Tôn tạo Khu Di tích Tây Sơn thượng đạo

Thứ Tư, 12/05/2010, 09:41
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý triển khai tôn tạo Khu Di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo tại địa bàn thị xã An Khê và các huyện lân cận thuộc tỉnh Gia Lai.

>> Nhà cổ trên đất Tây Sơn Thượng đạo

Vùng đất Tây Sơn thượng đạo thuộc địa bàn thị xã An Khê gắn với một phần của huyện K'bang và Kông Chro, tỉnh Gia Lai ngày nay được xem là mảnh đất linh thiêng hào khí, đã in đậm dấu chân của nghĩa quân Tây Sơn 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Lịch sử đã trải qua nhiều binh biến nhưng ký ức hào hùng về những dấu chân đầu đời khởi dựng cơ binh của Nhà Tây Sơn vẫn mãi mãi khắc ghi với đất và người dân nơi đây.

Sử sách ghi rằng: "Nghĩa quân Tây Sơn đóng đại bản doanh tại An Khê, một cao nguyên bằng phẳng, cao 600m… Đây là một địa điểm rất tốt cho việc bố trí doanh trại, tập luyện quân sự…". Nhờ thế hiểm trở, tận dụng được địa bàn hoạt động, gây dựng cơ nghiệp ban đầu mà 3 anh em Tây Sơn đã phát triển binh lương vững mạnh và năm 1773 đã tiến đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn. Với chiến thuật dụng binh tài trí, Nguyễn Huệ đã phát triển nghĩa quân Tây Sơn lớn mạnh như vũ bão, liên tiếp đánh bại quân xâm lược Xiêm, Thanh giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn về một mối.

Mảnh đất Tây Sơn thượng đạo là cái nôi đầu tiên của phong trào 3 anh em Tây Sơn giới binh, phất cờ khởi nghĩa và đã lập nên những chiến công hiển hách, viết nên những trang sử hào hùng, chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam anh hùng. Những dấu tích lịch sử trải qua hàng trăm năm ở vùng đất Tây Sơn thượng đạo này vẫn còn in mãi với thời gian. Bên cạnh các địa danh được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử, còn nhiều địa danh khác nữa cũng gắn liền với hoạt động của 3 anh em nhà Tây Sơn như: rừng Mộ Điểu, làng Cổ Yêm, hòn Núi Đất… và những căn nhà cổ một thời trên đất Tây Sơn thượng đạo.

Rừng Mộ Điểu và làng Cổ Yêm khi xưa là khu rừng mênh mông, giữa rừng nổi lên một ngọn đồi như hòn cù lao giữa biển. Mỗi ngày vào buổi chiều, chim rừng thường bay về trú ngụ ở đây. Cũng chính ở vùng đất linh thiêng này anh em nhà Tây Sơn đã gặp tù trưởng Bah Nar và sau đó Nguyễn Nhạc được tù trưởng gả con gái làm vợ kế tức là Cô Hầu.

Di tích "Cánh đồng Cô Hầu" ngày nay vẫn còn giữ ở xã Nghĩa An, An Khê, Gia Lai là một vùng đất rộng đã được khai phá trước đây để làm lương thực chu cấp cho quân lính luyện tập. Còn "Núi Đất" là nơi Nguyễn Nhạc chọn làm nơi ở và cai quản quân binh để sản xuất lương thực của người vợ kế (Cô Hầu). Khi chết, Cô Hầu được chôn cất ở đây và dân làng lập dinh thờ, che chở thoát khỏi sự trả thù hèn hạ của Gia Long nên còn tồn tại đến ngày nay.

Truyền thuyết còn kể, khi lên vùng đất An Khê này, có lần Nguyễn Huệ đi chiêu binh trong vùng người Thượng, có người trong làng nói: "Nếu Nguyễn Huệ dụ được đàn ngựa rằn (ngựa hoang ở rừng) theo mình thì chúng tôi sẽ theo hầu người". Ít ngày sau, Nguyễn Huệ dụ được bầy ngựa hoang bằng cách cho ngựa của mình cởi làm quen với bầy ngựa hoang, sau vài ngày, Nguyễn Huệ gọi ngựa mình về thì đàn ngựa rằn chạy theo. Thấy điều lạ, những người Thuợng đã kính phục tài năng Nguyễn Huệ và xin gia nhập nghĩa quân Tây Sơn ngày càng nhiều…

Cùng với thời gian nhiều điểm Di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo đã trở thành hoang phế. Năm 2006, được Nhà nước đầu tư tu sửa lại những điểm di tích chính và hiện tại vẫn còn nhiều điểm di tích thuộc Khu Di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo chưa đưa tôn tạo. Từ thực tế này, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý triển khai tôn tạo Khu Di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo tại địa bàn thị xã An Khê và các huyện lân cận thuộc tỉnh Gia Lai. Dự án này được hỗ trợ bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010, nhằm tôn tạo Khu Di tích Tây Sơn thượng đạo xứng tầm với tên gọi Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia

Ngọc Như
.
.
.