Thiếu điểm văn hóa vui chơi:

Trẻ em tìm trò chơi không lành mạnh

Thứ Ba, 31/08/2010, 15:36
Đã sau 10 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị về việc đẩy mạnh các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhưng đến nay, rất nhiều địa phương trên phạm vi cả nước, việc quy hoạch tổng thể về phát triển các cơ sở văn hóa vui chơi, giải trí cho trẻ em vẫn chưa được xây dựng.

Không chỉ quy hoạch còn chậm trễ, thiếu khoa học, thiếu hiệu quả mà đáng báo động hơn là việc xã hội hóa chưa hợp lý, sự đầu tư các cơ sở tập trung ở các trung tâm, thành phố lớn kéo theo sự chênh lệch rất lớn về mức hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí giữa trẻ em thành thị và nông thôn, trẻ em được sinh ra trong gia đình khá giả và trẻ em nghèo…

Trẻ em thiếu cả chỗ chơi, trò chơi, lẫn người hướng dẫn chơi

Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bác sĩ Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng cho biết: Hầu hết các mục tiêu chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2001 đến nay đều không đạt được, kể cả chỉ tiêu về việc đầu tư tổ chức cơ sở văn hóa, vui chơi cho trẻ em cấp xã, phường đến quận, huyện và cả cấp tỉnh, thành phố.

Tuy đài phát thanh truyền hình đã đạt đến trên 2.300 giờ phát sóng dành cho thiếu nhi mỗi năm nhưng lại xếp lịch phát sóng vào 16h30' và phát lại vào sáng hôm sau. Đây là khoảng thời gian các em còn đi học, rất khó có điều kiện tiếp cận. Phim nhựa dành cho các em đặc biệt ít. Phim hoạt hình có được quan tâm sản xuất nhiều hơn gần đây nhưng vẫn thiếu các cầu nối đến các em...

Thống kê báo cáo của 20 tỉnh, thành gửi về cho Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội nhân đợt giám sát vừa qua cũng cho thấy có đến 15 tỉnh, thành chưa có quy hoạch cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em. Thậm chí, theo đại biểu của một số tỉnh, thành còn tỏ ra rất bức xúc bởi chính quyền thường chỉ tập trung ưu tiên cho mục tiêu phát triển kinh tế nên có khi cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em tại địa phương đang hoạt động cũng bị lấy đi, giao cho một đơn vị khác xây dựng trung tâm thương mại.

Ngay với nhiều địa phương đã đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà thiếu nhi nhưng cũng không phát huy được vì vị trí không hợp lý, xa khu dân cư, thiếu cơ sở vật chất, chế độ lương bổng cho người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực này quá thấp, ít người muốn gắn bó với cơ sở…

Việc thiếu các cơ sở, địa điểm, thiếu người đứng ra tổ chức hoạt động hấp dẫn thu hút và hướng dẫn trẻ là một trong những nguyên nhân lớn nhất đẩy các em đến các trò chơi thiếu lành mạnh như game online bạo lực…

Xã hội hóa việc xây dựng cơ sở vui chơi giải trí giúp trẻ có nhiều điều kiện chọn lựa nhưng dễ dẫn đến chênh lệch hưởng thụ văn hóa giữa trẻ em con nhà khá giả với trẻ em con nhà nghèo.

Chênh lệch quá xa về mức hưởng thụ

Theo quy định, khi các đơn vị được cấp đất để đầu tư, xây dựng các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí cho trẻ phải đóng góp một phần kinh phí nhất định để tái đầu tư, phục vụ cho mục đích chăm lo cho trẻ nhưng hiện nay, phần lớn các đơn vị đều lựa chọn giải pháp đóng dứt điểm một lần. Toàn bộ số tiền này lại được nhập chung vào ngân sách của địa phương. Trẻ muốn vào các cơ sở này vui chơi phải có tiền, thậm chí là một số tiền không nhỏ...

Cần phân định rõ trách nhiệm và có lộ trình cụ thể hơn

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội nhận định: Ngoài các nguyên nhân khách quan như trình độ phát triển kinh tế xã hội còn thấp, nguồn lực tài chính của ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp thì việc nhận thức về vai trò, trách nhiệm của chính các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa vui chơi, giải trí cho trẻ em còn chưa đầy đủ…

Tất cả những vấn đề bất cập nói trên sẽ được Ủy ban tiếp thu, chuyển về Ban Thường vụ Quốc hội và chất vấn Chính phủ trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, cũng theo ông Thi, để khắc phục những bất cập kể trên, trong thời gian tới, cùng với sự điều chỉnh của Chính phủ và các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố cũng phải chủ động rà soát lại toàn bộ hệ thống các cơ sở văn hóa vui chơi giải trí cho trẻ em, rà soát lại quỹ đất dành cho việc xây dựng các khu, các cơ sở này, đồng thời tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em…

Cà Mau: 10.000 học sinh sẽ được hỗ trợ tiền đò

Tỉnh Cà Mau vừa lập kế hoạch hỗ trợ tiền đò với mức từ 150-200.000 đồng/học sinh/tháng cho khoảng 10.000 trường hợp học sinh nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn. Số tiền hỗ trợ sẽ được trích từ nguồn vận động, đóng góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế… Theo kế hoạch này, tại những địa phương đã hoàn thành cầu giao thông nông thôn, song song với hỗ trợ tiền đò, tỉnh còn hỗ trợ xe đạp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em đến trường. Từ ngày 2/9 đến 2/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức tháng khuyến học để triển khai phương án "Đi học an toàn", thực hiện "4 đủ": đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở và đủ tiền để học sinh nghèo đi đò đến trường…

M.Tâm

Ngọc Nguyễn
.
.
.