Triết lý Đức ở "ao làng" Đông Nam Á

Thứ Sáu, 24/06/2011, 11:28
Không hẹn mà gặp, có tới 3 ĐT bóng đá Đông Nam Á (ĐNA) lúc này trưng dụng thầy Đức, để tạo nên một làn sóng Đức, một triết lý Đức ở một khu vực bóng đá được người ta ví von như cái "ao làng". Những ông thầy Đức rồi sẽ vẻ vang với "ao làng" hay "ao làng" sẽ là trận địa chôn vùi những ông thầy giàu tham vọng?

Ngay sau khi bóng đá Việt Nam bổ nhiệm Falko Goetz - cựu HLV trưởng CLB Hertha Berlin làm HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) thì bóng đá Thái Lan cũng đã tức tốc bổ nhiệm Winfried Schaefer, cựu HLV trưởng CLB Monchengladbach làm thuyền trưởng ĐTQG của mình.

Còn trước đó, một đội bóng đang lên trong khu vực là ĐT Philipines cũng đã ký hợp đồng 3 năm với một ông thầy Đức có tên Micheal Weiss. Cả hai ông thầy người Đức của Thái Lan và Philippines đều không xa lạ gì với giới mộ điệu bóng đá Việt Nam.

Bởi trong khi Scheafer đã là một HLV quá nổi tiếng, người từng dẫn dắt ĐT Cameroon dự VCK World Cup 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc thì Weiss thậm chí đã lọt vào "vòng chung kết" trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTVN diễn ra hồi tháng 3 năm 2008. Hồi ấy, thậm chí người ta đã tưởng chính Weiss, chứ không phải là Calisto mới là cái tên được VFF chọn lựa. Tuy nhiên bàn cờ đảo chiều vào phút chót, do Weiss chợt tìm được một công việc có thu nhập cao hơn so với việc làm HLV trưởng ĐTVN.

Sau khi thầy Đức Falko Goetz huấn luyện ĐTVN, bóng đá Thái Lan cũng lập tức trọng dụng một ông thầy Đức. Ảnh: Quang Minh.

Thật ra trước đây, bóng đá ĐNA cũng đã từng se duyên với không ít HLV người Đức, điển hình như bóng đá Việt Nam với ông thầy  "quái dị" Weigang, bóng đá Thái Lan với ông thầy nổi tiếng là sắt đá Held hay bóng đá Indonesia với ông thầy có cái bụng to Schumm.

Tuy nhiên cùng một lúc lại có tới 3/10 ĐTQG ĐNA trọng dụng thầy Đức, và đấy đều là 3 ĐT có khả năng thống trị bóng đá khu vực ở thời điểm hiện tại thì đây mới là lần đầu tiên. Ở đây phải thấy rằng nếu chuyện thay thầy đổi chủ với bóng đá Việt Nam và Thái Lan là một việc bất khả kháng, thì việc thay thầy với bóng đá Philippines lại khiến nhiều người phải bất ngờ.

Bởi trong khi bóng đá Thái luôn đen đủi với nhà cầm quân người Anh Bryan Robson, còn bóng đá Việt bất ngờ với cuộc "đào tẩu kỳ lạ" của Calisto thì Philippines lại đá rất thành công với cái vương triều MC Menemy, được khởi dựng ở AFF Suzuki Cup 2010. Vậy nhưng bất luận là ổn định hay bất định thì cả 3 ĐT này vẫn thay thầy, và những cái tên thay thế mà họ tìm tới đều đến từ nước Đức.

Phải chăng ở đây xuất hiện tâm lý A dua, khi một đội bóng có thầy Đức thì đội bóng còn lại cũng phải có thầy Đức cho "bằng anh bằng chị"? Bóng đá là một cuộc chơi nghiêm túc, nơi mà sự thành - bại của ĐTQG có khả năng ảnh hưởng tối nghiêm trọng tới chiếc ghế của mỗi ông chủ tịch liên đoàn, thế nên chắc chắn không thể có chuyện "chọn thầy vì a dua", mà chỉ có chuyện chọn thầy vì niềm tin và vì chất lượng.

Bằng chứng là cả 3 ông thầy Đức hiện tại ở ĐTVN, ĐT Thái Lan lẫn ĐT Philippines đều được đánh giá là rất có kinh nghiệm cầm quân, và rất biết cách thổi lửa vào các học trò. Thêm nữa, bóng đá ĐNA nhìn chung nổi trội ở phương diện kĩ thuật, bắt nguồn từ việc con người ĐNA nổi tiếng là nhỏ con nhưng khéo léo, song bóng đá ĐNA lại đặc biệt yếu kém ở phương diện thể lực và kỷ luật. Mà huấn luyện thể lực và trui rèn một kỷ luật chặt chẽ vốn là sở trường của những ông thầy Đức, đấy cũng là một lý do quan trọng khiến những cái tên Đức đột nhiên được trọng dụng ở khu vực bóng đá này.

Nhưng xét cho cùng thì bây giờ mọi thứ cũng mới chỉ ở vạch xuất phát. 3 ông thầy Đức ở 3 ĐTQG trong khu vực ĐNA hiện nay, người vừa mới bắt đầu công việc, người thậm chí còn chưa kịp quen mặt, biết tên các học trò. Thế nên hãy cứ chờ thời gian để xem rốt cuộc giữa Schaefer của Thái, Goetz của Việt, Weiss của Phi, ai sẽ là người rơi rụng, và ai sẽ là người vẻ vang?

Ở một khu vực bóng đá kỳ lạ như cái "ao làng" ĐNA này thì sự rơi rụng hay vẻ vang nói trên nhiều lúc không hẳn  phụ thuộc mỗi tài năng của các ông thầy, mà còn phụ thuộc vào khả năng thích ứng của họ với một mảnh đất bóng đá còn tụt hậu rất xa so với mảnh đất bóng đá mà họ được sinh ra và lớn lên!

Bóng đá ĐNA trong suốt 10 năm đã chứng kiến sự xuất hiện rồi ra đi của hàng chục ông thầy ngoại, đến từ hàng chục quốc gia khác nhau, từ Brazil, Anh, Đức, Pháp, cho đến Áo, Bồ Đào Nha, hay Hàn Quốc. Trong số các Quốc gia ĐNA chỉ riêng có bóng đá Thái Lan tỏ ra có chiến lược rõ ràng trong việc dùng thầy ngoại khi 4 đời thầy ngoại liên tiếp gần đây của họ đều là thầy Anh.

Tuy nhiên vừa rồi giữa Liên đoàn bóng đá Anh với Liên đoàn bóng đá Thái đã có những va chạm nhất định, xung quanh việc người Anh tố cáo Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái nhận tiền hối lộ trong việc chạy đua đăng cai VCK World Cup của Qatar. Và nhiều người cho rằng chính vì vậy mà cái chiến lược dùng thầy Anh của Thái Lan đã bị bẻ gãy. Điều đó cũng có nghĩa Thái Lan đã gia nhập với phần còn lại của bóng đá ĐNA - cái phần mà suốt bao năm qua luôn sử dụng thầy ngoại một cách tùy hứng, và thiếu hẳn một chiến lược rõ ràng.

Nếu phải chỉ là một sự khác biệt đáng kể ở ĐNA thì đó chỉ có thể là ĐT Malaysia, khi mà đội bóng này đang đặt niềm tin mãnh liệt vào thầy nội Rajagobal. Và điều đáng nói là Rajagobal lại đang đặc biệt thành công với đội bóng của mình. Đấy liệu có phải là một trường hợp khiến các ĐT khác ở ĐNA nhìn vào mà tự hỏi: Dùng thầy ngoại chưa hẳn là thượng sách? (Ngọc Anh)

Diệp Xưa
.
.
.