“Trường viết văn Nguyễn Du” khai giảng khóa I

Thứ Năm, 31/05/2007, 09:57
Theo thông báo chính thức, hiện đã có 70 học viên được tuyển chọn từ 110 hồ sơ tham dự của 27 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cuối mỗi khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ, chắc là để "kỷ niệm" cho vui vì sẽ không có giá trị pháp lý để xin thêm công ăn việc làm.

Sáng tác văn học là một thiên chức nên không học, theo nghĩa thông thường, mà trở thành nhà văn được. "Giời" đã không chọn dù có cố gắng mấy thì cuối cùng cũng chỉ thành "thợ viết" mà thôi, thậm chí rất dễ bị "tẩu hỏa nhập ma" chữ nghĩa, nếu ta không có căn bản tinh thần vững vàng.

Nhưng những người đam mê văn chương có thể trau dồi và rèn giũa năng lực được nhờ các khoá học chuyên ngành. Trường Viết văn Nguyễn Du từng tồn tại gần 30 năm (từ năm 1975 tới năm 2004) đã có chức năng như thế.

Trước đó, Hội Nhà văn Việt Nam cũng từng tổ chức Trung tâm bồi dưỡng những người viết văn trẻ Quảng Bá trong những năm từ 1960 tới 1975, nơi tụ hội của không ít những gương mặt về sau đã trở thành trụ cột của nền văn học nước nhà.

Có lẽ cũng theo tinh thần đó nên sáng 30/5, cũng vẫn cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức ra mắt Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tại Hà Nội, trên nền đất Quảng Bá cũ. Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội khác trước rất xa như hiện nay, không rõ một mô hình bổ sung kiến thức như thế sẽ đạt được hiệu quả đến đâu?

Đội hình lãnh đạo Trung tâm đều là những gương mặt sáng giá về chuyên môn: chức Giám đốc được dành cho TSKH Phan Hồng Giang, một nhà nghiên cứu, dịch giả văn học đầy uy tín. Hai Phó Giám đốc là hai ông Chủ tịch hội đồng trong lĩnh vực văn xuôi và thơ: nhà văn Ma Văn Kháng và nhà thơ Vũ Quần Phương.

Toàn những nhân vật tóc đã nhuốm bạc, dày dạn kinh nghiệm cả trong nghề lẫn trong đời, mặc dầu có lẽ sẽ không dễ dàng gì khi phải làm việc theo hình thức phi lợi nhuận và tự chủ kinh phí.

Liệu với mức thu nhập rất khiêm tốn từ công việc quản lý và điều hành Trung tâm như hiện nay (nghe đâu, mỗi người sẽ được 1,5 triệu đồng mỗi tháng), đam mê truyền lửa cho các đồng nghiệp trong lòng các "đàn anh" trong Ban giám đốc có cháy nồng nhiệt được bền lâu hay không?

Khóa 1 của Trung tâm dự kiến sẽ kéo dài từ cuối tháng 5 này tới ngày 9/8. Các khoá sau cũng sẽ chỉ kéo dài dăm bảy tháng như vậy. Với thời lượng như vậy, có lẽ sẽ không dễ dàng để không biến các khoá học thành những lần "cưỡi ngựa xem hoa" ở Quảng Bá.

Rất có nguy cơ nảy sinh hiện tượng ai đó trong số học viên "mượn" những điều kiện thuận lợi ở Trung tâm để "trốn việc quan, đi ở chùa" chứ không thực sự mang tinh thần cầu thị có học có hơn.

Theo thông báo chính thức, hiện đã có 70 học viên được tuyển chọn từ 110 hồ sơ tham dự của 27 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cuối mỗi khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ, chắc là để "kỷ niệm" cho vui vì sẽ không có giá trị pháp lý để xin thêm công ăn việc làm. Với người làm văn chương, chỉ có tác phẩm của ta mới là minh chứng đích thực và duy nhất về trình độ và sự hữu dụng của ta đối với xã hội.

Cũng cần phải nhắc tới một sự việc, tuy nhỏ nhưng có lẽ sẽ không là nhỏ nếu nhìn theo một góc độ nào đấy: Mặc dù quyết định thành lập Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du đã được ký từ năm 2005 nhưng cho tới hôm khai giảng khóa 1, cơ ngơi dành cho Trung tâm trên Quảng Bá vẫn chưa kết thúc khâu hoàn thiện.

Trong giai đoạn đầu, các học viên khóa 1 sẽ phải "học nhờ" tại các giảng đường của Trường Viết văn Nguyễn Du cũ, trong khuôn viên của Đại học Văn hóa trên đường Đê La Thành.

Mong sao cho Trung tâm dù trong bất luận hoàn cảnh nào cũng sẽ có được một tương lai tươi sáng hơn những cơ sở "tiền bối"

Minh Huyền
.
.
.