Trần Kim Trắc - nhà văn rặt chất Nam Bộ

Thứ Bảy, 16/04/2005, 07:09

“Tôi lớn lên ở vùng đất phù sa, ‘bơi lội’ thoải mái ngay giữa vùng ngôn ngữ của bà con Nam Bộ, cảm xúc cũng từ ấy mà ra, nên nghĩ gì viết nấy chứ không có ý thức sẽ chuyển đổi theo dòng văn học, văn hóa cho dù bình dân hay bác học nào cả”, nhà văn Trần Kim Trắc lý giải về phong cách văn chương của mình.

- Xem “biểu đồ” sáng tác thấy rõ ràng là ông xuất hiện khá sớm nhưng lại thành danh rất muộn. Càng cuối đời lại càng có nhiều truyện ngắn hương vị. Nghiệp văn của ông “nở hậu” chăng?

- Cuộc đời muốn hiểu khó lắm. Phải qua trải nghiệm, có đụng chuyện rồi mới hiểu thế nào là đúng, là sai để sáng mắt ra. Cần phải dấn thân nhiều vào cuộc sống mới có thể hiểu được ý nghĩa sâu sắc của nó và có bản lĩnh để đưa lên trang giấy. Tôi may mắn có những kỷ niệm khi tuổi đời đã gần chín. Nếu hồi đó viết ngay có lẽ không được như bây giờ. André Gide trong Trường tình có một đoạn rất hay, đại ý: Không phải bao giờ sự phong phú bên trong tâm hồn cũng dễ dàng tuôn thành lời nói. Viết, nghĩ còn khó hơn vậy. Nghề văn là nghề vượt qua hàng rào của vẻ bề ngoài tưởng rất lịch sự, rất đạo đức, rất biết điều của con người để thâm nhập vào cái bên trong tâm hồn vốn được che đậy rất kỹ lưỡng. Cuộc đời có thể là mộng, và vỡ mộng nhưng thời gian bao giờ cũng là thần dược đối với nghề văn.

Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929 tại Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang. Duyên văn của ông khởi nghiệp bằng truyện ngắn Cái lu được giải thưởng Văn học 1945 - 1954 của Hội Nhà Văn Việt Nam thời kỳ chống Pháp cùng với các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải.

Ông từng là Phó ban Chính trị Tiểu đoàn 307 nhưng sau khi rời quân đội lại trải qua nhiều nghề “dân dã” như làm sơn tràng, công nghiệp chế biến, nuôi ong, hợp tác xã... Những dấu vết riêng thâm trầm của đời sống đó đã cực kỳ nên duyên trong văn phẩm nhà văn.

Những tác phẩm chính của ông có thể kể: Truyện Tiểu đoàn 307 (1982), Ông Thiềm Thừ (tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1995), Hoàng đế ướt long bào (1996), Chuyện nàng Mimô (1997), Trăng đẹp mình trăng (1998), Truyện ngắn Trần Kim Trắc (2000), Áo dài ảo (2001), Kẻ ma làm (2002), Văn hóa đám giỗ (tạp văn 2002)...

 

- Thưa ông, phải chăng “Ông Thiềm Thừ”, “Hoàng đế ướt long bào”,“Chuyện nàng Mimô”, “Trăng đẹp mình trăng”… đã cho người đọc thấy sự hài hước của những “giấc mộng vỡ”? Hóm hỉnh, lý lắc, thâm thúy chỉ là những thủ pháp đắc địa để giúp nhà văn lột tả đến tận cùng “cái lõi” số phận hay cá tính độc đáo của một cây bút?

- Trước hết, tôi muốn nói những thăng trầm của cuộc sống bản thân tôi là do tại tôi chứ không bởi một định mệnh nào cả. Như thế thì sao lại đổ thừa bởi thân phận? “Bể khổ ta không qua, ai qua?” Phật nói thế mà! Dân gian còn có câu rất hay “dám chơi dám chịu”! Cái độc đáo của nhà văn có khi phải hóa thân làm một anh nhà văn thứ hai để quan sát lại nhân vật là chính mình đang viết ra trung thực không giấu giếm. Bởi cuộc đời của mỗi người ít ra cũng bằng một quyển tiểu thuyết tồi (cười).

- Vâng, mỗi đời người có thể xem là một cuốn tiểu thuyết. Hay dở từng trang còn tùy thái độ dấn thân, lý tưởng sống. Để ngon trớn, nhà phê bình ngôn ngữ Roland Barther đề cao “độ không của lối viết”.  Riêng ông thì tự chọn cho mình bút pháp thế nào? Hay cứ để bút pháp hoán định từ tính cách?

- Con người học nói trước, học viết sau, theo thời gian cái này bổ cứu cái kia hình thành nên thói quen của chính mình. Chạy đâu cho ra khỏi cội nguồn? Tôi lớn lên ở vùng đất phù sa, “bơi lội” thoải mái ngay giữa vùng ngôn ngữ của bà con Nam Bộ, cảm xúc cũng từ ấy mà ra, nên nghĩ gì viết nấy chứ không có ý thức sẽ chuyển đổi theo dòng văn học, văn hóa cho dù bình dân hay bác học nào cả. Độc giả cho bút pháp của tôi rặt Nam Bộ là lẽ tự nhiên thôi (cười). Bút pháp Nam Bộ thể hiện đặc sệt trong câu này: “Vân Tiên dắt mẹ trở ra / Gặp phải bà già dắt mẹ trở vô / Vân Tiên dắt mẹ trở vô/ Gặp phải chày vồ dắt mẹ trở ra”. Thơ văn cụ Nguyễn Đình Chiểu đã được dân gian hóa, ảnh hưởng đến tâm hồn tôi từ tấm bé mà nhớ lâu, bây giờ làm sao tôi khác được?

- Xin được lưu ý ở đây để làm rõ hơn. Thưa ông, liệu bút pháp hoạt kê, kể lể kiểu chuyện về chàng “Vân Tiên cõng mẹ” ấy đã thiếu hẳn một phương pháp sáng tạo, cấu trúc hay cách dựng truyện, những đòi hỏi nghiêm ngặt cao hơn về công việc của một nhà văn? Ông có nhận thấy đôi khi những truyện của ông còn quá đơn giản (Kẻ ma làm), những truyện viết về sau môtíp có dấu hiệu đã bị lặp lại (Áo dài ảo) ít còn cảm giác mới?

- Đúng là tôi viết theo lối kể chuyện ít hoa văn màu sắc, ít công phu dàn dựng. Có nhà văn viết hòng cố ý để người đọc kính phục, tôn vinh nhân vật, còn tôi viết để người ta thương nhân vật. Tôi chú trọng thêm mắm, thêm muối, hành ngò, tiêu ớt, bột ngọt cho tăng khẩu vị chứ không dông dài vì nếu viết hơn 1.500 -2.000 chữ các báo sẽ khó đăng. Các “bà mụ” báo chí chỉ thích “hài nhi” trọng lượng trang rưỡi hai trang in thôi. Còn cũ hay mới ăn thua nội dung. Thời nay chiếc xe hàng tỉ bạc xuất xưởng xong là đã “đề mốt đê”, còn canh chua cá kho tộ vẫn mãi mãi là mới vì người ta vẫn ăn và khen ngon. Biết thế nào là cũ, thế nào là mới? Tiếng khóc, nụ cười tự thuở sơ khai, cũ lắm rồi nhưng người ta vẫn cứ khóc, cứ cười đó thôi? Chẳng lẽ văn chương cũng phải nhuộm tóc, ăn mặc hở hang thì là mới? Chẳng lẽ mỗi khi có một luồng tư tưởng, khuynh hướng văn học nào xuất hiện nếu ta không bắt chước chạy theo sẽ lạc hậu? Vì vậy tôi viết cái gì mình thích và cảm nhận độc giả cũng sẽ thích.

- Ông nghĩ sao về thể loại tạp văn, tạp bút khi hiện nay nó có sức lan tỏa mạnh trong tâm thế người đọc hiện đại hơn truyện ngắn chỉnh chu cấu trúc? Hình như ngòi bút Trần Kim Trắc “đặc biệt”có duyên với loại hình này?

- Ông XY2, ông Xích Điểu, ông Thợ Rèn, Năm Tu Huýt, ông Lang Là (báo Thanh Niên)… đều viết tạp bút mà thành nhà báo, nhà văn lớn. Hồi tôi mới viết vài bài tạp văn đăng trên báo, có ông bạn thân sợ tôi làm mất uy tín đến tìm tới bảo: “Cậu phải viết cái gì to tát chứ? Liệu cậu có đủ nội lực để thường xuyên viết thế này mãi?”. Tôi vuốt ngực anh bảo: “Lỡ có ý đồ muốn viết tạp văn rồi, anh làm ơn tha cho tôi viết đủ gộp lại thành một cuốn sách không?”.  “Cũng được, mình chỉ sợ cậu đi vào văn chương rẻ tiền rồi hết xí quách!...”. Sau 38 tuần tôi tập hợp lại in quyển Văn hóa đám giỗ, 38 bài tạp văn. Có nhiều độc giả nói thật lòng “tôi ham đọc trang báo ấy vì thích những bài  tạp bút kề rề cà rà của ông…”.

Ước nguyện của nhà văn là kịp thời khơi dòng chảy tự do tư tưởng của mình đúng lúc để người đọc từ đó rút ra kinh nghiệm, suy gẫm để tự hoàn thiện. Cuộc đời lá mặt lá trái như thế nào tạp văn cũng luồn lách được, cũng có thể chẻ sợi tóc ra làm tư để phơi bày một sự thật gần với tự nhiên.

Nói tôi viết có duyên với thể loại này còn do một lẽ. Thời còn bộ đội, là chính trị viên giảng chính trị, tôi thường kể ngay một câu chuyện gì đó phục vụ kịp thời hợp với nội dung bài giảng. Nhờ đó thành thói quen, sau này tôi viết tạp văn không khó. Trong sinh hoạt của các câu lạc bộ văn học ngày nay, bạn có thể lên đọc một bài thơ nhưng không ai đọc được một truyện ngắn, truyện vừa hay tiểu thuyết vì độc giả không thể kiên nhẫn ngồi nghe. Nhưng tôi nghĩ, diễn giả vẫn có thể sử dụng một bài tạp văn đọc xen kẽ trong nội dung thuyết trình của mình. Được mời đi nói chuyện ở đâu, tôi thường mượn tạp văn để phát huy tác dụng của nội dung. Về loại hình nghệ thuật, không nên so sánh để coi trọng loại hình này xem nhẹ thể loại khác.

- Ông quan niệm thế nào về tình yêu? Tại sao khi viết những truyện về trai gái, lứa đôi (Cô dâu chạy trốn, Bức vách ngăn…) ngòi bút ông hừng hực cuồng phong thổi rát rạt tâm tình vào bạn đọc. Tình yêu trong đời ông như thế nào?

- Con người ai cũng có những vinh quang và cay đắng đi song song. Tôi thì do non nớt của mình thời tuổi trẻ nên sau đó thân phận “ba chìm bảy nổi” đã giúp tôi khám phá được tình yêu đích thực như thế nào. Vợ tôi vốn là người Hà Nội, nhưng sinh ở Tân Thế Giới. Khi bà ấy về nước không đem theo của cải gì ngoài những cuốn sách tiếng Pháp của Victo Hugo, Alexandre Dumas, Jean Paul Sartre… là của hiếm thời bấy giờ. Chúng tôi quen nhau ở Tuyên Quang khi tôi đến chơi nhà để mượn những tác phẩm đó đem về đọc. Rồi những cuốn sách đã dạy tôi viết văn, cũng như chủ nhân nó gặp tiếng sét ái tình trở thành người bạn đời của tôi (cười).

Tôi nghĩ tình yêu giúp cho mỗi con người vượt qua dễ dàng hơn những thử thách. Với tôi điều ấy càng như một nhân tố quyết định. Hiểu được điều đó nên ngòi bút của tôi bây giờ vẫn còn lửa, tuy đã trở thành một ông già trên bảy mươi tuổi chăng?

- Câu hỏi cuối, ông nghĩ sao về thế hệ nhà văn trẻ hôm nay? Đặc biệt là “hương vị” phương Nam? Nếu chọn vài gương mặt nội lực thì ông sẽ chọn ai?

- “Hương vị” Nam Bộ là văn chương phù sa, mộc mạc giản dị dễ hiểu và giàu lòng nhân ái, phản ánh tâm lý coi vui vẻ là liều thuốc sống. Tôi xin mạn phép nhắc lại câu nói bất hủ của Bác Hồ trong Đại hội Nhà văn: “Văn học ta thực tế như củ khoai, sắc bén như lá lúa”. Củ khoai mộc mạc nhưng mỏng vỏ, đặc ruột không hạt, không xương, cắn ngập răng lá lúa sắc bén không chết ai nhưng cứa vào thấy ngứa và xót lắm để nhớ đời. Tôi có một khuyết điểm vốn tuổi đã cao nên không đọc được nhiều lắm những tác phẩm của các bạn viết trẻ. Nhưng tôi thích “lục bình biết đi” tức nhà thơ nữ Thu Nguyệt và “Cà bắp dậy hương” từ mũi Cà Mau là nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Thơ Thu Nguyệt và truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư giản dị, đầy “hương vị” miền Tây, rất gần với tâm hồn người dân Nam Bộ

Hồng Minh
.
.
.