Tránh tử thần, vẫn gặp... tử thần!

Thứ Năm, 07/08/2014, 09:47
Trong câu chuyện bên bàn trà giữa chúng tôi - một nhóm phóng viên thể thao với một cựu quan chức VFF, chủ đề "bảng tử thần AFF Cup 2014" được bàn tán rôm rả nhất. Và chúng tôi cùng thống nhất ở một điểm: việc nằm ở bảng A giúp ĐTVN tránh rơi vào "bảng tử thần", nhưng vẫn có một tử thần khác đe dọa thầy trò tân thuyền trưởng Miura.

Với sự hiện diện của Thái Lan, Malaysia, Singapore, bảng B rõ ràng là bảng tử thần. Cái bảng mà khi tránh được nó, ông PCT VFF Trần Quốc Tuấn cười ra mặt và những người có mặt trong khán phòng khách sạn Sheraton vỗ tay rào rào. Lần giở lại lịch sử hẳn sẽ thấy bóng đá Việt Nam đã đi từ nỗi "sợ Thái" đến "sợ Mã" trong suốt một lộ trình dài. Nỗi "sợ Thái" gắn liền với thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hoàng Bửu, Minh Quang - nỗi sợ mà có lần chính cựu danh thủ Thái Lan Kiatisak từng mạnh dạn lý giải với báo chí Việt Nam: "Tôi nghĩ là trình độ của chúng tôi ngày ấy chỉ nhỉnh hơn Việt Nam đôi chút. Nhưng chưa vào trận gặp chúng tôi, cầu thủ Việt Nam đã bị run, và đấy chính là lý do khiến chúng tôi thường xuyên giành chiến thắng". Thời "thế hệ vàng", chỉ có một lần duy nhất ta vượt qua Thái, đó là bán kết Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy, nhưng ai cũng hiểu đấy là lần Thái sang Việt Nam với một đội hình hai, nhằm giữ đội hình một cho kỳ Asiad diễn ra trên đất Thái vào cuối năm.

Có một điều rất lạ là sau khi Thái Lan không còn là nỗi ám ảnh to lớn nữa thì ta lại quay sang “sợ” Malaysia - một đội bóng mà chất lượng cá nhân cũng như chất lượng tập thể thậm chí còn bị đánh giá là đuối hơn ta ít nhiều. Nỗi sợ ấy bắt nguồn từ trận chung kết SEA Games năm 2009, khi ai cũng nghĩ U.23 Việt Nam sẽ thắng Mã dễ như trở bàn tay, thế mà sau đó ta lại thua 0-1, khiến cả Đông Nam Á sốc nặng. Đến AFF Cup năm 2010 lại là ĐTQG Malaysia loại ĐTVN của Calisto ở vòng bán kết. Trước lần gặp gỡ này, Calisto tự tin đến mức không ngại tuyên bố sẽ thắng Mã trên đất Mã (trận lượt đi) và thực tế thì đấy là trận ta tấn công toàn diện, thế nhưng cuối cùng lại chết 0-2 bằng hai sai lầm ngớ ngẩn của thủ môn Tấn Trường. Và gần đây nhất, ở SEA Games năm 2013, lại là U.23 Malaysia hạ gục U.23 Việt Nam trong một trận đấu mà Việt Nam chỉ có thắng mới giật vé vào bán kết.

HLV trưởng ĐTVN  Miura (trái) không thể chủ quan, ngay cả khi ĐTVN tránh được... bảng tử thần. Ảnh: H.M.

Với một nền bóng đá và các ĐTQG hết sợ Thái đến sợ Mã thì rõ ràng là việc cùng lúc tránh cả Thái lẫn Mã là một lợi thế không hề nhỏ, ít nhất là những lợi thế về mặt tâm lý. Nói như những quan chức đương nhiệm của bóng đá Việt Nam thì với kết quả bốc thăm vừa rồi, ta thực sự đã tránh... tử thần.

Thế nhưng, nhìn vào tư thế chủ nhà cùng ân oán với các đối thủ mà ta sẽ gặp ở bảng A lại thấy rằng luôn có một tử thần khác lởn vởn phía sau màu áo đỏ. Lịch sử bóng đá Việt Nam mãi mãi không quên trận thua đáng ngờ 0-3 của ĐTVN trước Indoneisa tại Tiger Cup 2004, và cũng không quên trận thua đáng ngờ 0-2 của ĐTVN trước Philippines ở AFF Cup 2010. Những cái thua mà sau đó chuyện nội bộ ĐT nghi kỵ nhau, và chuyện những cầu thủ phải "gặp riêng", "nói chuyện riêng" với ông Chủ tịch LĐBĐ là chuyện đã xảy ra.

Người ta bảo, chính ở cái thế chủ nhà mà ĐTVN thường "lắm chuyện". Và ở bối cảnh mà nhiều tuyển thủ trong màu áo các CLB địa phương (Ninh Bình, Đồng Nai, cùng một số CLB khác chưa bị phanh phui...) đã đua nhau làm kèo rồi "đá theo kèo" thì cái sự "lắm chuyện" kia càng phải dè chừng.

Tránh được bảng tử thần nhưng rõ ràng ĐTVN nói riêng và BĐVN tại AFF Cup nói chung vẫn sẽ phải đối diện với một tử thần nguy hiểm khác.

Mà có khi tử thần sau lại đáng sợ hơn tử thần trước rất nhiều!?

ĐTVN có HLV thể lực

Thông tin từ VFF cho hay, PCT VFF Trần Quốc Tuấn sẽ sớm bay sang Nhật để chốt lại danh tính HLV thể lực mà LĐBĐ Nhật giới thiệu cho ĐTVN. HLV trưởng ĐT Việt Nam Miura đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện thể lực, nên sự xuất hiện của một chuyên gia thể lực, lại là đồng hương của mình sẽ giúp ông Miura nâng cao hiệu quả huấn luyện như những gì người hâm mộ đang kỳ vọng.

Ông Miura cho biết để chuẩn bị cho mục tiêu vô địch AFF Cup, ĐTVN sẽ tập trung làm 3 đợt. Đợt 1 (từ ngày 22/8 đến 7/9) và đợt 3 (từ 20/10 đến khi khai mạc AFF Cup vào ngày 21/11), ĐT tập huấn trong nước, và sẽ tham gia đá giao hữu với các ĐT khách mời. Đợt 2 (diễn ra từ 26/9 đến 15/10) được xem là đợt quan trọng nhất khi cả đội sẽ sang Nhật, đấu trận với các đối tượng do LĐBĐ Nhật sắp xếp. Ông Miura khẳng định để hướng tới những mục tiêu quan trọng trong tương lai, lần này ĐT sẽ được trẻ hoá, nhưng không trẻ hoá ồ ạt để vẫn có thể đạt thành tích tốt nhất trong khả năng của mình.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.