Trẻ em thích đọc truyện "ướt"

Thứ Sáu, 09/11/2007, 09:36
Đối với tuổi teen, tiếp cận thế giới "thầm kín" qua mạng Internet thì đối với học sinh nhỏ tuổi hơn, từ 10-14 tuổi, chúng được tiếp cận và "rửa mắt" qua thế giới truyện tranh. Có thể thấy những bộ truyện tranh mang hơi hướng của tình cảm và kích dục đối với lứa tuổi các em lại được bày bán công khai và tràn lan.

Thị trường truyện tranh đang trở nên đa dạng với các nội dung phong phú và hấp dẫn mang tính giáo dục trẻ em cao như: Thần đồng đất Việt, Đôrêmon, Trạng Quỳnh…

Ấn phẩm độc hại đến với trẻ thơ

Đồng thời với những loại truyện tích cực để định hình nhân cách sống của học sinh, còn có một số đầu truyện được một số nhà xuất bản (NXB) vì chạy đua theo nhu cầu thị hiếu để tung ra thị trường những làn gió độc với nội dung trái đạo lý thuần phong mỹ tục.

Hiện nay, bậc làm cha làm mẹ thường tin tưởng vào NXB khi ra những đầu truyện tranh cho giới trẻ, đặc biệt truyện tranh thường được phụ huynh tin tưởng mang tính giáo dục trẻ thơ cao.

Thế nhưng, khi bộ truyện được phát hành và đến tay người đọc, trong chừng mực nào đó, tất tần tật những bộ sách ngoài bìa truyện có những dòng chữ đã cảnh báo: "Truyện dành cho tuổi 17", "Truyện dành cho tuổi 16+", hay như "Truyện dành cho tuổi trưởng thành" đều được những em học sinh từ 12 đến 14 tuổi đón đọc một cách say mê. Cá biệt hơn có những em học sinh cấp tiểu học cũng nhiệt tình chăm chú đọc những đầu sách trên.

Đây cũng là một trong những "bước đệm" làm cho các em tò mò, tìm đến để khám phá những cái lạ hơn, cao hơn thông qua những phương tiện hình ảnh và phim ảnh đen đang ngày một phổ biến trong giới trẻ.

Qua tìm hiểu thế giới tuyện tranh, có thể nhắc đến truyện "Thục nữ yêu kiều" trong tủ sách Nắng Hồng của NXB Đ.N. với cảnh nóng mặt khi chàng trai đang hôn cô gái từ phía sau, một tay ghì chặt cô gái, một tay đặt nơi "bồng đảo" mang tính kích dục, hiện nay vẫn được bày bán công khai và khiến nhiều trẻ tò mò mua đọc hoặc đi thuê mướn.

Còn với truyện có bìa hình áo tắm, hai dây tung tăng trong suối cũng được NXB K.Đ. hai thác triệt để như truyện "Chàng quản gia". Tuy nhiên, nội dung truyện cũng mang nặng tính chất tình yêu tay ba tay tư, không mang tính chất giáo dục học sinh, cũng chỉ với những cảnh tắm với chiếc khăn che nửa kín nửa hở.

Ngay ngoài bìa truyện "Now" tập 24 từ khi chưa được phát hành trên thị trường, bìa truyện đã kích thích trí tò mò để con trẻ đua nhau đọc. Bìa ảnh của một số truyện tranh đã có những hình ảnh ôm hôn thật táo bạo để "câu" học sinh.

Cứu lấy tâm hồn trong trắng

Giới học sinh THCS thường kháo nhau và trao tay vài bộ truyện tranh ngay ngoài bìa sách đã khiến trẻ tò mò với dòng chữ "dành lứa tuổi 16". Tuy nhiên, với những truyện được phân loại như thế này, vô hình trung làm cho những đứa trẻ 12-13 tuổi săn đọc nhiều hơn.

Từ trước đến nay, việc phát hành những truyện tranh trên, học sinh THCS đón đọc và bắt chước "làm giống trong truyện" vì cho rằng truyện tranh phát hành là để "chúng em học hỏi"(?!).

Không dừng lại dó, truyện tranh của NXB T. với tiêu đề "Con mèo trên gác xếp" còn có một số nội dung và hình ảnh phong phú hơn cho người đọc ở ngay trong tập tuyện đầu tiên bằng hình ảnh một thanh niên bướng bỉnh cãi cha mẹ bỏ nhà đi bụi, thuê phòng ở riêng, gặp cô gái trong phòng.

Sau những diễn biến, người thanh niên vật cô gái ra đè trên người và bất chợt gặp hai người bạn gái cùng thuê trọ đi về liền đóng cửa tế nhị bỏ ra ngoài, để lại một câu nói khiến các bậc làm cha làm mẹ phải giật mình với những ngôn từ không thể chấp nhận...

Nội dung của truyện đang tác động sâu rộng đến lối sống, suy nghĩ và tâm hồn non nớt của trẻ thơ. Một số nội dung trong những cuốn truyện hiện nay không mang lại hiệu quả giáo dục đã đành, mặt khác lại tác dụng ngược đến thuần phong mỹ tục.

Nhu cầu đọc truyện giải trí sau giờ học trên lớp của học sinh là cần thiết, thiết nghĩ, cơ quan quản lý văn hóa phẩm cần có những biện pháp mạnh trong việc quản lý phát hành truyện tranh.

Cũng bởi đây là sản phẩm giải trí thường thu hút độc giả thiếu nhi, nhất là lứa tuổi từ 7 đến 14, vì vậy tác động nhiều đến sự định hình trong suy nghĩ và hành động của trẻ

Đỗ Hưng
.
.
.