Hồng Thanh Quang

Trăng suông nhưng chẳng suông tình

Thứ Năm, 29/12/2005, 14:23

Nhà thơ cộng sản người Hy Lạp Yanis Ritsos từng có câu: "Nhìn cây, tôi ngỡ đấy là người. Và tôi đã không lầm". Tôi cũng muốn nói tương tự như thế, đọc thơ Đinh Quang Tốn, tôi ngỡ chỉ gặp những bài thơ hay, những câu thơ hay, nhưng tôi đã gặp được cái hơn thế: Một tâm hồn rất đời và rất người, không cố tỏ ra tân kỳ nên không bao giờ trở thành cũ kỹ.

Tôi đã đọc không ít những bài giới thiệu sách, phê bình văn học, chân dung hay đối thoại của "thần đồng thơ" xứ Đông Trần Đăng Khoa. Và nói thực, thường là tôi cứ cảm thấy nhột nhột thế nào ấy với những tình ý quấn quýt trong và giữa những câu chữ của anh. Dường như viết về ai, nói về cuốn sách hay bài thơ nào, Trần Đăng Khoa cũng cố tìm ra duyên cớ để giễu chính bản thân mình khi giễu người, kể cả những người đồng nghiệp, đồng hương, đồng đội... thân thiết, lắm lúc câu chữ cứ ngỡ như nhẹ nhàng thôi nhưng thực ra lại rất sâu cay.

Đừng nghĩ là Trần Đăng Khoa "ác", anh không hề thế với ai, ngoại trừ với chính bản thân mình. Lắm lúc anh dường như cay nghiệt với người khác chẳng qua chỉ để cay nghiệt hơn với số phận văn học của mình thôi. Tuy nhiên, cũng có những khi Trần Đăng Khoa thực sự hiền lành, chân thành trong những lời giới thiệu sách, hầu như không thấy "tình ý sau trang giấy" nào mâu thuẫn cả. Đó là khi anh viết lời giới thiệu cho tập thơ "Trăng suông" của nhà phê bình văn học đang phục vụ trong lực lượng CAND Đinh Quang Tốn. Trần Đăng Khoa cũng là người đã lựa từ những chồng bản thảo, có trang đã ố vàng vì thời gian, của Đinh Quang Tốn để dựng nên một diện mạo thơ cho nhà phê bình văn học vốn có tiếng là mực thước và đứng đắn này.

Đọc lời giới thiệu của anh, tôi hiểu là Trần Đăng Khoa quý và trọng hồn thơ Đinh Quang Tốn lắm, một cách thực thà, tình nghĩa. Anh nhận xét: "Đinh Quang Tốn vốn là thi sĩ. Anh đã làm thơ từ những năm bảy mươi của... thế kỷ trước. Và như thế, Đinh Quang Tốn đến với thơ trước khi đến với phê bình. Nếu ở địa hạt phê bình, Đinh Quang Tốn tỏ ra đĩnh đạc, tự tin, thì trong sáng tác, anh lại rụt rè, khiêm nhường và e ấp như một tiểu thư lần đầu phơi mình ra trước nắng gió. Tập thơ này là chắt lọc cả một đời sáng tác của anh. Nhưng anh cũng chỉ coi nó như "trăng suông". Một khoảng sáng mờ nhạt không góc cạnh, cũng không có cả hình hài. Ta hãy nghe anh bộc bạch:

"Tôi chỉ có trăng suông, rượu nhạt,
Tặng cho em và gửi mọi người
Ai thi sĩ cây đàn muôn điệu
Thơ tôi - lời thô mộc của hồn tôi..."

Dường như sợ bạn đọc còn chưa hiểu thấu, Đinh Quang Tốn còn tước bỏ cả hình tượng thơ, tâm sự một cách thẳng thắn, bộc trực:

"Thơ tôi chưa hay, xin bạn đừng cười,
Tôi chỉ hát những lời chân thực
Dẫu thiếu tài năng, thiếu đâu nghị lực
Tôi tin ngày đất đá cũng thành cây..."

Vâng, tôi rất tin tấm lòng thành thực của Đinh Quang Tốn. Nhưng cũng phải thực tâm nói với anh rằng, ở đây, nhà phê bình Đinh Quang Tốn đã "uy hiếp" nhà thơ Đinh Quang Tốn. Còn sự thật lại mang gương mặt lạc quan".

Tôi rất tâm đắc với những gì mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết về "Trăng suông". Một danh nhân từng nói, yêu có nghĩa là chuộng một người khác hơn bản thân mình. Đinh Quang Tốn là một người yêu thơ, chứ anh không phải là người muốn và chỉ muốn đi tìm trong thơ vị trí cứ tưởng là của mình như không ít người khác. Anh yêu thơ vì chính những cái hay ho mà viết nên những câu thơ có thể mang lại cho tâm hồn con người: "Biết đâu đời ngắn đêm dài, Lo chi tạc những tượng đài, người ơi!". Đọc thơ anh trong "Trăng suông", ta có thể gặp không ít câu chữ nao lòng, đưa ta trở lại những cảm xúc căn bản và tử tế nhất của một thời, và cũng có thể của không chỉ một thời đã qua. Đây là ký ức của anh về hình ảnh mẹ mình ba sáu năm trước:

"Lên sáu tuổi, tôi trên bờ câu cá
Mẹ dưới cầu giặt áo cho tôi
Giật được con cá nào, tôi cũng reo:
"Mẹ ơi!"
Mẹ tôi ngẩng lên: "Con giỏi quá!"
(Con cá nhỏ mà mẹ khen nhiều thế)
Tôi lâng lâng trong nắng gió xôn xao..."

Chuyện tưởng như chẳng có gì mà đọc lại, tôi cứ cảm thấy mũi mình cay cay. Và tôi nhớ mẹ tôi những ngày tôi còn bé... Thường thì những gì chân thực luôn giản dị. Thơ Đinh Quang Tốn là như thế. Tình yêu đôi lứa trong thơ anh cũng rất thật thà, truyền thống. Và đây, những suy tư của Đinh Quang Tốn khi nghĩ về người Cha già dân tộc, Bác Hồ kính yêu:

"Dáng Bác cao
nhưng Bác thường cúi xuống
ngồi với nông dân, múa với nhi đồng...
Ta còn thấp
sao ta hay nghểnh mặt
đứng cách mọi người...
tự ngỡ mình cao?"

Nhà thơ cộng sản người Hy Lạp Yanis Ritsos từng có câu: "Nhìn cây, tôi ngỡ đấy là người. Và tôi đã không lầm". Tôi cũng muốn nói tương tự như thế, đọc thơ Đinh Quang Tốn, tôi ngỡ chỉ gặp những bài thơ hay, những câu thơ hay, nhưng tôi đã gặp được cái hơn thế: Một tâm hồn rất đời và rất người, không cố tỏ ra tân kỳ nên không bao giờ trở thành cũ kỹ. Cũng như nhà thơ Trần Đăng Khoa, thực sự tôi cũng cảm thấy mừng cho người đồng hương Hưng Yên của mình. Tên tập thơ là "Trăng suông" nhưng những tình cảm mà anh gửi gắm trong đó thật đậm đà và đáng quý

.
.
.