Trái tim yêu mãnh liệt, thật thà

Thứ Bảy, 31/12/2005, 10:36

Giản dị, chân thành như sám hối, trái tim yêu mãnh liệt và thật thà của nhà thơ hiển hiện trong nhiều câu thơ của tập "Sống như không thể chết" (thơ Hồng Thanh Quang, Nxb. Hội Nhà văn, 2005) làm rưng rưng người đọc.

Có những câu thơ của Hồng Thanh Quang đã ám ảnh tôi từ nhiều năm trước, khi tôi chưa hề biết anh. Những câu thơ thế này: "Em vẫn chưa già đâu/ Còn anh không trẻ nữa/ Nếu hạnh phúc cho nhau/ Luật trời ta cũng sửa...". Tôi rất kinh ngạc, một sự kinh ngạc thú vị về nhân vật trữ tình của bài thơ, kẻ dám sửa cả luật trời khi bước chân vào ngôi nhà Tình yêu. Đành rằng đã là yêu thì ai cũng nồng nàn, đắm đuối, nhưng điều đáng nói ở đây chính là tâm thế của người đang yêu. Tôi tin rằng thái độ ngang tàng, thách thức và mãnh liệt trong tình yêu như vậy chỉ có thể có trong trái tim của một đấng trượng phu mà thôi. ở một chỗ khác, vẫn là cách yêu đốt cháy mình, anh viết: "Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em" (Khúc mùa thu).

Đọc "Sống như không thể chết", tôi gặp lại một Hồng Thanh Quang trong tâm thế "tim còn đập / còn yêu / vô điều kiện" (Tự nhủ), khác chăng là nhuần nhị, đằm sâu, da diết hơn. Đó là tiếng nói của một trái tim đã trải qua nhiều sôi nổi, nhiều mất mát, nhiều buồn đau, đã đến hồi chiêm nghiệm. "Ta gieo mãi chỉ gặt về vướng bận/ Những tơ duyên mộng mị như tờ" (Cô giao liên bước chân trần xuống suối).

Em mãi xanh
(Tặng nhà văn Hữu Ước )

Gối đầu lên thế sự,
Giấc ngủ đến trong lành.
Buồn vui gì cũng cũ,
Riêng EM còn mãi xanh!
             Hòa Bình, trưa 17/4/2005

Vu Lan cho một tình yêu

bông huệ trắng
cánh cò cũng trắng
đám mây chiều xam xám ngả vào thu nằm ngửa mặt 
               nhìn khung trời tắt nắng
bỗng thấy lòng không rượu
                  cũng ngây ngư
em xa cách không chỉ ba tấc đất
không chỉ năm
không chỉ kiếp điệp trùng
ta mất em đã thành nhân loại khác
chỉ nỗi buồn như cũ cứ mông lung
ai sẽ thắp nén trầm trong biển gió
thơm về đâu
những chân thật không lời
ta chẳng rõ nụ hôn nào bỡ ngỡ
chạm non tơ như thuở mắt em cười
hóa ra thế ta mới là vất vưởng
khi tình yêu em giấu kỹ đi rồi
khóc một tiếng sẽ thiếp vào âm vọng
những cơn mê
xa xót bủa quanh đời...
                                   26/8/2004

Hãy sống
(Tặng anh Trương Xuân Hương)

Hãy sống
không lụy người trên
không chèn kẻ dưới
Hãy sống
như lời ru của mẹ,
như con chuồn chuồn
đạp nước
rồi bay...
                                   
29-6-2004

Viết cho con gái Linh Vân

như chiếc lá non
mặt tròn giống cha
mũi to giống cha
ngón tay thon dài
          như mọi mỹ nữ họ nhà mình
con hiền hơn cha nhiều lắm
tiếng con khóc nhỏ như hơi thở 
                    của đám mây thiêng
như sự nuốt vào trong 
                    của thân phận đàn bà
cha bế con lên nhẹ như nghĩa vụ
nặng cũng như nghĩa vụ
con còn chưa nhận ra cha
chưa biết nhìn
chưa biết cảm
chưa biết u ơ
đôi môi nhỏ xinh
như hai cánh hoa hồng chiêm chiếp
cha ngắm con hoài không chán
thêm cảm thấy mình có lỗi
trước mọi người phụ nữ 
                    đang sống ở trần gian
con gái ơi cục cưng của cha ơi
cha có lẽ không thể giúp cho đời con
bằng phẳng hơn định mệnh
nhưng nếu cha yêu thương trân trọng
hơn tất cả đàn bà trên thế giới
đời con sẽ đỡ mưa sa?
                                     25/4/2004

 

 Sẽ chẳng còn ý nghĩa gì, nếu không còn biết yêu, cho dù tình yêu luôn mang đến cho ta phần nhiều khổ đau, phần nhiều thất vọng, phần nhiều nghi ngờ và day dứt. Hồng Thanh Quang là một gã thi sĩ si tình bậc nhất. Những cung bậc tình yêu trong anh được đẩy đến tận cùng. Những Em trong thơ của anh có thể bắt đầu từ một hình ảnh cụ thể, nhưng đã trở thành biểu tượng với những thuộc tính chung đàn bà, làm mất đi cảm giác riêng lẻ, cụ thể nơi người đọc. Viết về một người tình đã đi qua tuổi trẻ "ta mất em đã thành nhân loại khác / chỉ nỗi buồn như cũ cứ mông lung" (Vu Lan cho một tình yêu), một người tình đi qua "giễu cợt tuổi 40 của anh", về một ai đó không định hình mang bóng dáng của mẹ "ta nhớ một người môi lại hôn người khác / ta khóc một người thế mà nước mắt / lại đầm trên vai áo mẹ ta" (Đi theo những cơn mơ), thậm chí là viết cho con gái bé bỏng Linh Vân "cha ngắm con hoài không chán / thêm cảm thấy mình có lỗi / trước mọi người phụ nữ đang sống ở trần gian"... đều là cách để Hồng Thanh Quang bày tỏ tình yêu, sự xót xa và thấu hiểu  của mình với phụ nữ.

Tôi đặc biệt ám ảnh những câu thơ Hồng Thanh Quang viết cho con gái "con gái ơi cục cưng của cha ơi / cha có lẽ không thể giúp cho đời con bằng phẳng hơn định mệnh / nhưng nếu cha yêu thương trân trọng hơn tất cả đàn bà trên thế giới / đời con sẽ đỡ mưa sa?..". Không cầu kỳ trong nghệ thuật, nhưng có thể hiểu đây là những câu anh viết cho con cũng là viết cho hết thảy những người đàn bà anh yêu, thậm chí viết cho cả những đấng nam nhi trong cuộc đời. Những câu thơ có khả năng "đánh thức".

Khi Hồng Thanh Quang tin nhiều hơn vào hai chữ "định mệnh", anh có thể không còn ý muốn "sửa luật trời" nữa, nhưng trong những câu thơ tình anh viết, vẫn vẹn nguyên "tâm thế trượng phu". Và tôi nghĩ, hết thảy đàn bà trên Trái đất sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu họ gặp được những trang quân tử "đến và đi đều bởi chân thành" (Viết sau giao thừa).

Trong một số bài thơ thế sự, Hồng Thanh Quang mượn hình ảnh Em như một điểm tựa, một đốm lửa dẫn đường (vẫn là lối tư duy của một gã si tình) nhưng lại đầy tỉnh táo. "Cần người để trọng / cần người để tin / cần người để yêu / vô cớ / cần con đường / có em ở cuối / dẫu đi suốt đời / chắc gì đã tới" (Cần). Với cách như vậy, anh để bài thơ của mình nằm chênh vênh trong ranh giới của một bài thơ tình và bài thơ thế sự. Nhưng nhờ sự tỉnh táo và tính triết luận, người đọc không khó khăn để nhận biết những tâm sự cuộc đời ẩn giấu khéo léo trong những câu chữ bình dị. Nỗi nhớ về Em cũng chỉ là một cái cớ để người lính nói về thân phận của mình trong đêm cuối cùng của chiến tranh "sáng mai thôi / cái có thể sẽ thành không thể / cái không thể sẽ thành có thể" (Đêm cuối cùng của chiến tranh).

Suy ngẫm về cuộc đời, về giá trị của đời sống, Hồng Thanh Quang viết những câu thơ bằng tất cả những gì anh trải nghiệm "Cha muốn sống một đời trung thực / Rất vô tư, luôn ngẩng cao đầu / Nhưng càng sống, càng hiểu, cha càng sợ / Thế gian này biến hóa, khó lường sao" (Nhắn nhủ). Anh tự dặn mình "sống như tinh cầu / làm lộ mọi bạc đen trần thế" (Nguyễn Trãi) và "ngộ" ra rằng "không thèm những gì không phải của mình / không tiếc những gì đã mất / gặp cự phú không khinh khi / thấy Chí Phèo không giễu cợt" (Tự nhủ). Có lúc anh điềm nhiên một cách xót xa "ta đời quá cam go/ sống như nuốt cay / sống như ngậm đắng / sống như không thể chết / như chuẩn bị / cho một cuộc sống khác..." (Sống như không thể chết).

Lấy làm lạ, Hồng Thanh Quang ở ngoài đời thì ồn ào, bụi bặm, đi nhanh nói nhanh, làm việc phăm phăm như bổ củi. Ngay cả khi uống rượu cũng vẫn giữ cái đức nói nhiều, ồn ào như vậy. Thế mà trong những bài thơ nặng tính thế sự, anh lại chọn tư thế của một kẻ ngồi Thiền. Câu chữ của anh như phù sa của một dòng sông đã lắng thành đồng bãi, mộc mạc, có khi gần với ngôn ngữ nói. Mỗi bước đi nhà thơ đều ngoái nhìn cuộc sống và cảm nhận nó. Và khi anh nhắm mắt ngồi Thiền cũng chính là lúc anh đang nhìn rõ nhất cuộc sống trôi chảy quanh mình. Nhờ sự sòng phẳng với chính mình khi hướng tới một cuộc đời trượng nghĩa, không nhợt nhạt, không hời hợt, mà khi trở lại với đời sống thường nhật nhà thơ vẫn có thể rạch ròi trong từng công việc.

Trong suốt tập thơ, thỉnh thoảng tôi có vấp phải một vài từ ngữ hơi sáo mòn hoặc lặp lại, tôi đã nghĩ, giá mà Hồng Thanh Quang dụng công hơn, gọt rũa đôi chút cho gọn gàng về bố cục, sắc nhọn về ý tứ. Giá mà anh cách tân hình thức đi đôi chút, vì nhiều bài được viết theo một thể tương đối đơn điệu... Nhưng, tôi ghi nhớ một tuyên ngôn của anh "Đứng ngoài mọi tham vọng cách tân / đứng ngoài mọi tranh luận..." (Viết trong quán cũ) và thấy yên lòng. Bởi tôi tin nhà thơ hiểu hơn ai hết một điều rằng, mọi sự lấp lánh hình thức đều chẳng có giá trị gì nếu bên trong nó không chứa đựng một nội dung đủ sức nặng để quyến rũ, mê hoặc trái tim người tri kỷ. Đó chính là bạn đọc

.
.
.