lòng.

Bây giờ thì Ban TVĐĐ đã dừng hoạt động, sự dừng lại của những con người "dám nói" nhưng tiếng nói của mình lại không được chính cái nơi sinh ra mình coi trọng. Nhiều người bảo, nếu ở nơi ấy có một ông chủ tịch dám nói, dám làm và không ngại va chạm, chứ không phải một mẫu chủ tịch trung dung, cầu toàn như hiện tại thì có thể mọi chuyện đã không đến nỗi này.  

Đừng buồn với tuổi thọ 1 năm của một cái ban từng được rất nhiều dư luận, người hâm mộ kỳ vọng. Hãy buồn vì cái ban ấy rốt cuộc đã phải tạm ngừng hoạt động vì dám nói và dám đấu ở trong một hệ thống mà sự im lặng mới là thứ được tôn vinh!

Ngày còn giữ chức PCT VPF (nhưng có thực quyền át cả ông chủ tịch), bên cạnh việc quyết tâm gây dựng, thành lập Ban Tư vấn đạo đức, ông Nguyễn Đức Kiên còn mang ý định đưa Ban Kỷ luật VFF về VPF. Ông Kiên tin rằng, một khi có cả Ban Tư vấn đạo đức lẫn Ban Kỷ luật, VPF sẽ có đủ công cụ để xử hàng loạt các trận đấu cuội, các pha bóng cuội mà trước đó ai cũng nghe, cũng thấy, cũng hiểu, nhưng đụng vào chuyện xử phạt thì lại vấp phải câu hỏi "bằng chứng đâu?".

Bây giờ thì không những không có được Ban Kỷ luật, VPF thậm chí còn mất luôn cả Ban Tư vấn đạo đức. Cái mất mà nhiều người bảo có thể sẽ làm hài lòng một nhóm lãnh đạo nào đó, nhưng chắc chắn sẽ là một cái mất đẩy lùi sự phát triển của cái chung.

Anh Hoàng

Hiếu Anh
.
.
.