Trại viết của những nhạc sĩ tay đàn tay súng

Chủ Nhật, 10/08/2014, 09:42
Nhạc sĩ Trương Hùng tự hào: Chi hội Nhạc sĩ Công an thực sự là mạnh đấy. Cánh trẻ hát rất hay, toàn dân sáng tác nhạc mà giọng chuyên nghiệp lắm. Diễn báo cáo hoặc giao lưu xuyên Việt khỏi cần ca sĩ chuyên nghiệp yểm trợ.

Chi hội tuy mới thành lập nhưng rất có cơ phát triển. Anh em tay đàn, tay súng, trẻ nên sức bật tốt. Giọng hát thì Thanh Hải, Công an Long An là giọng baritone dày dặn. Giọng tenor thì có Phú Thắng. Giọng cao vút đến mức mỗi lần cất lên đều làm người nghe ngỡ ngàng là Mai Trực, Công an TP Hồ Chí Minh. Giọng ca của Chủ tịch Chi hội, nhạc sĩ Trần Gia Cường cũng rất truyền cảm như một nghệ sĩ thanh nhạc bài bản.

Trong đêm giao lưu của chi hội với Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Đà Lạt, các nhân tài trưng trổ hết mình. Bản thân tôi có một thời biểu diễn cùng ban nhạc nên so với các nhạc sĩ thuộc loại biết hát, thế mà gặp mấy tay chi hội này thì cũng muốn nhường sân khấu luôn. Không phải tự nhiên mà các nhân vật này luôn đoạt giải cao trong các liên hoan nghệ thuật của lực lượng Công an. Đêm lửa trại Đà Lạt quy tụ cả các nhân tài ca hát của Tổng cục III, Tổng cục IV, Tổng cục V cùng trại viết. Tất cả đều đi xuyên Việt.

Trại viết tổ chức tại Đắk Lắk do nguyện vọng anh em muốn tìm cảm hứng ở mảnh đất nhiều huyền thoại và chất liệu. Hình thức trại này không giống với mô hình vui chơi để chờ hứng. Tính chuyên nghiệp rõ ở lịch làm việc, lao động phải có sản phẩm. Trại mời hai thầy là Giáo sư - nhạc sĩ Chu Minh và nhạc sĩ Cát Vận, nhà nghiên cứu Vũ Lân dẫn dắt. Các buổi làm việc của các thầy theo hình thức hội thảo, chia sẻ và có cả bài tập. Các nhạc sĩ Tây Nguyên cũng tham dự một phần là giúp cho các nhạc sĩ khác nắm rõ hơn ngôn ngữ đồng bào.

Nhạc sĩ Linh Nga, Niek Đam, Y Phôn cũng sáng tác ngay tại trại. Thầy Cát Vận thích trao đổi trên cơ sở một bài thách đố phổ thơ. Thầy cao hứng đề 4 câu thơ và các trại viên phải tóe mồ hôi phổ ngay để nộp quyển. Mỗi anh một vẻ. Người sống tại Lâm Đồng như Kiều Viết Lộc thì có ngay chất K Ho. Người mới viết như Quốc Phòng đến từ thành phố Cảng mà cũng viết ra chất Ba Na. Nghe các thầy và chị Linh Nga Niek Đam và Y Phôn mới té ra Tây Nguyên giàu chất liệu hơn tưởng tượng.

Đêm cũng không nghỉ, các hội viên vào buôn Ako Dhong dự phần trình diễn cồng chiêng của các nghệ nhân cao tuổi. Người buôn này có đời sống khá hơn do biết dựa vào thế mạnh cà phê cùng với khai thác du lịch kiểu home stay. Cũng nhờ thế mà họ có chi phí bảo tồn văn hóa, đặc biệt là âm nhạc. Các nhà dài ở đây trở thành không gian trình diễn có thu chứ không chỉ là không gian bảo tồn miễn phí nữa. Các A Ma đều sử dụng nhiều loại cồng chiêng, sáo phối hợp. A Ma Kim có thể khóc cười bằng hàng chục loại chiêng, sáo, kèn, đàn dây Êđê. Mấy cô gái múa hát cùng khá xinh tươi và hay làm cao. “Anh mà muốn nói chuyện với em là phải xin phép chị em đó… Không xin phép là bị phạt đó… Phạt một con gà… Anh không bao giờ yên đâu vì ở dân tộc em thì phụ nữ là phái mạnh. Em nói phải nghe”.

Nhạc sĩ Cát Vận trao đổi kinh nghiệm với các nhạc sĩ Công an trong trại sáng tác âm nhạc “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2014” tại Đắk Lắk.

Chuyện này có hỏi nhạc sĩ Y Phôn xem trong gia đình anh thì ai là phái mạnh. Y Phôn bảo bây giờ thì quốc tế hóa rồi, mình vẫn là người cầm trịch gia đình.

Nghe khan rồi uống rượu cần theo thứ bậc tuổi tác cũng làm cho âm nhạc ngấm sâu hơn. Bây giờ mới rõ chất Ba Na và Tây Nguyên khác nhau thế nào. Như vậy Đồng - Lắk - Kon - Cu (cách gọi hài hước 4 tỉnh Tây Nguyên) đều có chất liệu âm nhạc riêng chứ không phải cứ bám lấy giọng rê trưởng là xong.

Hình ảnh người chiến sĩ an ninh được vẽ nên bằng âm nhạc của một nhạc sĩ người Êđê Y Phôn Ksor thế này: “Bước chân qua giữa rừng đại ngàn, bước chân qua chiều thu nắng vàng. Em là cô gái an ninh dịu hiền”. Nhạc sĩ của ca khúc “Đôi chân trần” nổi tiếng đã đi bằng chân giày đến trại và hát say sưa con người với anh em như vậy. Khi người nổi tiếng xuất hiện, ai đó reo lên: Y Phôn, Y Phôn đến. Nhạc sĩ đại ngàn cười răng trắng lóa hào sảng: Chào anh em... Iphone 5 đây, Iphone 5 đây... ha ha ha...

Chưa đến Tây Nguyên thì khó mà cảm nhận được sự bình dị đến quá đơn giản của đồng bào. Trong thời gian tại trại có lần tôi chia tay xe của anh em để trở lại buôn Đôn. Nghĩ rằng dễ dàng tìm được xe ôm nhưng té ra cả vùng không ai chạy xe ôm cả. Đi bộ khoảng 1km dưới trời đổ lửa thì có 2 chàng Êđê cho đi nhờ. Mỗi người chở một quãng. Họ bảo không có xe ôm đâu, chở giúp thôi. Nhà em ở cách đây 3 cây số. Anh xuống đó vẫy tiếp. Cậu thứ hai là Y Noóc Mlô bảo nhà em đây rồi nhưng em chở anh vào đó, khoảng 7km rồi em quay lại. Y Noóc chẳng cần nhận lời cảm ơn. Chúng tôi chụp chung 1 bức ảnh vui vẻ.

Bế mạc trại, cán bộ tổ chức là các đồng chí Xuân Đông, Xuân Lịch của Cục Công tác chính trị yên tâm trại viết đã thu hoạch được một tập ca khúc có chất lượng. Nhạc sĩ Trương Hùng, người đã tổ chức nhiều trại viết cũng đánh giá hơn 30 ca khúc của anh em đều là tác phẩm phản ánh rõ nét hình ảnh người chiến sĩ Công an. Tôi cũng nộp cho trại viết một chùm, trong đó có ca khúc “Buôn ta nhớ An ninh thế giới”, ca khúc viết về công việc cứu trợ đồng bào của Chuyên đề An ninh thế giới hơn chục năm qua.

Vừa lo phần bế mạc, anh vừa vạch tiếp kế hoạch cho trại viết ở Cần Thơ vào tháng 6, Trương Hùng là kết hợp của con người nghệ sĩ và con người tổ chức.

Nhớ lại năm ngoái, ngay khi Chi hội được thành lập, Trương Hùng đã tổ chức ngay cho anh em đi thực tế viết ở vùng cao. Anh chọn Hà Giang để cho anh em vùng xa như Nam Bộ có cơ hội được đi dọc biên giới tới địa đầu đất nước. Anh em phía Nam đứng trên một trong tứ đại đỉnh đèo là Mã Pí Lèng, ngắm con sông Nho Quế dưới tít mù xa chỉ bé bằng sợi phở mới thực sự cảm nhận được sự hùng vĩ. Đặc biệt, nhạc sĩ Dương Năm ở Tiền Giang đã có được phác thảo ca khúc trên đỉnh mây Mèo Vạc.

Chiều thị trấn vùng cao buồn, tiếng radio xa gần câu vọng cổ làm Dương Năm giật mình. Anh khoe cái tứ ca khúc đã lên được rồi. Nghe câu vọng cổ trên miền cực Bắc, một câu hát nối liền hai đầu đất nước. Dương Năm khi vui thì hát vọng cổ rất mùi nhưng chẳng bao giờ quá chén tiệc tùng. Anh là tấm gương về tinh thần thể dục trước con mắt của anh em. Sáng nào cũng vậy. Đúng 4h15, đồng hồ sinh học làm Dương Năm bật dậy bắt đầu hạ sơn đi bộ tới 6h thì về phòng. Nhạc sĩ Trương Hùng cũng chả kém.

Rất điều độ tay đàn tay vợt. Đi đâu cũng mang theo vợt “đơn đao phó hội”, gặp CLB bóng bàn nào là chiến ngay. Đến tỉnh nào cũng để lại dấu ấn. Gặp Trương Hùng lần nào cũng được anh kể về kế hoạch mới. Sau trại viết này, Bộ Công an sẽ tổ chức tri ân 20 nhạc sĩ đã gắn bó với lực lượng Công an. Kế hoạch thế nào thì Chi hội Nhạc sĩ phải tham mưu và lên phương án.

Hình ảnh người chiến sĩ Công an trong âm nhạc được lực lượng Công an đặc biệt quan tâm. Trại viết đã được các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Cục Công tác chính trị CAND đến thăm, cho ý kiến chỉ đạo, dặn dò rất cụ thể, thân mật từ khi khai mạc cho đến bế mạc.

Các tác phẩm của trại có biên độ trải rộng các đặc thù của lực lượng Công an. Hầu hết là tráng ca. Bên cạnh đó đã có những ca khúc trữ tình đưa tâm tư tình cảm người chiến sĩ nhưng chưa thực sự nhiều. Nhạc sĩ Cát Vận trào lộng: “Chi hội ta phải rút kinh nghiệm, cần kết nạp thêm hội viên nữ thì âm nhạc mới thăng hoa được. Người ta bảo là âm nhạc chứ không phải dương nhạc. Có âm vào thì còn phải nói…”

Lê Tâm
.
.
.