Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam: Từ ý tưởng đến hiện thực

Thứ Ba, 11/09/2007, 15:30
Ngày 11/9, Trung tâm Văn hoá doanh nhân (TTVHDN) Việt Nam của nhà văn Lê Lựu bước vào tuổi thứ 5. Dẫu thế nào, nhưng nhiều văn nghệ sĩ khi nhắc đến Trung tâm này vẫn cứ phải kèm theo một câu "của nhà văn Lê Lựu".

Nói như vậy, dường như nhiều người không có ý khoác cho ông bản quyền về ý tưởng thành lập Trung tâm, mà có lẽ họ trân trọng trong "năm năm mới bấy nhiêu ngày" ấy, ông đại tá nhà văn của một "Thời xa vắng" nay kiêm cả hai sứ mệnh "Tư lệnh" và "Lính chiến", đi lại như con thoi, làm việc tối mặt để tạo được dấu ấn thành công trên một sân chơi mới mẻ.

Nhớ lại cái thuở ban đầu khó khăn chồng chất ấy, nhà văn Lê Lựu luôn khẳng định rằng, nếu không có sự ủng hộ của ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội, của lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của giới văn nghệ sĩ, báo chí thì ông sẽ không có chỗ tựa vịn trên con đường mà đến người thân nhất còn nghi ngờ không tin ông đi đến tận cùng. May thay, ý tưởng táo bạo của ông nhà văn quân đội Lê Lựu về việc thành lập TTVHDN Việt Nam, một cái tên nghe lạ hoắc, lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự hưởng ứng nhiệt thành của doanh nhân và sự ủng hộ nồng nhiệt của bạn bè trong giới văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà khoa học...

Thế là một đội ngũ làm việc đã bắt đầu đi vào ổn định, hai thế hệ già có, trẻ có. Nói như nhà văn Lê Lựu đó là "một thế hệ có thừa kinh nghiệm làm việc và có những mối quan hệ rộng nhưng đã vào cái tuổi cần hưởng sự an nhàn, còn một thế hệ có thừa sự nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm, còn vô cùng bỡ ngỡ. Hai thế hệ này cùng đi song hành với nhau, cùng xông xáo "như con dao pha", tham gia vào mọi lĩnh vực".

Lê Lựu biết vậy nên đã gắng sức. Mà càng gắng gượng ông dường như càng nhanh nhẹn hơn, quyết liệt hơn để càng ngày càng có nhiều thêm những người bạn đồng hành trên dặm đường cực nhọc. Nhiều người vì yêu văn ông, yêu tính xởi lởi, tốt bụng của ông mà sán vào cùng gánh việc. Làm việc rồi mới tin thêm ông.

Vậy là với sự đồng tâm, nhiệt huyết mà nhà văn Lê Lựu cùng TTVHDN Việt Nam từ ngày đầu đã tập hợp trong đó những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ, nhà kinh tế và chính khách, nhà ngoại giao với ước nguyện bằng công việc của mình góp những tiếng nói nhỏ trong sự nghiệp lớn của các doanh nhân.

Với 2 viện nghiên cứu văn hóa danh nhân, Báo Điện tử, Tạp chí Văn hóa danh nhân ra 1 tháng 3 kỳ cùng 15 trung tâm thành viên từ đầu năm 2007, Trung tâm đã tổ chức thành công nhiều chương trình có ý nghĩa lớn như: Doanh nhân chào xuân 2007, trao giải Văn hóa Doanh nhân cho tác phẩm văn học xuất sắc nhất, trao cúp vàng Văn hóa Doanh nhân cho 97 doanh nhân tiêu biểu trong toàn quốc. Dự án xây dựng bảy làng văn hoá với 71ha tại xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với TTVHDN Việt Nam...

Sẽ là nhỏ nếu chỉ nhìn thấy một TTVHDN có một trụ sở 300m2 ở Hà Nội, đang lo công ăn việc làm cho gần 60 cán bộ, nhân viên không có bất cứ sự tài trợ nào của Nhà nước. Nhưng sẽ là có ý nghĩa lớn nếu nhìn thấy TTVHDN Việt Nam của nhà văn Lê Lựu đã hình thành và lan tỏa một khái niệm văn hoá, đã tạo được một sân chơi, đang miệt mài làm nhiệm vụ tôn vinh doanh nhân, tôn vinh những người làm giàu cho đất nước.

Nhà văn Lê Lựu vẫn thường nói, ông coi TTVHDN Việt Nam là một "tác phẩm" cuối cùng của đời mình. Đường còn gian truân lắm, nhưng không ai là không mong nhà văn Lê Lựu sẽ thành công

Thanh Mai
.
.
.