Trước vòng xoáy cuộc đời, phải giữ đạo báo chí!

Chủ Nhật, 12/06/2011, 15:41
Nhà báo theo tôi tâm niệm không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh. Người đảm đương cho sứ mệnh đó trước hết phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh để đứng vững trước mọi diễn biến đầy cạm bẫy, cám dỗ của cuộc sống, xã hội thị trường.

Có lẽ ít có thứ nghề nghiệp của con người mà trong qua trình thực thi lại bộc lộ rõ nhất bản lĩnh và cái tâm của cá nhân như trong nghề viết văn và viết báo. Nhưng nghề văn khác nghề báo ở chỗ bằng vốn sống và sự trải nghiệm của mình nhà văn có thể trở thành "thư kí thời đại" bằng những hình tượng để đời thông qua sự khái quát nghệ thuật. Còn nhà báo muốn có tác phẩm báo chí xuất sắc thì không thể một giờ tách khỏi cuộc sống, trốn trong tháp ngà riêng tư để sáng tạo.

Với tôi, tính từ bài báo đầu tiên của tôi được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam đến nay đã 41 năm và tôi tin nghiệp viết báo, viết văn sẽ đeo đẳng với tôi đến trọn kiếp. Trong 39 năm làm báo chính thức, tôi cứ tạm chia ra làm hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất tính từ 1970 đến khoảng những năm đầu của thập kỷ 90 tức là hơn 20 năm. Đây là giai đoạn nền kinh tế, cũng như đời sống xã hội nước ta đang trong giai đoạn quản lý bao cấp. Cuộc sống con người từ điều kiện vật chất đến tư tưởng đều khuôn vào những tiêu chuẩn, những định lượng đã được xếp sẵn. Những ô tem phiếu con con ghi rõ từng bìa đậu, lạng thịt cho mỗi hạng người vô hình trung cũng chia tư tưởng, suy tư con người thành những ô vuông mà ở đó là sự chấp nhận, tán thành, đồng ý. Tốc độ cuộc sống chầm chậm theo chu trình xếp hàng. Anh có nhanh hơn, thông minh hơn người khác cũng chẳng thể mang lại điều gì cho cá nhân, gia đình anh. Báo chí thuở đó cũng vậy.

Thời gian này mỗi chuyến công tác của tôi ít nhất là năm ngày, còn bình thường là một tuần, mười ngày. Về cơ quan mỗi đợt cũng chỉ trình làng một, hai bài. Nhiều hơn, thêm cái phỏng vấn, mẩu chuyện người tốt việc tốt. Có mấy chuyến tôi đi dài ngày như chuyến đi công tác với đoàn xe quá cảnh của Công ty Vận tải ôtô số 6 ở Đà Nẵng, Đông Hà, theo xe sang cả Lào. Chuyến này dư hai tháng. Rồi chuyến đi với tàu Điện Biện 01 của Công ty Vosco dằng dặc 6 tháng lênh đênh trên biển về cũng chỉ viết vỏn vẹn một phóng sự, vài ba cái phỏng vấn. Tiếc tài liệu cùng những cảm nhận về cuộc sống sôi động nên tôi xoay ra viết văn. Hàng loạt tiểu thuyết "Quá cảnh", "Bụi đường" về vận tải ôtô, "Biển toàn là nước" (tác phẩm này nhận giải của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam về đề tài công nhân và người lao động hồi tháng 7/2010) viết về thủy thủ viễn dương ra đời vì lẽ đó. Dạo đó lệ phong bì chưa có. Cơ sở nhất là cơ sở làm hàng tiêu dùng quý nhà báo lắm tặng chút sản phẩm "nhà trồng được" kiểu như cái liễn, dây bát ở gốm Hưng Hà, chai dầu rán của nhà máy ép dầu Hàm Rồng sau sơ tán lên Yên Định - Thanh Hóa. Cái vỏ chăn ghép không dưới 50 mảnh vải vụn của Xí nghiệp Bông Hà Nội…

Giai đoạn sau tính từ khi đất nước ta thực hiện chính sách đổi mới trong kinh tế, tư tưởng nhìn chung ít nhiều đổi mới, và nhất là khi cơ chế thị trường được chấp nhận thì đời sống của nước ta bắt đầu tăng tốc trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Chiếc áo bốn túi. Đôi dép nhựa Tiền Phong đồng loạt của anh cán bộ, công chức thay dần bằng trang phục đa dạng bộc lộ cá tính xuất hiện.

Các tờ báo bắt đầu có trang quảng cáo và nhà báo cùng hòa trong guồng quay của nhân viên các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước làm quen với chiếc phong bì được tặng mỗi khi dự họp, về cơ sở, địa phương công tác. Bản lĩnh người làm báo bắt đầu phải huy động để khẳng định trước cơn lốc thị trường. Đội ngũ nhà báo dù có thể thồi thộc ít nhiều nhưng về cơ bản trong thời kỳ bao cấp đều xếp chung một hàng đồng cam cộng khổ cùng các tiêu chuẩn quy định đến thời cơ chế thị trường đã bắt đầu chia thành nhiều tầng lớp. Chất quyết liệt của báo chí tăng lên, sự sắc sảo của nhà báo được phát huy. Nỗi buồn và niềm vui. Sự tủi hổ và lòng tự hào đối với báo giới đã xuất hiện cài răng lược và gây sự chú ý trong dư luận xã hội. Chỉ riêng năm 2010 đã có không ít sự kiện điển hình về báo giới trong đợt sóng của thời kinh tế thị trường.

Trong cơ chế thị trường, bản lĩnh nhà báo đang được đưa ra thử thách. Những thái cực giữa một bên là bản lĩnh, lương tâm nghề nghiệp, tính chiến đấu và sự trung thực của nhà báo đối diện với một bên không ít nhà báo sẵn sàng lợi dụng nghề nghiệp để kiếm lợi cho bản thân mình, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút viết sai sự thật để mưu cầu sinh nhai.

Nhà báo theo tôi tâm niệm không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh. Người đảm đương cho sứ mệnh đó trước hết phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh để đứng vững trước mọi diễn biến đầy cạm bẫy, cám dỗ của cuộc sống, xã hội thị trường. Nhân dân và cả xã hội cho đến bây giờ dù đã ít nhiều chứng kiến những hiện tượng suy thoái của báo giới nhưng vẫn ắp đầy lòng tin và sự kính trọng đối với nghề báo này. Xin các nhà báo đầy bản lĩnh, tay nghề cao cả và tâm huyết luôn luôn muốn dùng ngòi bút tỉnh táo được chỉ đạo bằng trái tim nóng bỏng vì một sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng một xã hội ngày càng cao đẹp, công bằng hơn, hãy xứng đáng với lòng kính trọng và tin yêu đó

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hiếu
.
.
.