Trăng chiều dịu mãi

Thứ Ba, 19/04/2005, 07:41

"Cầm tay em nói, Hàng mi trầm ngâm, Chiều dâng trong mắt, Vầng trăng dịu êm. Cầm tay em nói, Mùa thu thần tiên, Vầng trăng trong mắt, Lời ru bình yên...". Cảm giác dịu dàng mênh mang toát lên từ giai điệu, ca từ bài hát Trăng chiều của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã trở thành niềm an ủi với nhiều người trong không ít thời điểm của cuộc đời đầy sống gió.

Những nhạc sĩ "thời thượng" hay được ồ ạt đón nhận và thường cũng bị quên lãng khá dễ dàng. Đặng Hữu Phúc là một típ nhạc sĩ khác. Sáng tác của anh đa dạng và ca khúc không phải là mối để tâm chính của anh, mặc dù anh đã viết tới hàng trăm khúc tình ca. Nghề chính mà Đặng Hữu Phúc được đào tạo và từng là biên chế chính thức ở Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam là biểu diễn piano. Sinh ra trong  một gia đình Hà Nội giầu tình yêu nghệ thuật, Đặng Hữu Phúc đã được cho học nhạc từ năm lên 10 tuổi. Thế nhưng, sáng tác luôn là nỗi đam mê lớn của anh và chính vì thế anh cũng đã theo học chính quy về sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội. Trong giai đoạn từ năm 1991 - 1992, anh sang tu nghiệp tại Nhạc viện Quốc gia Paris (Pháp).

Đặng Hữu Phúc đã bộc lộ tài năng sáng tác của mình từ rất sớm: Ngay từ năm 18 tuổi, Đặng Hữu Phúc đã có những tác phẩm được đưa vào giáo trình piano của Nhạc viện Hà Nội. Đặng Hữu Phúc là một nhạc sĩ chịu khó tìm tòi và hay thể nghiệm nhiều phong cách khác nhau trong sáng tác. Anh từng viết theo cả phong cách cổ điển lẫn theo xu hướng tiền phong. Anh từng tập trung khá nhiều tâm huyết cho nhạc giao hưởng, thính phòng. Và anh đã có những thành công đáng kể, không ồn ào nhưng bền lâu.

Một số tác phẩm viết cho piano của anh từng được NSND Đặng Thái Sơn trình diễn trước công chúng cả ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài và đã được đón nhận khá nồng nhiệt... Tác phẩm Ngày hội viết cho Dàn nhạc giao hưởng của anh chỉ trong vòng có đâu đó nửa năm (cuối 2004 đầu 2005) đã được biểu diễn tới 8 lần tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội với Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia và Dàn nhạc Nhạc viện Hà Nội. Chỉ huy biểu diễn tác phẩm này là những vị nhạc trưởng nước ngoài khả kính như Graham Sutcliffer (Anh), Tetsuji Honna (Nhật Bản), Xavier Rist (Pháp)...

Trong lĩnh vực ca khúc, chưa bao giờ Đặng Hữu Phúc gây nên một làn sóng hâm mộ náo nhiệt như những nhạc sĩ “thời thượng” trên thị trường văn hóa đại chúng hiện nay. Thế nhưng, những bài hát của anh lại luôn được hiện hữu và yêu mến trong tâm trí của những tâm hồn đồng điệu, những người yêu âm nhạc như một nghệ thuật chứ không phải như một loại hình văn hóa tiêu dùng. Ca khúc của anh mẫu mực về nhạc, thanh cao về lời, chân thành và xao xuyến về tình... Không ngẫu nhiên mà những ca sĩ hàng đầu ở nước ta như cố NSND Lê Dung,  ca sĩ Ái Vân... đều đã chọn ca khúc của Đặng Hữu Phúc làm một phần trong những "bài tủ" của mình.

Gần đây, Đặng Hữu Phúc đã dựa trên những ca khúc nổi tiếng của mình (trên phần lời của Phan Đan) để tái tạo lại thành những tác phẩm A Cappella (hợp xướng không nhạc đệm). Anh dự định sẽ cùng Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và nhạc trưởng Graham Sutcliffer tổ chức 2 đêm trình diễn 10 bản A Cappella tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào các tối 21 và 22/4. Chương trình sẽ có không chỉ những giai điệu của anh từng quen thuộc với người yêu âm nhạc, mà cả những tác phẩm mới.

Theo dõi những buổi tập của hơn 40 nghệ sĩ tham gia chương trình này, có thể hy vọng rằng hai đêm A Cappella của Đặng Hữu Phúc sẽ trở thành một ấn tượng nghệ thuật đích thực, hoàn toàn khác biệt với những trào lưu âm nhạc thị trường, nhưng vẫn đầy sức quyến rũ, như vầng trăng chiều dịu mãi lòng người. Với chương trình này. Đặng Hữu Phúc có thể tự hào rằng anh đã tạo dựng được một điểm sáng âm nhạc, nghiêm túc mà vẫn xao xuyến và hấp dẫn

Minh Huyền
.
.
.