Trượt giá như cầu thủ Việt Nam

Thứ Hai, 26/08/2013, 10:22
Công bằng mà nói, ngay cả khi CLB Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn (XM.XT.SG) không giải thể thì cầu thủ Việt cũng đối diện với nguy cơ… mất giá trầm trọng. Nhưng CLB XM.XT.SG giải thể giống như một đòn mạnh - một đòn đau - một đòn chốt hạ chết người, chính thức mở ra một cuộc trượt giá thê thảm trước mùa giải mới.

Khi lý giải về việc cho tới 7 cầu thủ trụ cột ngồi ngoài và ồ ạt tung các cầu thủ trẻ vào sân trong trận đấu cuội với Kiên Giang, dẫn đến việc bị Ban Kỷ luật VFF thẳng tay trừ 4 điểm, HLV trưởng Trần Tiến Đại của XM.XT.SG giải thích rằng: “Đấy là một cách tính toán hợp lý cho mùa giải sau”. Nói cụ thể thì ở mùa giải sau, XM.XT.SG sẽ thắt chặt chi tiêu bằng cách thanh lý hợp đồng với các cầu thủ sao số và quay sang chiến lược dùng cầu thủ trẻ. Một đội bóng nổi tiếng là bạo chi và dám chi ngay cả khi cơn khủng hoảng kinh tế đang khiến nhiều đội khốn khổ như XM.XT.SG lại chuyển hướng chi tiêu theo dạng đó, chắc chắn thị trường cầu thủ sẽ trượt giá nghiêm trọng.

Nhưng rốt cuộc là bây giờ, không chỉ dừng lại ở việc “chuyển hướng chi tiêu”, XM.XT.SG thậm chí đã không còn tồn tại ở sân chơi cao nhất của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Điều này khiến những cầu thủ vốn thuộc biên chế của XM.XT.SG, trong đó có những cầu thủ kỳ cựu như Tài Em, Việt Cường, Nsi… sẽ mất giá. Vẫn phải nhắc đi nhắc lại rằng, XM.XT.SG tồn tại hay không tồn tại thì nhóm cầu thủ này cũng sẽ ra đi. Nhưng ra đi trong tư thế đội bóng của mình vẫn đang được duy trì bao giờ cũng “có giá” hơn so với khi đội bóng bị xóa sổ. Trong hoàn cảnh này mới thấy việc thủ thành Bùi Tấn Trường bị XM.XT.SG thanh lý hợp đồng trước vòng 19 V.League (nghĩa là trước khi diễn ra trận đấu cuội XM.XT.SG – Kiên Giang) tưởng là rủi hóa ra lại là cái may. Tấn Trường được thanh lý khi đội bóng của mình vẫn đang sống, nên nghe đâu cái giá lót tay mà anh nhận được từ đội bóng mới (nhiều khả năng là Bình Dương) lên tới 3 đến 5 tỷ đồng. Dân làng bóng nhận xét rằng, giả như Tấn Trường không bị thanh lý sớm, mà bị thanh lý khi đội bóng giải thể giống trường hợp của Tài Em, Việt Cường, Nsi… thì có thể, cái giá của Trường chỉ vào khoảng 1/2, thậm chí 1/4 so với mức giá anh nhận được.

Tài Em (trái) sẽ bị trượt giá khi CLB chủ quản XM.XT.SG không còn tồn tại. Ảnh: H.M.

Về mặt lý thuyết, mùa giải tới V.League sẽ trở lại với quỹ đạo 14 đội, thay vì 12 đội như ở mùa giải năm nay, nên nhu cầu tuyển quân của các đội cũng sẽ tăng lên. Nhưng lại phải thấy rằng, những đội được đôn lên V.League như An Giang, Quảng Ninh, Quảng Nam đều không phải là những đội máu chi kiểu… XM.XT.SG. Trong cuộc trao đổi mới đây với chúng tôi, HLV trưởng của cả 3 đội bóng này đều nhấn mạnh tới việc sẽ tận dụng nguồn cầu thủ trẻ địa phương để vừa tiết kiệm chi phí hoạt động, vừa hướng đến việc xây dựng một tương lai lâu dài, bền vững. Còn trong một cuộc họp nội bộ giữa VFF và VPF, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thậm chí còn lo sợ rằng, trong số 3 đội được lên V.League như vừa kể trên, rồi sẽ có đội rơi vào hoàn cảnh “vừa đá bóng, vừa lo chạy tiền” giống Kiên Giang. Ở đây, phải nói lại rằng, vì thiếu tiền mà Kiên Giang đã nợ lương, thưởng, tiền lót tay cầu thủ tới mức các cầu thủ đã phải đình công, và thậm chí đã tính đến chuyện không ra Thanh Hóa trong trận Kiên Giang – Thanh Hóa cách đây mấy vòng. Phải đợi tới khi Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cùng Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng tác động đến những nhân vật cấp cao của Tỉnh ủy Kiên Giang thì khúc mắc mới được tháo nút vào phút cuối. 

Trong bối cảnh một đội bóng có truyền thống tiêu tiền như XM.XT.SG đã rời xa V.League, những đội bóng chuẩn bị chơi V.League như An Giang, Quảng Ninh, Quảng Nam đều là những đội bóng nghèo thì thị trường mua – bán cầu thủ chỉ có thể được khuấy động bởi những đội như HN.T&T, Bình Dương, Đà Nẵng, Thanh Hóa. Nhưng nếu nhìn vào chiều sâu đội hình mà những đội bóng này đang sở hữu, dễ thấy nhu cầu mua cầu thủ mới không phải là một nhu cầu được ưu tiên.

Chỉ 2, 3 năm trước, người ta không ngừng nói tới những cái giá chuyển nhượng kỷ lục lên tới 7 tỷ đồng (khi Công Vinh về HN.T&T), 8, 9 tỷ đồng (khi Quang Hải về Navibank Sài Gòn) rồi trên dưới 10 tỷ đồng (khi Phước Tứ về XM.XT.SG). Nhưng bây giờ mọi thứ đang thụt lùi thê thảm, và trong quỹ đạo của sự thụt lùi ấy, đừng nói tới chuyện 7, 8 tỷ đồng, nhiều cầu thủ sao số được trả giá khoảng 3, 4 tỷ đồng là đã có thể vỗ tay ăn mừng.

Ở một nền bóng đá mà có quá nhiều thứ giá trị bị thả nổi và quá nhiều thời điểm vận động tự phát thì chuyện các cầu thủ Việt đang trượt giá và mất giá như bây giờ cũng là điều… nhìn thấy trước!

Ra nước ngoài là… lối thoát?

Trong bối cảnh trượt giá thê thảm của thị trường cầu thủ Việt, có người đặt ra câu hỏi: Tại sao những cầu thủ thuộc hàng sao số không nghĩ tới chuyện ra nước ngoài thi đấu, giống như Công Vinh đang thi đấu ở giải hạng 2 Nhật Bản? Cần phải nhắc lại, Công Vinh sang Nhật từ một bản hợp đồng mang màu sắc thương mại nhiều hơn là những ý nghĩa chuyên môn. Và ở Việt Nam, không phải cầu thủ sao số nào cũng có “giá trị thương mại” giống Công Vinh, nên chuyện sang Nhật Bản, Thái Lan, hay thậm chí Malaysia, Indonesia là điều gần như không tưởng.

Bài toán chỉ được giải quyết khi một doanh nghiệp nước ngoài nào đó quyết định mở rộng thị trường ở một địa phương nào đó tại Việt Nam. Lúc ấy, chắc chắn những cầu thủ ở địa phương đó sẽ được để ý, và chuyện xuất ngoại có thể sẽ xảy ra.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.