Trò chống phá lỗi thời

Thứ Hai, 01/02/2010, 09:41
Sau khi Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên toà xét xử các bị cáo phạm tội "Tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam" (ngày 18 và 19/1) và TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Trần Huỳnh Duy Thức 44 tuổi, Nguyễn Tiến Trung 27 tuổi, Lê Công Định 42 tuổi, Lê Thăng Long  43 tuổi, về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" vào ngày 20/1, dư luận quần chúng nhân dân hết sức đồng tình.

Bởi vì qua đó không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, sức mạnh đoàn kết nhất trí của toàn xã hội, mà còn thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước Việt Nam. Chính vì sự quang minh chính đại đó càng tạo thêm sự phấn khởi, bình yên của đời sống.

Những mưu toan xấu muốn can thiệp, xuyên tạc, kích động đều đã trở thành lạc điệu. Hai phiên tòa trên được xét xử trong những ngày chúng ta vừa kết thúc năm 2009 - một năm đầy khó khăn thử thách nhưng cả nước đã quyết tâm vượt qua và đã giành được những thắng lợi to lớn và chúng ta bước vào năm 2010 - một năm có nhiều sự kiện quan trọng, hứa hẹn nhiều tốt đẹp. Có thể xem việc xét xử các đối tượng về tội xâm phạm an ninh quốc gia nói trên như những nhát chổi cuối cùng của năm 2009 quét sạch những rác rưởi để đón chào năm mới.

Tuy nhiên, gần đây các thế lực thù địch vẫn tiếp tục xuyên tạc, thậm chí vu cáo Nhà nước ta trong vấn đề này. Thêm một lần nữa làm cho dư luận càng nhận ra rằng đó là căn bệnh cố hữu của thế lực này đối với cách mạng nước ta. Họ đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần luận điệu cũ kiểu này. Dân ta có câu "Chó sủa, đoàn người cứ đi" quả là rất đúng khi liên tưởng tới những lời vu cáo, xuyên tạc xưa cũ.

Những phát biểu của nhân dân đồng tình với xét xử và nhất là những lời thú tội, những ăn năn hối cải của các đối tượng vi phạm pháp luật hình sự công khai trước phiên tòa càng làm cho dư luận thấy rằng những kích động của những kẻ giật dây quả là mù quáng, lộ liễu phơi bày những dã tâm đen tối.

Mọi người đều hiểu rằng không dễ gì mà người phạm tội nhận ra tội lỗi của mình, không dễ gì mà họ nói ra những điều ân hận như thế. Sức mạnh của lí trí, sức mạnh của tình cảm gia đình và của cộng đồng và nhất là không khí cuộc sống của đất nước bước vào kỉ niệm 80 năm thành lập Đảng, 65 năm thành lập Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã giúp họ có được cách nhìn đúng đắn đó.Chẳng qua là vì trước đây họ bị tiêm nhiễm những tư tưởng độc hại của các thế lực phản động một cách giản đơn và ảo tưởng.Thực sự sống trong lòng nhân dân và đất nước càng làm cho họ hiểu rõ hơn, làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa nhân dân thoát khỏi ách nô lệ chính là Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã làm một cuộc cách mạng giành lấy nhân quyền cho người dân Việt Nam mà trước đó chưa hề có cuộc cách mạng nào làm được như thế.

Tám mươi năm từ khi có Đảng đến nay những gì có được là dấu ấn niềm tin, chúng ta càng quý hơn những mùa xuân độc lập, biết giữ lấy những gì không thể để mất, những gì cho mãi mãi cháu con. Và chúng ta cũng thấu hiểu rằng, một nhà nước mạnh mẽ là nhà nước phải được lòng dân, phải xây những gì tích cực, tiến bộ, phải đấu tranh xóa bỏ những tiêu cực cản trở. Chính vì lẽ đó mà từ những ngày đầu giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào việc xây dựng chính quyền vững mạnh đi đôi với việc kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực, tham nhũng sách nhiễu nhân dân. Quá trình đi lên của cách mạng Việt Nam là biểu hiện sự thực thi nghiêm túc tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong tình hình hiện nay, Nhà nước ta coi tham nhũng tiêu cực là một thứ giặc nội xâm và chống tiêu cực tham nhũng là một quốc sách. Cả thế giới đều hiểu rằng, hàng chục năm nay chúng ta đã đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ nhân quyền, hàng chục năm nay chúng ta đã tích cực đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực để xây dựng Nhà nước nhân dân ngày càng vững mạnh.

Những kẻ còn tư tưởng chống phá nhân dân Việt Nam hãy chấm dứt những trò kích động. Những trò ấy xem ra đã lỗi thời

Phúc Quang
.
.
.