Triển lãm mỹ thuật về đất nước, con người Việt Nam

Thứ Tư, 17/08/2011, 12:42
Triển lãm mỹ thuật "Hội họa, điêu khắc Việt Nam" sẽ diễn ra vào ngày 18/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học - Hà Nội). Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa của giới mỹ thuật Việt Nam nhân Đại hội Liên hiệp UNESCO thế giới lần thứ VIII được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng thư ký Liên hiệp UNESCO Thế giới, Chủ tịch Liên hiệp UNESCO Việt Nam, cho biết: Triển lãm mong muốn đem đến cho bạn bè quốc tế cái nhìn tổng quan về vẻ đẹp thiên nhiên, con người văn hoá Việt, cũng như khẳng định nghệ thuật tạo hình là một phương tiện thể hiện độc đáo vẻ đẹp văn hoá dân tộc.

Phát động được 3 tháng, nhưng triển lãm đã thu hút sự quan tâm của những người cầm cọ, khi hội ngộ 117 tác giả khắp 3 miền đất nước, với trên 200 bức tranh tham dự. Nhiều tác giả là họa sỹ chuyên nghiệp, thậm chí, từng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh như họa sĩ Nguyễn Khang, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Trung, hay Giải thưởng Nhà nước như Dương Hướng Minh, Trọng Kiệm v.v… tham gia, nhưng cũng nhiều người coi hội họa chỉ là cuộc dạo chơi, như Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - TBT Báo CAND, hay bà Lê Thi, một nông dân ở Thanh Hóa, tạo cho triển lãm những góc nhìn đa dạng. Có tác giả đã hơn 90 tuổi và có tác giả chưa đầy 20 tuổi đều cùng tham gia. Có gia đình 3 thế hệ làm nghệ thuật đều gửi tác phẩm tham dự, như gia đình họa sĩ Ngô Huy Quỳnh. Có tác phẩm lần đầu được giới thiệu, như bức "Bác Hồ về thăm một làng quê" của họa sĩ Nguyễn Khang đã được Bảo tàng Fukuok của Nhật mua từ lâu.

Là người theo sát việc tổ chức triển lãm, họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tính xuyên suốt của triển lãm là cách nhìn hiện thực cởi mở. Tiêu chí của Hội đồng xét chọn là tôn trọng sự trải nghiệm của cá nhân nghệ sỹ, nên phòng tranh đã có được sự phong phú, mới mẻ và hấp dẫn. Các tác phẩm không còn là ghi chép thuần tuý về con người, cảnh vật mà đã được gạn lọc, thẩm thấu vẽ lại ký ức.

Điển hình như "Chiều Bản Eng" của Phan Hùng, "Đợi" của Hoàng Xuân Trường, "Đất Mũi Cà Màu" của Đặng Kông Ngoạn. Người xem sẽ được gặp ở triển lãm này bức tranh độc đáo và giàu cảm xúc của bà lão nông Lê Thi đã ở tuổi 91. Ngoài 70 bà mới cầm cọ vẽ, nhưng những nét vẽ của bà trong bức tranh "Sông Nhuệ" hiện lên thật nhuần nhụy, trong sáng, với bút pháp điêu luyện và đầy sáng tạo như người nghệ sỹ chuyên nghiệp. Lạ là không chỉ cầm cọ, bà cụ còn vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết "Ngược thác" dày gần 400 trang, do NXB Lao động ấn hành.

Bức tranh mang tựa đề "Hùng vĩ" của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước khiến họa sĩ Khúc Quốc Ân ngạc nhiên: "Hiện thực chưa hẳn là cái nhìn thấy, mà hiện thực được giãn biên theo chiều kích khác, níu giữ người xem bằng suy cảm, bằng vốn sống từng trải của hoạ sỹ. Với nhà văn, Trung tướng Công an Hữu Ước thì núi ấy, sông ấy vừa gần gũi vừa mơ hồ, xa ngái. Tâm trạng choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên nhiên có được nhờ anh sử dụng thủ pháp bố cục táo bạo với dòng sông chạy cắt ngang tranh. Bút pháp khoáng đạt, mạnh mẽ trên chất liệu sơn dầu đã giúp anh thể hiện thành công bức tranh với những ấn tượng độc đáo riêng có".

“Hùng vĩ” - Tranh sơn dầu của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Vượt qua cuộc chiến 81 ngày đêm lịch sử tại Thành cổ Quảng Trị và may mắn trở về, hoạ sỹ, nhà văn Trần Luân Tín mang cả trải nghiệm vào trong tác phẩm với những cảm xúc mãnh liệt. Vừa giành giải nhất cho truyện dài "Được sống và kể lại" của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trần Luân Tín lại mang "Hoa Sen" đến với triển lãm này, để thêm một lần trải lòng với người xem trên mặt toan sơn dầu khổ lớn, về cái man mác của mùa thu Hà Nội nơi anh đã từng sống thời trai trẻ, qua thấp thoáng những cánh sen trong bóng dáng các thiếu nữ với hoà sắc nhẹ nhàng, ý nhị.

Rời Triển lãm Mỹ thuật quốc tế lần thứ 18 tại Hàn Quốc tháng 6/2011 với giải thưởng Ưu tú, họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục mang bức "Cá và sen" về với triển lãm, để góp một hương vị riêng, đậm chất dân tộc của mình vào phòng tranh đầy ý nghĩa này.

Sơn dầu là chất liệu được nhiều hoạ sỹ sử dụng nhưng không phải ai cũng thành công. Nhưng "Rạng đông" của Trần Từ Thành, "Phong cảnh" của Trần Anh Tuấn hay "Bến cá Nha Trang" của Bùi Minh Hướng, "Xóm lao động" của Trần Đức Bảo, “Đàn hát" của Nguyễn Văn Nghị… đã cho thấy, họ là  những hoạ sỹ có chuyên môn vững vàng.

Dù có số lượng khiêm tốn nhưng các tác phẩm điêu khắc lại tạo được điểm nhấn khi đều là các tác phẩm đặc sắc: "Bác Hồ dịch sử Đảng" của Dương Đăng Cẩn, "Đi học" của Khúc Quốc Ân, Lê Đình Quỳ với "Tiếng đàn nguyệt". Tiếp nối thành công của những người đi trước, nhà điêu khắc trẻ Lê Đình Nguyên đã bộc lộ nhiều phẩm chất tài năng trong sáng tạo ngôn ngữ điêu khắc vừa dân tộc vừa hiện đại qua tác phẩm "Trâu cối" của mình.

Góp mặt với triển lãm lần này, còn có các hoạ sỹ Việt Nam đang sinh sống hoặc làm việc ở nước ngoài. Tác phẩm của họ có sự giao thoa giữa văn hoá Việt với văn hoá nước sở tại, tạo nên góc nhìn riêng. "Tiếng đàn" của cô nữ sinh Trần Đỗ Minh Thu lấy ý tưởng từ văn học Pháp nhưng vẫn thấp thoáng hình ảnh chàng Thạch Sanh trong truyện cổ Việt Nam. "Xóm chài sông Luộc" của Khúc Đỗ Tri thể hiện trên chất liệu sơn dầu của phương Tây nhưng bút pháp nhẹ nhàng, ẩn dụ của phương Đông. "Làng chài đảo Hawaill" của Tim Nguyễn Quy cũng mang đậm nét văn hoá Việt và đảo Hawail nơi anh sinh sống, nhưng quan trọng khi đã còn góp phần đưa sơn mài Việt Nam đến với nhân loại.

Lần đầu tiên một triển lãm mỹ thuật được tổ chức bằng phương thức xã hội hóa, sẽ là tiền đề để tới đây, những triển lãm thế này tiếp tục được tổ chức để khẳng định vị thế nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, cũng như giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới

Dạ Miên
.
.
.