Trùng tên cũng lắm chuyện... phiền

Thứ Sáu, 15/09/2006, 08:46

Đã có một số tờ báo lên tiếng góp ý về việc Đài THVN không nên “Việt hóa” cái tên bộ phim mua lại của một Hãng nước ngoài (vốn có tên là “Nhật ký Sophie”) sang thành…. “Nhật ký Vàng Anh” vì giống với tên nữ văn sĩ Phan Thị Vàng Anh, hiện là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi xin bày tỏ quan điểm của mình và đưa ra những dẫn dụ mà tôi bắt gặp đây đó, ngõ hầu để bạn đọc, bạn viết tham khảo.

Phải khẳng định ngay rằng, việc bố mẹ muốn đặt tên con thế này, thế nọ, ấy là quyền của họ và hoàn toàn là việc riêng của mỗi gia đình. Thực tế, không có luật định nào đang hiện hành buộc người ta phải đặt tên con thế này, không được đặt tên con thế này. Tuy nhiên, luật là luật vậy, vẫn có những cái thuộc dạng “quy ước ngầm”, nghĩa là những cái thuộc về phép tắc ứng xử được truyền thụ tự ngàn đời.

Ví như trong các gia đình Việt Nam, bao giờ người ta cũng phải tránh không để tên con trùng với tên bố mẹ, ông bà (thậm chí cả cô bác anh em trong họ tộc). Chuyện vợ chồng anh Pha và gia đình người hàng xóm có tên gọi Trương Thi (trong truyện “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan) đã xích mích dẫn đến thù hằn rồi bỏ trộm rượu lậu vào ruộng của nhau chỉ vì người nọ cố tình lấy tên mẹ của người kia ra để đặt tên cho con đã cho thấy cái tác hại của sự bất chấp những “quy ước ngầm” nói trên.

Tôi nghĩ, có lẽ trong làng văn cũng vậy thôi. “Nghề này thì lấy ông này tiên sư”- có nghĩa là anh cũng phải nể, phải kiềng… những cái tên, ít ra là một vài cái tên nào đó... chứ. Ấy vậy mà, nếu bạn đọc chịu khó theo dõi báo chí, hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy tên tuổi các thi gia cổ điển  như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát… bỗng dưng “tái xuất” cùng hàng loạt bài viết thuộc đủ các chuyên mục về cuộc sống đương đại.

Tất nhiên chỉ cần lướt qua cái tít bài hoặc vài dòng mở đầu, là người đọc nhận ra ngay… Nhưng sự ngỡ ngàng dù chỉ là trong tích tắc cũng sẽ được chuyển hóa thành sự khó chịu. Tránh cho người đọc khỏi “khó chịu” (cũng như phiền phức khác sau này) là việc mà bất kỳ người cầm bút nào cũng phải tính đến, chưa kể đó lại là “sự khó chịu không cần thiết”.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc trong một lần được mời đi dự hội thảo về một danh thắng ở tỉnh nọ, đã hết sức ngạc nhiên khi thấy trên bàn hội nghị có tấm biển mica đề tên hai danh nhân của nước ta từ thế kỷ XVIII: Một thi hào và một học giả vĩ đại. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc e ngại: Hay là giấy mời ghi nhầm? Đây là hội thảo về các tác gia chứ không phải về di tích? Nếu vậy thì tài liệu mà cụ chuẩn bị để phát biểu đã không “trúng”. Nhưng rồi, cụ Phúc thở phào nhẹ nhõm khi được cho hay: Đó là tên của hai vị thành viên tham gia cuộc hội thảo nói trên!

Dân gian ta vẫn nói “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.  Vả chăng, bố mẹ đặt cho mình như vậy, nhưng khi cầm bút, mình có quyền đổi lại. Có biết bao nhà văn, nhà thơ đã thay tên thật bằng bút danh. Một người làm công việc sáng tạo, ngay khi bước chân vào nghề, đã ý thức cho mình là phải viết sao cho không được trùng với bất cứ ai, vậy mà chưa chi, ngay từ cái tên đã “trùng” rồi, thì thật là một điều bất tiện. Còn lấy lý do khi đăng ký cái tên như vậy với giới văn nghệ là khi mình chưa biết trên đời có một danh nhân như vậy, thì đó là một sự… “thất lễ”. Biết rồi mà vẫn cố tình đặt như vậy, theo suy nghĩ của tôi, lại càng là một sự “thất lễ”.

Phải thú thực rằng: Là một người viết dù tên tuổi bình thường mà bị trùng tên cũng là điều đáng buồn. Chẳng ai thích thú gì khi tác phẩm của người khác bị quy là của mình và ngược lại. Rồi biết bao sự phiền phức, rầy rà có thể xảy ra sau đó. Ta có thể xấu hổ khi nghe người ta ca ngợi mình trước khi ta kịp đính chính rằng đó không phải là bài viết của mình.

Ta đau khổ ê chề khi người ta lên tiếng bỉ bai, mạt sát mình vì một bài viết kém… của người “anh em” trùng tên nào đó. Báo chí hiện nay in ra đa phần đều ở con số hàng vạn, hàng vạn. Mỗi người chỉ có một miệng, biết “đính chính” thế nào cho xuể.

Bởi vậy, một điều thật đáng hoan nghênh là có những tác giả đã chủ động đổi tên mình để tránh phiền phức cho đồng nghiệp, như ở Hải Phòng, nhà văn Bão Vũ - vốn tên thật là Vũ Bão - đã đảo ngược tên mình để tránh trùng với cụ Vũ Bão ở trên Hà Nội. Tránh phiền phức cho đồng nghiệp và cho chính bản thân mình

Hà Khải Hưng
.
.
.