Trái tim chưa thôi thổn thức

Chủ Nhật, 27/06/2010, 15:32
Tên một bài thơ, cũng là tên chung của tập thơ này "Không bao giờ trăng khuyết" của Lê Cảnh Nhạc (NXB Hội Nhà văn - 2010) gồm 51 bài cả thảy, phần lớn là thơ tình. Thơ cho những người tình "sương khói", và thơ tình tặng vợ. Một phần của tập thơ, tác giả viết về quê hương, về bạn bè, người thân, về những người lao động bình thường và cả những người nổi tiếng đã về cõi vĩnh hằng.

Thơ tình Lê Cảnh Nhạc trong tập này, là một thứ thơ tình của một thi nhân từng trải, của một người đàn ông tóc muối tiêu rồi, mà trái tim thì thật sự chưa thôi thổn thức, chưa muốn bị gạt ra ngoài vòng sinh diệt nghiệt ngã của cõi người.

Một "Đêm Phiêng Lơi", trước người đẹp núi rừng hoang dã, với "váy bồng nghiêng núi đồi", với "Men ủ nồng cuống lá/ Vút lời say mềm môi", cùng với "Tóc trinh chưa kịp búi/ Lửa bập bùng lả lơi"… thì dẫu có là gỗ đá, cũng phải cháy lên, chứ còn sao nữa? Tác giả đã không thể cưỡng lại được sức cám dỗ, sức mê hoặc của cái đẹp tự nhiên, hồn nhiên của con người, điên đảo, say mê, rồi cháy lên, tan ra "thành tro của đá", thành "tàn của cây" rồi bay lên thành mây khói "Hoang trời đêm Phiêng Lơi"… 

Lại còn "Lời yêu". Lại còn "Bất chợt", với "Quan họ em". Lại còn "Dạ khúc", rồi "Phút giây"… Nghĩa là còn rất nhiều những cảm xúc bất ngờ, đắm đuối trước giai nhân… Có khi là một cảm giác, "phát ra" từ một đôi mắt có hồn, mà "Lời yêu trong mắt nhớ/ Rưng rưng trên tay cầm". Có khi là bất chợt một làn da, một màu áo, một đường cong mời gọi, cuốn hút hồn thi nhân (“Bất chợt”). Cũng có khi là một "Dạ khúc" nhiều vương vấn, nhiều tiếc nuối, bâng khuâng…

Lê Cảnh Nhạc là một người có thể nói là thành đạt trong cuộc đời, hay cuộc đời dành cho anh nhiều ưu ái, nên ít thấy những giằng xé tâm trạng, trong nỗi đời vốn còn ngang trái, không ít chua cay. Nhưng trong tình yêu thì tác giả của những bài thơ tình, dẫu có khéo léo đến đâu, cũng đã thấy "hiện nguyên hình" một anh chàng "sợ vợ", hay là nể vợ, muốn bung ra trong cảm xúc với đời, với thế giới người đẹp, nhưng lại muốn tròn trĩnh trong hạnh phúc gia đình. Đó là mâu thuẫn đáng yêu của muôn đời, cũng không lấy làm lạ. Tác giả rất già dặn trong việc giấu đi những cảm xúc thăng hoa tột đỉnh, trong những hình tượng thơ tinh quái, mà không thể nói là không hấp dẫn:

Bao cánh hoa xoắn xuýt rượu cần

Mặc cạn đáy, men vẫn dồn ngược ống

Mãi thơm nồng, kệ ai người pha loãng

Hương rượu trào cuối ché lịm lòng anh

(Nhớ và khát)

Có những câu thơ nhiều cảm xúc:

"Nỗi nhớ như bùa mê/ Dắt anh vào hư ảo/ Chiều thơm như trái táo/ Tuột rơi trên tay cầm" (Lỗi hẹn).

Những bài thơ Lê Cảnh Nhạc viết tặng vợ, nhìn chung, đều đằm thắm ân tình. Thấy hiện lên dung dị một người đàn bà tảo tần, chu đáo, thủy chung. Cũng khá nhiều hờn ghen đáo để, nhưng hiểu chồng, yêu chồng và nhiều tha thứ. Người đàn bà ấy chính là điểm tựa của cuộc đời thi nhân, có ngợi ca bao nhiêu cũng chưa là đủ, không bao giờ là đủ:

Vẫn là em, điên đảo hờn ghen

Nồng như ớt, mặn như là muối bể

Cuống quýt vào ra chua chanh chát khế

Quay quắt thương, quay quắt nhớ xa chồng

(Vẫn là em)

Phần cuối tập thơ "Không bao giờ trăng khuyết" là những bài thơ mà cảm xúc của tác giả hướng nhiều ra phía cuộc đời, nghĩ suy chiêm nghiệm. Anh ca ngợi những người lao động lương thiện bình thường, giàu đức hy sinh (“Áo trắng vùng cao”); những nhà khoa học chân chính (“Xanh biếc một đời cây”); những anh hùng trong thời chiến, đã hy sinh, nhưng tấm gương của họ vẫn còn sống mãi với hôm nay (“Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm”)… Cũng có những suy tư trăn trở về "Chuyện đời" và đúc rút thú vị: "Sang hèn cũng một nấm mồ/ Chán cơm, thèm đất, án thờ thưởng hương…”.

Tôi cho rằng Lê Cảnh Nhạc thành công hơn ở những bài thơ tả cảnh để gửi tình. Ví như bài "Đêm Phiêng Lơi". Ví như bài "Hồ trên núi", hoặc như bài "Nơi em về"…

Người đọc cảm nhận ở "Không bao giờ trăng khuyết" một hồn thơ gắn bó với đời, hồn nhiên và có phần mực thước. Một sự mực thước trong thơ, là đáng trọng, nhưng nó sẽ là sự o bế, buộc chân những cảm hứng tung tẩy hào hoa, cái mà thơ rất cần có. Nhưng mà trời chả cho ai tất cả!

Hà Nội 18/6/2010
Vũ Bình Lục
.
.
.