"Triết lý ảnh" của NSNA Trần Hồng

Thứ Bảy, 20/01/2007, 10:56
Ảnh Trần Hồng cũng như con người ông, không màu mè hình thức mà rất mộc mạc, chân chất.  Với ông, nhiếp ảnh là "Sự thật, sự thật, và sự thật". Sự cường điệu hóa, sắp đặt, hoặc quá lạm dụng kỹ thuật photoshop sẽ biến những bức ảnh trở nên giả tạo.

Cách đây hơn 5 năm, khi rời Trường Sỹ quan Lục quân 2 về Báo Quân đội nhân dân, tôi là anh trung úy tò te, được nhiều người gọi đùa là "thằng Cu Tí" của báo. Tôi được đưa về học việc 3 tháng ở Phòng Thư ký Tòa soạn.

Những ngày đầu từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, công việc làm báo đối với tôi cái gì cũng mới lạ, cái gì cũng ngỡ ngàng. Cuối buổi chiều ngày đầu tiên có mặt ở Tòa soạn, tôi đang đứng thơ thẩn trước vỉa hè ngôi nhà số 8, đường Lý Nam Đế, thì có một người đàn ông nhỏ thó, gầy gò, nói giọng miền Trung đến vỗ vai tôi bảo:

- Mày mới về báo hả? Tối rồi, về nhà tao ăn cơm đi.

Nói rồi ông kéo tay tôi lôi đi xềnh xệch, chẳng để cho tôi kịp nói lời đồng ý hay không. Khi đã ngồi vào phòng khách của một căn hộ tầng 2 ở khu chung cư cũ kỹ, nhìn vào chiếc tủ kính trong đó có nhiều bằng chứng nhận giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, tôi mới biết, người vừa "bắt cóc" tôi là nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng.

Tôi đã nghe về ông rất nhiều, và hình dung Trần Hồng là một nghệ sỹ rất "hoành tráng", râu hùm, hàm én, đội mũ phớt và có phong cách khá... "bụi". Nào ngờ ông giản dị đến mức thô sơ, gần gũi đến mức xuề xòa và nhỏ bé đến mức... ốm yếu. Thấy tôi ngạc nhiên và "ỏn ẻn", ông vừa rót nước vừa cười hề hề:

- Nghe mày nói giọng "trọ trẹ", tao biết là người Hà Tĩnh. Mày là thằng trẻ nhất Tòa soạn, còn tao là thằng... nhỏ nhất. Hôm nay tao đãi rượu mày.

Nghe thế, cứ ngỡ ông uống rượu ghê lắm, nhưng hóa ra cái khoản này Trần Hồng cực kém. Nó cũng khác xa hình dung của tôi về ông khi chưa gặp mặt. Không những đối với tôi, mà về sau những phóng viên trẻ khác mới về Tòa soạn cũng nhận được ở ông sự ân cần, gần gũi như vậy, ngay cả đối với những sinh viên về thực tập. Đó là phong cách đời thường của ông, là chất của con người ông.

Có dịp xem kỹ ảnh của ông, mới thấy rằng cái chất ấy bộc lộ rất rõ nét trong từng tác phẩm. Trần Hồng đi nhiều, chụp nhiều và đã có hơn 30 năm đeo máy ảnh. Dải đất hình chữ S từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, đâu đâu cũng từng in dấu chân ông.

Trần Hồng nổi tiếng từ thời là phóng viên chiến trường biên giới Tây Nam. Với những "xêri" ảnh đắt giá ở những nơi nóng bỏng nhất trên chiến trường, ông đã góp phần làm cho các trang báo Quân đội nhân dân giai đoạn đó nóng hổi tính thời sự, kích thích tinh thần lạc quan chiến đấu và ý chí quyết thắng của hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ. Đi nhiều, lăn lộn nhiều nên ảnh của ông rất phong phú, đa dạng về đề tài, thể loại. Và trong ảnh của ông, người xem dễ nhận ra sự chân thực, giản dị về hình thức, nhưng sâu sắc về tư duy.

Nhiều nhà phê bình đã nhận xét, Trần Hồng triết lý cuộc đời bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Ở thể loại nào ông cũng thành công, song dấu ấn đậm nét nhất, khắc họa nên tên tuổi Trần Hồng chính là thể loại ảnh chân dung, đỉnh cao là bộ ảnh "Chân dung Mẹ" - bộ sưu tập chân dung các Bà mẹ Việt Nam trên mọi miền đất nước (triển lãm năm 1995).

Trần Hồng kể: Cách đây 15 năm, trong một dịp về Hải Dương, ông chợt nhìn thấy một người đàn bà già nua, ốm yếu, đội chiếc nón cời (nón rách), bước đi liêu xiêu, mông lung, trên con đường vắng đầy nắng, gió và lá bay.

Một cảm giác nao nao dậy lên khiến Trần Hồng dừng xe và tất tả chạy đến đưa máy ảnh lên, nhưng bà đã lấy nón che mặt. Ông ôn tồn đến bên bà hỏi chuyện và xin bà cho chụp một số kiểu. Bà kẹp chiếc nón vào nách rồi nói:

- Chú muốn chụp thì chụp các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tôi cũng như hàng ngàn bà mẹ khác, chỉ có một con là liệt sỹ, nên không được phong Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng tôi không thắc mắc gì cả. Chú ơi, chẳng có bà mẹ nào lại muốn con mình hi sinh để được Anh hùng...

Mắt Trần Hồng đỏ hoe. Ông đứng sững giữa trời nắng chang chang nhìn theo bóng bà mẹ liêu xiêu về phía cuối đường. Một cảm giác lành lạnh, buốt buốt, nhoi nhói chạy dọc cơ thể. Ý định chụp ảnh về các Bà mẹ Việt Nam thôi thúc ông. Với Trần Hồng, tất cả các bà mẹ có con ra trận trên đất nước này đều là Bà mẹ Anh hùng.  Thế rồi Trần Hồng đi. Ông đi khắp các vùng quê từ Bắc vào Nam, tìm đến các bà mẹ.--PageBreak--

Chụp ảnh chân dung rất khó. Chụp chân dung các bà mẹ lại càng khó, bởi chỉ trong một khuôn hình, phải làm sao lột tả được nỗi đau, sức chịu đựng, sự hi sinh mất mát, tâm trạng dồn nén của mỗi bà mẹ từ gánh nặng thời gian và số phận.

Nhiều lần Trần Hồng bấm máy, liên tục, liên tục, nhưng khi về làm ảnh thì cái thần thái của nhân vật vẫn còn lẩn khuất trong cõi sâu xa nào đó, chưa lộ ra được. Ông nhận ra, để lột tả được chân dung mỗi bà mẹ, người nghệ sỹ không đơn thuần chỉ dựa vào các thao tác kỹ thuật, mà phải có sự rung cảm cao độ từ chính trái tim.

Mỗi lần về với các bà mẹ, Trần Hồng đều vận quân phục, như là sự trở về của đứa con đi xa. Ông kính cẩn thắp hương lên bàn thờ các liệt sỹ, con của mẹ, rồi ngồi bên mẹ, nấu cơm, nhặt rau cùng mẹ. Và trong khung cảnh ấy, với sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sỹ, tình cảm của một người con, ông lựa chọn những khoảnh khắc sâu lắng nhất để ghi lại chân dung mẹ.

Nhưng không phải lần nào đến với các bà mẹ, ông cũng chụp được ảnh. Trường hợp của mẹ Nguyễn Thị Khánh, 87 tuổi ở Kiên Giang, có 7 con trai, cả 7 đều là liệt sỹ, ông phải đến nhà mẹ lần thứ 3 mới có thể bấm máy.

Ông kể: - "Hai lần đầu tôi đến, nhìn thấy tôi mặc quân phục, giống các con mình. Má khóc. Tôi khóc. Không tài nào nâng máy ảnh lên được. Lần thứ ba tôi dừng lại thật lâu trước ngõ nhìn vào căn nhà đơn sơ. Má đang ngồi ăn cơm. Thấy tôi, má nhìn ra ngõ. Và tôi đưa máy ảnh lên, như sợ rằng nếu tôi vào nhà rồi thì lại giống như hai hôm trước, hai má con chỉ biết khóc và khóc".

Bức ảnh đó là một trong những bức được đánh giá cao nhất trong bộ ảnh "Chân dung Mẹ" của ông. Hình ảnh mẹ Khánh bưng bát cơm, một hạt cơm còn đọng trên môi, phía dưới, một con mèo gối đầu vào chân mẹ lim dim, một con cá kho trong đĩa bên cạnh cái nồi nhỏ. Mẹ ăn cơm nhưng ánh mắt mẹ lại đang dõi về cõi xa xăm, như chờ, như đợi, như đau đáu mong sự trở về của những đứa con, dẫu chỉ là cái bóng vô hình đầu ngõ.

Khi Trần Hồng đến với mẹ, mẹ khóc, Trần Hồng khóc. Nhưng khi xem ảnh Trần Hồng thì tôi khóc, các bạn khóc, chúng ta khóc. Trong ảnh Trần Hồng, người xem nhận ra tất cả niềm tôn kính, hiếu nghĩa trào dâng, niềm xúc động rung lên, tan hòa vào tác phẩm, tan vào người xem.

Mỗi số phận, mỗi cuộc đời bà mẹ được ông ghi lại là sự tôn vinh công lao trời biển, niềm đau thương, mất mát mẹ gánh nặng suốt đời. Trong mỗi khuôn hình ấy, ta nhận ra trong đôi mắt mẹ ánh lên chút vinh quang muộn mằn khi được Tổ quốc, dân tộc tôn vinh, nhưng sự mất mát, hi sinh, nỗi niềm góa bụa, buồn đau... thì đọng lại theo thời gian, ngày càng sâu thêm, nhiều thêm trong khóe mắt, nếp nhăn, và cả trong mỗi nụ cười của mẹ...

Ảnh Trần Hồng cũng như con người ông, không màu mè hình thức mà rất mộc mạc, chân chất. Trong các buổi nói chuyện và thuyết giảng tại khoa Báo chí Phân viện Báo chí và Tuyên truyền hay trong những giờ giảng bài cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, Trần Hồng luôn nhấn mạnh đến sự chân thực của nhiếp ảnh. Với ông, nhiếp ảnh là "Sự thật, sự thật, và sự thật".

Sự cường điệu hóa, sắp đặt, hoặc quá lạm dụng kỹ thuật photoshop sẽ biến những bức ảnh trở nên giả tạo. Ảnh của ông không bao giờ chấp nhận sự can thiệp của photoshop. Sự "dị ứng" với công nghệ số trong nhiếp ảnh làm cho ông "lây" sang những lĩnh vực khác.

Cách đây 3 năm khi tôi ra Hà Nội, Trần Hồng khoe, vừa được thằng con rể "tậu" cho cái điện thoại di động. Sau đó tôi nhắn tin cho ông mấy lần nhưng không thấy hồi âm. Hôm sau gặp lại, tôi hỏi lý do thì ông gãi đầu gãi tai: - "Cái cục di động này tao chỉ biết bấm số để gọi và nghe, nào có biết tin nhắn, tin nhiếc gì".

Tôi mở máy của ông ra kiểm tra, hóa ra trong đó có đến mấy chục cái tin nhắn chưa đọc của rất nhiều người. Kiểu này không khéo Trần Hồng mang tiếng là "khinh người" chứ chẳng chơi. Mới đây ông vào TP Hồ Chí Minh, lại hỏi ông về cái vụ sử dụng di động, Trần Hồng cười xuề xòa chống chế: "Này! Tao chẳng thèm nhắn tin đâu nhé. Cần thì gọi béng cho xong, việc gì phải nhắn"...

Sự thật trong ảnh Trần Hồng không phải là sự thật trần trụi, mà nó được cô đọng, chắt lọc, thăng hoa mà dịu dàng, dịu dàng ngay cả trong những cảnh huống chua xót nhất hay nóng bỏng nhất. Đó chính là nơi thể hiện tài năng của ông. Với Trần Hồng, những khoảnh khắc đáng giá được nắm bắt rất nhanh. Trong khoảnh khắc ấy, nội tâm nhân vật lóe lên, bộc lộ bản chất của chủ thể.

Những gì Trần Hồng có được trong hơn 30 năm cầm máy với 2 giải thưởng quốc tế, hơn 20 giải thưởng trong nước và của Bộ Quốc phòng, cùng 3 cuộc triển lãm cá nhân tạo ấn tượng mạnh trong công chúng, đều bắt đầu từ những khoảnh khắc. Và sức sống của những khoảnh khắc ấy trong ảnh của ông là mãi mãi. Xem ảnh Trần Hồng, chúng ta như được bày tỏ lòng mình, được đối thoại với nhân vật trong ảnh, suy ngẫm về những ý tưởng gửi gắm, nhiều hơn là thưởng thức cái đẹp từ kỹ thuật, kỹ xảo.

Tuy nhiên, cũng có những khoảnh khắc, khiến ngay cả ông cũng không muốn nhìn bức ảnh đến lần thứ hai. - "Có những con người, sau khi chụp xong, tôi không muốn gặp mặt nữa, vì nhìn ảnh, bản chất lưu manh, xảo trá cứ lồ lộ" - Trần Hồng tâm sự...

Phan Tùng Sơn
.
.
.