Tủ sách dòng họ ở một vùng quê Thái Bình

Thứ Sáu, 09/12/2011, 16:22
Trong khi văn hóa đọc ở một số địa phương đang bị mai một thì việc duy trì mô hình tủ sách dòng họ ở xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao ý thức trách nhiệm của các thành viên trong dòng tộc và bà con dân làng đối với quê hương, đất nước.

Sau những giờ học miệt mài ở trường, tranh thủ lúc nghỉ trưa, một nhóm các em học sinh thuộc dòng họ Hoàng Đình, ở làng Lạc Cổ, xã An Dục lại cùng nhau đến nhà thờ họ để đọc sách. Những cuốn sách được các thành viên trong họ cần mẫn sưu tầm, cóp nhặt trong nhiều năm qua đã thực sự thu hút các em. Đến nơi linh thiêng, ấm áp của dòng tộc, các em được đắm mình trong thế giới tri thức với trên 300 đầu sách đầy đủ các thể loại: Văn học, lịch sử, khoa học kỹ thuật, kỹ năng sống...

Nhà thờ họ đã trở thành một thư viện không chỉ đối với các thành viên trong dòng họ mà còn cả bà con chòm xóm, những người yêu quý sách, mong muốn được học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ hiểu biết. Đọc sách cũng giúp các em tránh xa các trò chơi bạo lực, các tệ nạn xã hội... Em Hoàng Thị Hân, học sinh lớp 11A6 Trường THPT Phụ Dực - Quỳnh Phụ phấn khởi nói: "Em rất tự hào khi dòng họ có một tủ sách với nhiều thể loại, giúp cho chúng em có điều kiện bổ sung kiến thức về lịch sử dân tộc, về khoa học tự nhiên... Đặc biệt là các tác phẩm văn học vừa mang lại tri thức vừa giáo dục cho chúng em tính nhân văn, lòng yêu thương con người, sống đẹp, sống có ích...".  

Các thành viên dòng họ Hoàng Đình đọc sách.

Không chỉ các em học sinh, các cụ già mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng vẫn đều đặn đến từ đường họ, đọc sách. Các cụ tìm đến đọc sách không chỉ để giải trí mà còn bàn luận nhiều chủ đề một cách say sưa, nhất là những chủ đề liên quan đến việc quản lý, giáo dục con cháu sống thảo hiền, ngoan ngoãn, có trách nhiệm với gia đình, dòng tộc, cộng đồng, tránh xa mọi cám dỗ và tệ nạn xã hội... Con cháu dòng họ Hoàng Đình đều là những thành viên tốt, học hành đỗ đạt, có đến hơn 30 người là kỹ sư, cử nhân, bác sỹ. 

Cũng như dòng họ Hoàng Đình, dòng họ Lương ở làng Lạc Cổ có truyền thống hiếu học. Các thế hệ của họ Lương đều là những người nông dân chăm chỉ, hiền lành, quý trọng cái chữ. Dù quanh năm vất vả việc đồng áng, lo bát cơm, manh áo, nhưng từ đời này đến đời khác, các thành viên trong họ đều nuôi chí phấn đấu vươn lên, khao khát sự học, sự đọc, làm giàu sự hiểu biết cho bản thân. Hằng ngày, khi hoàn tất công việc nhà nông, già, trẻ, gái trai lại cùng đến nhà ông trưởng tộc, hào hứng đọc sách. Người thì đọc sách lịch sử, văn học, người thì đọc sách về kinh tế, chính trị, người lại nghiền ngẫm sách khoa học kỹ thuật, rồi đem những kiến thức ấy áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện cuộc sống gia đình.

Từ  mô hình hiệu quả ở làng Lạc Cổ, chính quyền xã An Dục đã chỉ đạo nhân rộng ra nhiều thôn làng khác. Từ năm 2007 đến nay, xã An Dục đã có 13 tủ sách và ở thôn làng nào cũng có những tủ sách dòng họ. Bà con nông dân ở đây đến với sách, đã nâng cao sự hiểu biết về chính trị, kinh tế, văn hóa và pháp luật, góp phần đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, bình yên

Hồ Tuyên
.
.
.