Từ thợ mỏ đến NSND

Thứ Ba, 02/06/2009, 15:45
Sau khi làm thợ khoan 5 năm về Hà Nội học thanh nhạc, tốt nghiệp bậc Đại học Nhạc viện Hà Nội, nghệ sỹ Doãn Tần về Đoàn ca múa Tổng cục chính trị. 40 năm trên sân khấu, mang lời ca tiếng hát phục vụ bộ đội, đồng bào cả nước và trở thành NSND - Đại tá Quân đội.

Theo lời mời, thay vì gặp tại quán cà phê, tôi đến nhà anh chị trong chiều hè rực nắng. Trước lúc hỏi anh về chuyện đời riêng, chuyện nghiệp diễn, tôi đề nghị anh hát cho nghe bài ca tôi yêu thích, một bài hát đã được góp phần đóng dấu trong công chúng với giọng nam cao Doãn Tần: “Lòng nhớ thương quê hương miền Nam anh hằng tha thiết ước mong ngày mai/Anh sẽ đi về khắp làng quê xây những ngôi nhà tương lai/ Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu nghe máu trong tim hoà niềm vui lâng lâng em ơi/ Tuy giờ đây hai miền còn cách xa niềm chia cắt thắt đau lòng chúng ta/ nhưng không thể xoá được hình bóng em…” (“Những ánh sao đêm”).

Dứt lời, anh ngừng trong giây lát, đưa cái nhìn tình tứ liếc trộm… vợ. Chúng tôi cùng cười vang trong sự yên tĩnh đang bao trùm căn phòng bé nhỏ. Căn nhà ấy rất ngăn nắp, nằm giữa khu văn công Mai Dịch. Anh bảo: “Đất cơ quan cấp, vợ chồng chắt chiu nhiều năm mới đủ tiền xây”. Cuộc sống của anh chị chẳng sung túc gì nhưng hạnh phúc có thể nói là tràn đầy. Sự may mắn của số phận đã giúp anh gặp chị, người bạn đời thuỷ chung. Đó là Nguyễn Thị Minh Hồng, cũng là nghệ sỹ của Đoàn ca múa Quân đội trước đây. Hai vợ chồng nghệ sĩ sớm tối quấn quýt bên nhau, hình ảnh ấy không dễ gì những cặp nghệ sỹ tài hoa khác có được.

Người thợ mỏ hát hay…

Sinh ra ở vùng quê Thái Bình nhưng năm 1965 Doãn Tần giã từ nơi chôn nhau cắt rốn đến vùng mỏ Quảng Ninh, gia nhập đám công nhân mặt mũi lấm lem. Anh nằng nặc xin làm người thợ mỏ chui sâu dưới lòng đất và trở thành công nhân từ ngày đó. 5 năm ở mỏ khe Tam khe Chàm, anh liên tiếp đuợc bình chọn lao động xuất sắc và được “đề bạt” chức kíp trưởng phụ trách một kíp cỡ vài chục công nhân. Trách nhiệm đè nặng trên vai, Doãn Tần làm việc cật lực cùng với những người thợ mỏ trong môi trường khắc nghiệt: Ngột ngạt, căng thẳng, thiếu ánh sáng, người thợ lò giống như “con chuột chũi” chui sâu giữa lòng đất 650 mét dò tìm mẫu quặng.

Trong lấm lem, những người thợ vẫn rất hồn nhiên, tươi vui. Đêm đêm họ sôi nổi đàn hát, tham gia phong trào văn nghệ quần chúng. Trong những nhân tố tích cực nhất luôn có Doãn Tần. Khởi đầu là cây văn nghệ nghiệp dư nhưng Doãn Tần hát chuẩn và hay tới mức tiếng ca người thợ vang đến tận tai ông Tạ Phước hồi đó đang là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Một lần gặp gỡ, ông bảo Doãn Tần hát bài “Tôi là người thợ mỏ”. Hết bài, ông nói ngay: “Tôi chọn cậu này!”.

Hát với tất cả tấm lòng

Giã từ đời thợ gắn bó bấy lâu, Doãn Tần theo ông Tạ Phước về Hà Nội, bước tới một chân trời mơ ước cùng tương lai sáng lạn, gọi mời. Anh trở thành sinh viên Khoa thanh nhạc - Nhạc viện Hà Nội, được đào tạo công phu và luyện tập không ngừng để giọng nam cao ngày một hoàn thiện.

Là sinh viên xuất sắc, Doãn Tần được các thầy cô giáo và bạn bè yêu quý vì tính khiêm tốn, giản dị, hoà đồng. Trời lạnh căm căm Doãn Tần vẫn không nghỉ luyện giọng hát thanh cao, hào sảng, khoẻ khoắn như con người anh vậy. Sau mỗi buổi học là một buổi thực hành ngay trên sân khấu.

Cũng từ những chuyện đời thường ấy nên chị Minh Hồng khi còn là bạn học cùng khoa đã “chết mê” Doãn Tần. Tình yêu sét đánh dẫn tới cuộc hôn nhân có hậu kể từ ngày họ cưới nhau đã gần 40 mùa xuân đi qua…

Về Đoàn ca múa Tổng cục chính trị, khoác trên mình bộ quân phục màu xanh, Doãn Tần mang theo một chiếc ba lô, một cây đàn ghi ta cùng với các nghệ sỹ chiến sỹ Quân đội đi biểu diễn khắp đất nước, phục vụ bộ đội và đồng bào. Nhờ phong cách chững chạc, điềm đạm, Doãn Tần nhanh chóng chiếm cảm tình những người lính trẻ đang chiến đấu trên trận địa ác liệt khét mùi đạn bom.

Đi vào chiến trường K (Cam pu chia) anh hát cho quân tình nguyện Việt Nam ở xa Tổ quốc. Nghe tiếng anh hát: “Anh dịu dàng trong điệu múa Ap xa ra/ Ap xa ra ơi điệu múa hay tình đất nước/ Ap xa ra ơi điệu hát thay lời Tổ quốc”. (“Anh lính tình nguyện và điệu múa Apxara”), có người lính trẻ tuổi đời 18 đôi mươi không kìm nén nổi xúc động, chạy theo ôm chặt anh vào lòng nức nở: “Em cũng có người yêu ở quê nhà nay phải xa nhau, em yêu cô ấy…”. Dấu ấn đó với anh là kỷ niệm đẹp mãi mãi không phai mờ suốt cuộc đời làm nghệ thuật.

Nhà có 3 nghệ sĩ

Chị Hồng yêu chồng tới mức… cuồng si, chị than rằng: “Vì xuất thân trong gia đình nông dân tính chân chất không biết nói lời mỹ miều với vợ, có khi còn quá quê mùa”. Nói rồi chị đập đập vào vai anh cả hai cùng cười. Dường như họ sinh ra để sống vì nhau.

Từ khi là công nhân thợ mỏ đến khi trở thành NSND, có bao nhiêu cô gái mê đắm anh nhưng trong Doãn Tần chỉ có hình bóng Minh Hồng mà thôi. Hồi sinh con gái Hồng Vy, cùng với tình yêu, em bé trở thành chiếc cầu nối tình cảm hai người, họ yêu nhau thắm thiết hơn bao giờ hết, bất chấp mọi gian khổ. Thời kỳ khó khăn ấy, chị hy sinh cho chồng, bỏ nghiệp diễn ở Đoàn ca múa Tổng cục chính trị về chăm chồng nuôi con. “Một người nổi tiếng được rồi”, chị thản nhiên nói với tôi như vậy.

Đáp lại tình yêu của vợ, anh dẫn dắt niềm tin và hy vọng vào Hồng Vy, nhận thấy con gái bé bỏng cũng có năng khiếu ca hát, anh tự dạy dỗ Hồng Vy từng bước trên bước đường nghệ thuật. Theo dòng nhạc đỏ, nối nghiệp bố, Hồng Vy hát rất hay những bài ca truyền thống từ thời kháng chiến như: “Cô gái vót chông”, “Bài ca cánh võng”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “ Người lái đò trên sông Pô Cô”, “Người là niềm tin tất thắng”.

Sau khi được giải nhì trong cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, tốt nghiệp Đại học Thanh nhạc, cô nhanh chóng hoà nhập, tâm huyết với nghề mình lựa chọn. Điều đó minh chứng bằng thành quả 2 cuốn album: “Hoa lửa” và “Vinh quang Việt Nam”, được giải album Vàng của Hội đồng nghệ thuật TP Hồ Chí Minh

Hải Châu
.
.
.