Trắng đêm ở miền quan họ

Thứ Năm, 17/02/2011, 11:16
Thâu đêm 14/2, những làng quan họ Tiên Du - Bắc Ninh không có giờ nghỉ. Canh hát tự phát của những liền anh liền chị lão làng,những số ít người còn nắm được tường tận kỹ lưỡng khúc thức của các làn điệu quan họ cổ càng lúc càng nồng say.

Xẩm tối, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nhắn tin: Muốn thưởng thức một canh hát quan họ, tới làng Duệ Đông, đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế. Cụ Kế, lão thành Cách mạng, từng đảm nhận trọng trách cao ở ngay huyện Tiên Du, Bắc Ninh, từ ngày về hưu, năm nào cũng tổ chức canh hát tại nhà, đúng đêm trước ngày người quan họ xênh xang vào hội Lim, 13 tháng giêng âm lịch.

Đêm 12 tháng Giêng Tân Mão (tức 14/2), Quốc lộ 1 chạy qua Thị trấn Lim vẫn nườm nượp người xe và các nam thanh nữ tú tụ về trẩy hội. Đêm nay người quan họ chong chong thức, nhà nào không tổ chức hát canh thì cũng lục tục sửa soạn chén bát, xoong nồi, thức ăn thức uống để sớm mai kịp cơm nước, sắp mâm đãi khách phương xa tìm về.

Nhà cụ Kế tận sâu trong một ngõ nhỏ ngoằn ngoèo của làng Duệ Đông, nhưng hỏi thăm từ tít ngoài quốc lộ, ai cũng biết và nhiệt tình chỉ dẫn. Ngoài 90 tuổi, cụ Kế vẫn minh mẫn, vẫn vang, rền, nền nẩy giọng nhặt giọng khoăn những lời quan họ sâu sa, chứa chất ân tình: “Đêm năm canh a lính tình tang là tôi nhớ bạn, í a, đôi ba người ơi, ư hừ rằng là hội hừ. Đêm năm canh a lính tình tang là tôi luống chịu í a, lạnh lùng, cả năm, Quan họ trở ra về. Có nhớ í a, có nhớ í a, ố là đến chúng tôi chăng í i…, quan họ trở ra về”.

Liền anh liền chị quan họ hát đối.

Nhưng hội Lim không riêng mình cụ Kế hát canh, năm nay, có khoảng 10 gia đình nghệ nhân tại các làng Lũng Giang, Duệ Đông, Lũng Sơn, Liên Bão hát canh thâu đêm để thỏa cái nhớ mong của một năm trời ngóng ngày mở hội. Các nghệ nhân quan họ, những liền anh liền chị ban ngày còn tất bật việc đồng áng, lợn gà, tối đến, đã vội to son điểm phấn, áo khăn rộn ràng, lũ lượt kéo đến bắt đầu vào cuộc hát đối. Những làm điệu được đẩy đưa qua lại tại các canh hát, thường rất cổ, ít khi hiện diện trong các bộ sưu tập băng đĩa chính thống. Lời quan họ cổ thâm thúy, sâu sắc, đôi khi phong tình mà lại ý nhị đến người hiện đạo cũng té ngửa ngỡ ngàng vì sự táo bạo của các tao nhân mặc khách xưa.

Đêm về sâu, đình Lim đèn đuốc sáng choang, các liền anh liền chị chưa tỏ dấu hiệu mỏi mệt, vẫn say sưa đối đáp. Quan họ năm nay dẫu hát ở đình Lim hay đồi Lim, dẫu đối đáp trên thuyền vẫn nhất quyết không dùng tăng âm, micro cho thật thà chất giọng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng lại mách nước, muốn say với quan họ tinh túy, về ngay Bắc Ninh, các liền anh liền chị hàng đầu đương làm một canh hát riêng. Hưng cũng nằm trong số những người phải lòng quan họ cổ, đánh bạn thân tình với các liền anh liền chị và biết mọi ngóc ngách của các làng quan họ xứ kinh Bắc.

Một canh hát ngẫu hứng đang vào hồi say nồng ở nhà chị Hai Phức, anh Hai Lẫm, sát bên đoàn Quan họ Bắc Ninh. Anh Hai Lẫm, Vũ Tự Lẫm, không phải người xa lạ, chính là diễn viên vào vai Hai Chi, đóng cặp với NSND Như Quỳnh trong “Đến hẹn lại lên”, bộ phim đình đám hơn 30 năm trước. Chị Hai Phức vừa qua cơn tai biến, bệnh trọng, nhưng vào cuộc, vẫn đắm đuối không dừng được cái mê, để cùng chị Hải Ngải đối đáp không rời với các liền anh: “Tay tiên chuốc chén rượu đào, sánh ra thì tiếc, uống vào thì say”.

Cặp đôi Thanh Phức - Vũ Tự Lẫm chính là thân mẫu, thân phụ của nghệ sỹ hài Tự Long, diễn viên Nhà hát chèo Tổng cục Hậu cần. Thảo nào, Tự Long hát chèo đã hay, lại cũng phảng phất cái duyên ngầm bí ẩn của làng Ngang Nội quê mẹ.

Lệ Ngải, Thanh Phức thuộc lứa nghệ sỹ đầu tiên, gây dựng nên đoàn Quan họ Bắc Ninh. Thấm thoát, đã qua 40 năm, kể từ ngày Lệ Ngải, 19 tuổi, ghi danh vào đoàn Văn công xung kích Hà Bắc, lên đường biểu diễn ở Trường Sơn. Lúng liếng mắt dao cao, cô gái làng quan họ nề nã đã làm bao anh lính tại các binh trạm của đường 559 xao lòng, và mang theo nụ cười, tiếng hát mê muội ấy ra chiến trường.

Giữa tiếng bom rơi, đạn réo, Lệ Ngải đã có một buổi biểu diễn đặc biệt, cho những khán giả đặc biệt: Tướng Đồng Sỹ Nguyên và nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tan buổi diễn, nhà thơ Phạm Tiến Duật hối hả lên đường hành quân, với lời hẹn sẽ có một bài thơ tặng cho cô gái đã hát quá hay những “Mời trầu”, “Người ơi người ở”, “Tuấn Khanh”…

Nhiều năm sau, khi đã lên ngược ra Bắc, cô gái trẻ mới được đọc bài thơ của Phạm Tiến Duật đăng trên báo Văn nghệ với lời đề tặng Lệ Ngải, diễn viên Đoàn văn công xung kích Hà Bắc với những dòng chứa chan kỷ niệm: “Em là cây "ngải" đắng, Mọc trên triền núi vắng, Góp vị thuốc cho đời, Tiếng em hát "Người ơi...", Người gần nhau mãi mãi, Tiếng em hát "Đò ơi...", Sông đưa đò gần lại, Tiếng em hát "Cây ơi...", Cây nhú thêm mầm mới, Tiếng nồng say em gọi, Náo nức tuổi trăng lên, Cái giọng thì của em, Mà lời anh đấy nhỉ? Giữ em chẳng được nào, Hẹn nhau ngày thắng Mỹ, Lại hát tặng tiễn nhau, Như bạn bè quan họ, Rằng: Người đi người nhớ, Rằng: "Người ơi người ở đừng về…”

Thâu đêm 14/2, những làng quan họ Tiên Du Bắc Ninh không có giờ nghỉ. Canh hát tự phát của những liền anh liền chị lão làng, những Lệ Ngải, Thanh Phức, Vũ Tự Lẫm, những số ít người còn nắm được tường tận kỹ lưỡng khúc thức của các làn điệu quan họ cổ cũng càng lúc càng nồng say.

Người quan họ chỉ có tấm lòng, cầm lòng vậy, dẫu rằng, sao đi nữa, quan họ vẫn tồn tại, đường hoàng thành di sản tinh thần của nhân loại chính bởi những con người, chỉ biết sống với đam mê duy nhất: Giữ cho bằng được những lời quan họ cổ, những làn điệu quan họ cổ, không để cho những cái thị trường thị hiếu nhất thời xâm nhập và đánh đổi

Khánh Bằng
.
.
.