Tổng kết và trao giải Cuộc vận động sáng tác ca khúc Vì nạn nhân chất độc da cam

Chủ Nhật, 26/06/2011, 08:21
Theo GS. NSND Trọng Bằng, thành viên BGK thì đây là cuộc vận động đạt độ hoành tráng về quy mô và có tính nghề nghiệp cao xét về góc độ chuyên môn. Trong dòng chảy của cuộc sống, vấn đề da camchắc chắn vẫn là đề tài thôi thúc các nhạc sĩ dấn thân để có thêm nhiều ca khúc lay động lòng người, xoa dịu nỗi đau nhân thế, NSND Trọng Bằng nhấn mạnh.

Tối qua, 25/6, lễ tổng kết và trao giải cuộc vận động sáng tác ca khúc Vì nạn nhân chất độc da cam đã long trọng diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Dự buổi lễ, có bà Nguyễn Thị Doan - Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; TS. Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ TT&TT; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), Trưởng BTC cuộc vận động; Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Tổng Biên tập Báo CAND.

Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, MTTQ; đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội; đại diện các Hội và Hiệp hội, các doanh nghiệp, nhà tài trợ..v.v…

Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch nước; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Tổng Biên tập Báo CAND trao giải nhất cho tác giả đoạt giải. Ảnh: Vũ Hân.

Cuộc vận động sáng tác ca khúc Vì nạn nhân chất độc da cam được phát động trên quy mô toàn quốc từ cuối năm 2010, nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2011), để kêu gọi bạn bè quốc tế đồng cảm, giúp đỡ và hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý của hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

Nhìn lại hơn nửa năm phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc Vì nạn nhân chất độc da cam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh: Cuộc vận động đã đạt kết quả hơn mong đợi cả về số lượng và chất lượng tác phẩm. Chỉ trong 6 tháng, Cuộc vận động đã thu hút gần 200 tác phẩm dự thi, cùng sự ủng hộ, giúp đỡ mọi mặt của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Theo GS. NSND Trọng Bằng, thành viên BGK thì đây là cuộc vận động đạt độ hoành tráng về quy mô và có tính nghề nghiệp cao xét về góc độ chuyên môn. Điều đó nói lên sự đồng cảm sâu sắc và trách nhiệm xã hội rất cao của giới sáng tác âm nhạc đối với nạn nhân chất độc da cam. Mỗi ca khúc đều là thành quả của sự nung nấu tâm can, của niềm khát khao sáng tạo và dâng hiến; là sự kết tinh tình cảm và tài năng, sự gặp gỡ của những cảm xúc tuôn trào và khoảnh khắc thăng hoa trí tuệ của người nghệ sĩ. Ban tổ chức đánh giá cao và trân trọng giá trị nhân văn của các tác phẩm và xin hứa sẽ làm hết sức mình để phát huy sức mạnh giáo dục, cảm hóa, thức tỉnh lòng người của âm nhạc, góp phần "nâng con người lên, làm cho con người cao quý hơn" như mong muốn của các tác giả. Cuộc vận động đã kết thúc, nhưng sáng tác về vấn đề da cam không bao giờ dừng lại. Trong dòng chảy của cuộc sống, đó chắc chắn vẫn là đề tài thôi thúc các nhạc sĩ dấn thân để có thêm nhiều ca khúc lay động lòng người, xoa dịu nỗi đau nhân thế.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Trọng Kim đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc vận động và khẳng định: Ca khúc ra đời từ cuộc vận động không những đem lại nguồn nghị lực, niềm an ủi, động viên to lớn đối với các nạn nhân chất độc da cam mà còn góp phần nâng cao cảm xúc thẩm mỹ, nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp tình người, khơi gợi đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Thương người như thể thương thân" cho mỗi người dân Việt Nam. Mỗi tác phẩm âm nhạc còn là một thông điệp da cam đối với cộng đồng quốc tế, thức tỉnh lương tri nhân loại, góp phần vào cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam. Mong BTC sớm có kế hoạch phát huy kết quả cuộc vận động, bằng nhiều hình thức, biện pháp nhanh chóng đưa các tác phẩm âm nhạc đến với đông đảo công chúng.

Cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ, các khán giả yêu âm nhạc, cho thấy sức lan tỏa của hoạt động này. Trên cơ sở đánh giá, thẩm định của Ban Giám khảo, BTC Cuộc vận động đã quyết định tặng giải Nhất cho 1 tác phẩm; giải Nhì cho 2 tác phẩm; giải Ba cho 3 tác phẩm; giải Tư cho 10 tác phẩm; giải Ấn tượng cho 5 tác phẩm; tặng giấy chứng nhận cho 152 tác giả.

Tại buổi lễ, khán giả còn được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang nội dung chia sẻ với những nạn nhân chiến tranh. Ca sĩ Hồng Hạnh mang đến một trong những ca khúc được gửi tham gia hưởng ứng Cuộc vận động: "Lời ru cỏ non" (nhạc: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, thơ: Nguyễn Thị Minh Châu). Chương trình cũng lần đầu công diễn một số tác phẩm đoạt giải: Ca khúc "Choeur pour le Vietnam - Cùng hòa ca Việt Nam" của Hồ Hải Quang, người Pháp gốc Việt, hiện là Chủ tịch Hội Chất độc da cam Pháp và do chính ông biểu diễn. 2 tác phẩm đoạt giải Nhì có tên "Chỉ còn tình yêu thương" (Phan Văn Minh) do ca sĩ Ngọc Lê thể hiện và ca khúc "Chiến tranh của mẹ" (tác giả Dương Hồng Kông) do ca sĩ Thắng Lợi biểu diễn cũng mang đến những âm thanh xúc động, sẻ chia với các nạn nhân.

Ca sỹ Hồng Hạnh biểu diễn bài hát “Lời ru cỏ non” (sáng tác Hữu Ước, phổ thơ Nguyễn Thị Kim Châu) tại chương trình. Ảnh: Vũ Hân.

Trước khi tác phẩm giành ngôi vị cao nhất được biểu diễn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND, Tổng Biên tập Báo CAND đã trao Bằng chứng nhận tác phẩm đạt giải Nhất cùng số tiền 50 triệu đồng cho nhạc sĩ Khánh Vinh, tác giả của ca khúc "Lời ru" (lời thơ: Trương Tuyết Mai).

Trong buổi lễ, TS. Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng trao cho BTC số tiền hơn 6,3 tỷ đồng thu được từ chương trình nhắn tin từ thiện "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam". BTC cũng tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật bằng đá quý do ông Đào Trọng Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thần Châu Ngọc Việt, trao tặng

Vũ Hân
.
.
.