Tống Thành Vinh - Mùa xuân chim bay qua và buông tiếng hót

Thứ Ba, 28/07/2009, 12:00
Phim ảnh với Tống Thành Vinh là một cuộc dấn thân, nhưng không phải để chứng tỏ mình tài năng. Mà đơn giản, đây là một thái độ anh sống, thái độ suy nghĩ và thái độ với nghệ thuật. Có thể vinh quang chưa đến với Tống Thành Vinh. Nhưng cứ đi rồi sẽ tới...

Năm 2004, có một bộ phim ngắn 9 phút mang tên "Mùa xuân chim bay qua và buông tiếng hót" xuất hiện tại Liên hoan truyền hình toàn quốc và gây nên một sự xôn xao. Người thích thì mê đắm, kẻ khó chịu thì không chấp nhận. Tranh cãi. 9 phút không âm nhạc, không âm thanh. Chỉ có tiếng nói duy nhất của cô bé khiếm thính. Đó là phim thể nghiệm của Tống Thành Vinh, người coi làm phim như cách bày tỏ một thái độ với cuộc sống.

"Mùa xuân chim bay qua và buông tiếng hót" là hành trang anh mang tới Trường Đại học Winniberg (Canada) để theo học ngành điện ảnh truyền hình. Để rồi từ đó, cái tên Tống Thành Vinh luôn gắn với những kỳ vọng về sự khác biệt. Cũng chính anh, người khơi một dòng chảy khác của dòng phim truyền hình, từ những tùy bút phim cho đến bộ phim đang gây hiệu ứng trái chiều nhau: "Có lẽ nào ta yêu nhau", đang phát trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Tống Thành Vinh đang chỉ đạo một cảnh quay.

Tống Thành Vinh nói, suốt 3 năm học tại Đại học Winniberg, anh phải tham gia rất nhiều lớp dự thính và hầu như anh không học nhiều về kỹ thuật sản xuất, mà là học thái độ làm nghề, thái độ tiếp cận vấn đề và cả thái độ xem của người thưởng thức. Thái độ đó thực sự quan trọng, để biết rằng, mọi thứ đều có thể được chấp nhận, nếu người làm phim với thái độ nghiêm túc, với góc nhìn riêng, thậm chí ngược chiều, cũng sẽ được người xem chia sẻ từ nhiều góc độ khác nhau. Tống Thành Vinh đã đi theo con đường ấy, trước cả khi anh bước vào trường đại học chuyên nghiệp dành cho truyền hình tại nước ngoài.

"Mùa xuân chim bay qua và buông tiếng hót" là một cách đi ngược với logic thông thường về những bộ phim tài liệu vốn rất nhiều lời bình. Một bộ phim nói về âm thanh nhưng được thể hiện dưới sự im lặng tuyệt đối. Ngọc Nhị, cô gái câm với cuộc trò chuyện của đôi môi bất lực để nói về những yêu thương, gọi mẹ, mơ ước một mái ấm. Và đôi bàn tay tạo hình những ký tự. Những con chữ nhỏ làm phụ đề chạy ở dưới. Tiếng hót không nằm trong âm thanh, mà nằm trong ngôn ngữ thể hiện. Tiếng hót vượt qua những định dạng thông thường. Và phim của Tống Thành Vinh cũng không chịu nằm trong những lằn ranh thông thường về thể loại.

Phim "Mưa", một phim ngắn nữa của Tống Thành Vinh, được bắt đầu từ một tứ thơ. Bộ phim chỉ có vài lời thoại, với những hình ảnh được chắt lọc thật kỹ. Và đó là sự tổng hòa của những cảm giác, sự bâng khuâng, tình yêu, nỗi nhớ và cả những nỗi lo sợ phập phồng và những mất mát. Trở đi trở lại trong phim là hình ảnh Hiền thắp đèn vào rừng để tìm người yêu và hình ảnh người lính thoắt ẩn thoắt hiện. Sự lặp lại có chủ ý và những âm thanh sẽ mang lại sự đổi thay. Khi ấy, âm thanh lại đóng vai trò quan trọng.

Chỉ thêm một âm thanh, khán giả cảm nhận dường như đã thêm một mất mát. Như một bài thơ được chia thành nhiều chương, "Mưa" chất chứa đầy cảm xúc. Xem phim của Tống Thành Vinh là chấp nhận xem trong sự cởi mở và cảm nhận tối đa, để hiểu được nhiều điều.

Với "Đường xa vạn dặm", "tùy bút phim" của Tống Thành Vinh bắt đầu từ một ý tưởng từ ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: "Mẹ bỏ con đi, đường xa vạn dặm". Nhưng Trịnh Công Sơn viết về cõi tử, còn Tống Thành Vinh lại mượn lời ấy để nói về cõi sinh. Hình ảnh đôi quang gánh cong hai đầu mang tính biểu tượng. Đôi gánh ve chai của người mẹ. Đôi gánh trên đồi cát xiêu vẹo. Đôi gánh dịu dàng mang theo những mùa sen. Đôi gánh như một hình nước Việt cong về Nam và Bắc.

Bộ phim kết bằng đôi quang gánh đứng yên trên nền đất, không còn trên đôi vai những người phụ nữ nữa. Một cái kết mang lại nhiều bâng khuâng. Nhưng lại mở ra nhiều suy tưởng. Rất gần với tài liệu nhưng lại không nệ vào tài liệu, Tống Thành Vinh đi chênh vênh trên một con đường mà ở đó, mọi thứ rất mơ hồ. Nhưng chính nét mơ hồ ấy lại tạo nên sự quyến rũ...

Nhưng cũng chính vì đi chênh vênh như vậy, nên anh có thể bị té bất cứ lúc nào. "Có lẽ nào ta yêu nhau" là một cú ngã, không quá đau đớn, nhưng lại để lại một nỗi buồn và sự tiếc nuối. Tống Thành Vinh vẫn đang trong những ngày cật lực nhất để hoàn thành những tập cuối cùng cho kịp thời gian phát sóng trên kênh VTV1. Bộ phim đã kéo dài 7 tháng, một kỷ lục quay của phim truyền hình thời "mì ăn liền" (trung bình 3 ngày một tập). Và nó cũng là bộ phim nhận được những ý kiến trái chiều nhất. Nhưng, đời sống nghệ thuật rất cần những người tiên phong như vậy, những vết thương mà họ hứng chịu sẽ là kinh nghiệm quý cho những người đi sau.

Thói quen của người xem và những nhận định vội vã của báo chí đã làm cho bộ phim bị thả vào sự lạnh nhạt. Tống Thành Vinh nói, ngay từ buổi ra mắt phim, anh đã nói anh không muốn kể một câu chuyện thông thường, mà anh muốn đưa ra một thái độ làm phim khác. Và "Có lẽ nào ta yêu nhau" đã đi đúng trên con đường ấy. Bối cảnh đẹp và được thực hiện cầu kỳ. Hình ảnh được trau chuốt có chủ ý.

"Có ý kiến nói, những khung hình đẹp trong phim chẳng để làm gì. Nói vậy đó là một vẻ đẹp rỗng. Tôi không tin khán giả truyền hình lại nông cạn và khờ khạo như vậy. Và người ta chê phim, nhưng tôi biết không ai thực sự theo dõi nó bằng thái độ thoải mái và cởi mở, và không ai theo dõi cho đủ thời gian để hiểu được chúng tôi muốn nói gì. Ngay cả những cảnh quay rung rung ban đầu cũng có chủ ý, để những tập sau được ổn định dần, tĩnh tại dần do những khúc mắc được hóa giải. Và cảnh cuối cùng tại bệnh viện là cảnh rất đẹp. Và tôi nghĩ đó mới là sự bắt đầu" - Tống Thành Vinh nói.

Bộ phim của Tống Thành Vinh quả là bộ phim kém may mắn. Bởi nó được sản xuất trong thời điểm mà khán giả đã quá quen với những bộ phim đồng phục, được làm theo công thức "tình tay ba" và các nhà sản xuất đã chú mục PR thật kỹ vào phân khúc ấy, tạo nên những thứ... chuẩn mực bất thường cho khán giả. Và những bộ phim đi lệch đường ray ấy sẽ bị la ó là không giống, không đúng và... không hay.

Thực chất, phim truyền hình hay phim điện ảnh cũng vậy, ngoài yếu tố kỹ thuật, thì nhiệm vụ của những người làm phim chân chính, là tạo ra những điều mới lạ và lôi cuốn. Tống Thành Vinh đã cố gắng đến kiệt cùng trong 37 tập phim, nhưng quả là điều anh nhận lại có phần cay đắng. Nhưng, Tống Thành Vinh lại tự an ủi, rằng thà phẫn nộ trong ồn ào còn hơn chấp nhận trong sự im lặng. Đã có quá nhiều phim bị rơi vào im lặng. Và đó là nỗi buồn lớn của những người làm phim.

Làm phim truyền hình ở Việt Nam, thoạt tiên thì là "ngon ăn", nhưng thực chất lại là cuộc chơi nhiều ấm ức. Tống Thành Vinh nói, ở nước ngoài, sự xuất hiện của nhà tài trợ rất ít, nhưng rất cần thiết và đúng chỗ, nó tạo ra được một cảm giác nhà tài trợ đang tham gia làm văn hóa. Và chính nhà tài trợ cũng cảm nhận được, sự xuất hiện của mình là sự xuất hiện có giá trị, là sự tôn vinh nghệ thuật chứ không phải cố gắng nhồi nhét cho bằng đủ thời lượng.

"Còn phim truyền hình ở Việt Nam như một cái chợ. Đạo diễn gần như phát khùng với việc cô thư ký luôn nhắc phải nhớ có sự xuất hiện bao nhiêu giây trong mỗi tập phim, nếu không nhà tài trợ sẽ không chi tiền và sẽ phải... quay đền". Và Tống Thành Vinh lại một lần nữa phản kháng lại cách tồn tại của phim truyền hình, dù anh yêu nó và đang muốn làm tiếp tục.

Cái tên Tống Thành Vinh được định dạng rất rõ ở mảng phim ca nhạc. Anh hay đùa, anh là người xem phim truyền hình nhiều nhất tại Việt Nam. Bởi anh phải xem vài trăm tập phim mỗi kỳ, để thực hiện những đĩa nhạc phim. Rồi thực hiện video clip cho các ca sỹ. Nhưng đó không phải mảng đề tài máu thịt của anh. Những bộ phim ý tưởng mới là những điều anh nung nấu.

Tống Thành Vinh đang chuẩn bị làm một phim ngắn "Tiếng Việt". Đó là một ý tưởng rất lâu, từ khi anh du học tại Canada. Một sáng sớm, khi ngoài cửa sổ tuyết buông trắng xóa, mùa đông lạnh buốt và chỉ có mình anh ở một đất nước xa lạ. Anh lên mạng, nghe Quách Thị Hồ hát ca trù. Cảm giác tê lạnh và nỗi nhớ tiếng Việt trở thành một nỗi ám ảnh. Và anh khao khát kết nối những cảm giác ấy thành một dòng chảy. Có thể đó sẽ lại là một bài thơ lộng lẫy. Nhưng cũng có thể sẽ là sự dung dị, dịu dàng.

Đã từng làm ở Đài Truyền hình Bình Dương, rồi HTV và VTV, đến giờ anh trở thành một đạo diễn tự do, tự đi tìm ý tưởng và thực hiện những bộ phim của mình. Mỗi ngày anh chạy xe từ khu cư xá của Truyền hình Bình Dương vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Tống Thành Vinh nói, nhu cầu sống của anh không nhiều, nếu không làm phim anh có thể làm xe ôm hay ông bán cà phê cóc vỉa hè, vẫn thấy chúng vinh quang như nhau, miễn sao anh cảm thấy thoải mái để làm việc. Phim ảnh với anh là một cuộc dấn thân, nhưng không phải để chứng tỏ mình là một tài năng. Mà đơn giản, đây là một thái độ anh sống, thái độ suy nghĩ và thái độ với nghệ thuật. Có thể vinh quang chưa đến với Tống Thành Vinh. Nhưng cứ đi rồi sẽ tới...

Thiên Ý (ANTG cuối tháng số 96)
.
.
.