Tôi thấy cánh buồm, màu đỏ, riêng đơn...

Thứ Tư, 03/10/2012, 11:06
Con đường Bảo đi, cả đường đời lẫn đường giai điệu, không song song với một mạch đi nào của bất kỳ tác giả nào ở Việt Nam hôm nay. Nhưng nó không lạc lõng, không cô độc (bởi có nhiều người dõi theo Bảo lắm), mà nó đơn riêng, như một cánh buồm, màu đỏ, giữa một đại dương bao la và vắng lặng. Hình dung của tôi về Bảo mà một cánh buồm đỏ thắm như thế, bởi tôi không nhìn thấy ở Bảo sự bi quan nào, cho dù, ưu tư của nó, nhiều khi, rất buồn...

“Niềm tin, tình yêu, hạnh phúc...đại loại những điều “xa xỉ” như thế thực sự lại là những mỏ nguồn dễ thấy trong thế giới nghệ thuật. Làm một người chuộng lao động trí óc, vui thích lấm lem với cuộc đào sâu sáng tạo, đến một lúc nào đó bạn sẽ tin chắc rằng việc nghi ngờ sự tồn tại của chúng chỉ là trò ngốc nghếch, là một sự phi lí, một sự thất bại thảm hại, bởi vì thượng đế đã đưa bạn đến đây để bạn xác lập những giá trị ấy, bởi vì bạn là những người ít hời hợt hơn cả. Hoàn toàn không có gì kiêu hãnh hay ảo tưởng ở đây, tôi chỉ thấy đó chỉ là sự phân chia công việc giản dị, những giá trị sống cao đẹp sẽ mất đi khi nghệ thuật không còn nữa, khi những nghệ sĩ bất lực, nhầm lẫn hay lạc lối trước công việc của mình. Thú vị là, trong mỗi người ngành nghề khác, ai cũng vốn có những kênh “nghệ thuật” mà có thể bị khóa mã hoặc bởi tạo hóa phải hạn chế ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm tổ chức các công việc xã hội chung, đa số được mở mã để cảm thụ hay rung động nhẹ trước một bài ca, điệu múa, hay một bức tranh...”*

Tôi không biết mở màn thế nào về con người ấy, vóc dáng ấy, cái ánh mắt biết cười rất khẽ ấy, những ngón tay gầy thuôn dài ấy… bằng chính những dòng mà cậu trai thư sinh đó đã viết. Không biết tự bao giờ, tôi có thói quen đọc rất kỹ, đọc với niềm hứng khởi những gì được viết ra trên facebook của người đó, đọc nhưng không để lại một bàn luận nào, không nhấn một nút “like” thông thường của người dùng trang mạng xã hội kia. Đơn giản, những điều ấy đọng lại trong tôi rất nhiều, khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, thậm chí là đôi khi phải nghiền ngẫm. Để rồi từ những nghiền ngẫm ấy, điều đáng làm hơn cả là phải gặp nhau, ngồi cạnh nhau, nói với nhau một câu chuyện nào xa, bâng quơ nhưng từ đó sẽ khơi được ra mạch nguồn của những suy tư rất lớn.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Nhưng tiếc thay, thời gian biết nhau vẫn còn chưa đủ, sự chạm vào đồng điệu của hai con người chưa xuất hiện, sự thân thiết vẫn còn chưa đến nên tôi vẫn chưa có dịp ngồi cùng người đó một lần thật “sâu”. Nhưng cảm thức ám ảnh đến cùng cực là phải viết một điều gì đó về “nó” cho dù mình chưa hiểu được nó chút nào cứ thôi thúc tôi đặt tay xuống ghi lại những hình dung của mình về con-người-lý-thú kia bất chấp có thể sẽ có những điều sai lệch nào đó với biên độ rất rộng vì thiên kiến. Người ấy là Bảo, Đỗ Bảo, một con người luôn khiến tôi hình dung đến hình ảnh một cánh buồm, đơn riêng, đỏ thắm…

Cuối năm trước, cũng độ này, anh em ngoài Bắc vào Nam làm một concert tour kéo qua nhiều tỉnh, và tất nhiên phải có Sài Gòn. Như lệ thường, họ gọi tôi tới cùng ngồi với nhau trong một trận nhậu trời long đất lở, uống cho méo tiếng, uống cho nghiêng hình. Trong buổi gặp đông đủ ấy, tôi may mắn được ngồi bên Đỗ Bảo và điều khiến tôi bất ngờ là sự nhỏ nhẹ của nó, sự nhỏ nhẹ khiêm nhường. Khi say vào, Bảo cũng quậy vui lắm nhưng nó không bao giờ vượt quá giới hạn khiêm nhường lễ độ ấy. Sự lễ độ của một người có học, không phải cái học ở trường, ở lớp được chứng thực bằng một tấm giấy mà người ta gọi là bằng cấp mà là cái học từ cuộc đời, từ một nền nếp thực sự. Chúng tôi bắt đầu làm quen, bắt đầu hẹn khi nào có dịp sẽ cùng tái ngộ, sẽ còn trò chuyện lâu nữa, dài hơn nữa, và, sâu hơn nữa.

Dịp Tết, tôi về Hà Nội và cũng được anh em band nhạc đó mời đi ăn Tất niên của band mà trong đó, tôi gặp lại Bảo, gặp anh Ngọc Châu, gặp anh Lưu Hà An, Sơn Thạch và cả nhiều anh em nữa. Trong cái lạnh của mùa đông giáp Tết, trong men ấm của vodka, chúng tôi lại có những câu chuyện vui nữa mà nhớ đến đêm ấy, nụ cười lại về trong những lúc mệt nhọc ngồi đánh vật với những mưu sinh thường ngày. Bữa đó cũng chẳng có dịp nói chuyện với Bảo nhiều hơn nhưng tôi lại có dịp thầm quan sát nó hơn, nghe nó kể chuyện và nghe cả tiếng nó cười. Tôi thấy lạ, sao nó trẻ lâu thế, nhìn nó chỉ như một cậu thư sinh mới vào trường nhạc hơn là một nhạc sỹ có tiếng. Và nhìn vào cái dáng mỏng manh, gầy gầy, nước da trắng, mỏng như con gái và đôi mắt rất sáng của Bảo, tôi lại càng không nghĩ đó lại là tác giả của thứ âm nhạc vạm vỡ đến thế.

Tôi thích dùng từ “vạm vỡ” cho âm nhạc của nó bởi có lần, tôi nghe đâu đó, có ai đó nói về sự vạm vỡ trong âm nhạc mà dường như cứ mặc định nó phải là rock, phải có chút gì đó Tây Nguyên hay dân gian. Với tôi, đó là sự vạm vỡ về hình thức mà thôi. Còn sự vạm vỡ trong âm nhạc của Bảo là sự vạm vỡ của tri thức, sự vạm vỡ mà tôi luôn hình dung, như một con tàu, vươn ức, chườm vào sóng mà đi, mà đi…

Gia đình hạnh phúc của Đỗ Bảo.

Một thời gian sau, tôi viết một vài dòng về anh Ngọc Châu, nhân dịp anh quyết tâm chuyển vào Sài Gòn để sống. Tôi vẫn còn nhớ như in “tuyên ngôn” của Bảo về anh Châu hôm nhậu Tất niên kia, một tuyên ngôn rất riêng mà chỉ chúng tôi biết với nhau và đôi khi tôi vẫn mang ra để chọc đùa anh Châu. Bài viết ấy của tôi nhận được phản hồi đầu tiên, từ Bảo, và đó là lời cảm ơn rất thật lòng. Bảo nói, với Bảo anh Châu không chỉ là một người anh mà còn là một người thầy.

Trong những dòng riêng tư tôi và Bảo trao đổi, tôi biết Bảo thương quý anh Châu lắm, sự thương quý vượt qua cả giới hạn của đồng cảm nghề nghiệp. Nó như là sự thương quý của một ngưỡng vọng của đứa em cùng học với người trưởng tràng một thuở. Tôi không biết thể hiện nó sao cho rõ, cho đích xác. Nhưng tôi biết là anh Châu hiểu điều đó và với tôi, như thế là đủ. Sự đan xen của tôi, một ngoại vi, vào trong tình cảm anh-em ấy của họ, nhiều khi sẽ là vô duyên.

Rồi tháng Bảy, tôi gặp lại Bảo ở Huế, trong một đêm vội vã trước khi tôi về Sài Gòn. Cũng không phải là cuộc ngồi nói chuyện riêng nhưng từ đêm đó, tôi đã nhận ra rằng những cảm nhận của tôi về Bảo là đúng. Tôi đã nói, rất nhẹ nhàng rằng: “Em ít nghe lắm phải không Bảo? Nhưng anh tin là em đọc nhiều”. Bảo ngạc nhiên với câu trả lời bằng một câu hỏi khác: “Ơ, sao anh lại biết?”. Tôi chỉ cười. Tôi dám chắc Bảo đọc rất nhiều, bởi nếu không đọc nhiều, vốn từ vựng của nó không tốt đến thế. Còn chuyện nghe ít, thì tôi tưởng tượng ra thôi mà không ngờ lại đúng. Đơn giản, âm nhạc của nó không lẫn vào đâu được và đó là thứ âm nhạc thuần khiết của người không nghe nhiều của người khác nên không bị ảnh hưởng, dù chỉ là theo quán tính, từ những tác giả khác.

Sáng tác của Bảo riêng lắm, không lẫn vào thế hệ cũ và cũng không tương đồng nào với thế hệ mới. Nó có một cõi sống riêng, một sức sinh sôi riêng, một tư duy riêng, sang trọng và nhã nhặn, vạm vỡ mà dịu hiền của những cảm xúc mỏng rất gần với đời sống, như tôi đã từng giật mình nhận ra nhiều lần mình nằm đó, trải dài trong nỗi chán nản, và nhìn thấy thoáng qua bóng người mình yêu đi lướt qua gương, trong một buổi sớm còn vắng vẻ, trong một không gian khép kín tĩnh lặng, và lúc đó vượt ra ngoài những lo toan là một giấc mơ rất mờ, không rõ nét về những điều bình thường nhất.

Tôi chưa bao giờ viết nổi ra một điều bình thường như thế, dù chỉ là bằng văn xuôi, có nhịp điệu đó nhưng không có giai điệu. Còn Bảo, nó đã hát những điều đó, mà tôi vẫn luôn mường tượng ra, trong một căn phòng gác gỗ ở Hà Nội, đối diện cái lò sưởi kiểu Pháp cũ, bên một ô cửa sổ mà phía ngoài nhất quyết phải có màu xanh của một vòm cây gì đó cũng được, Bảo ngồi nghiêng nghiêng bên cây piano, lãng đãng rải tay lên từng phím, khe khẽ hát những bức tình thư của nó. Cái hình dung mường tượng đó, vượt mọi chiều thời gian, đã xuất hiện kể từ khi tôi chưa bao giờ gặp Bảo, chưa bao giờ nhìn sâu vào một chân dung thực sự đời thường của Bảo.

Có một điều tôi luôn ấn tượng về Bảo là khả năng viết của nó rất tốt và những điều nó viết ra rất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và giàu triết tính. Phải thừa nhận, quan sát của Bảo về cuộc sống rất tinh tế và nó dùng từ rất đắt. Tôi còn nhớ, cái cách nó viết về một buổi tối ngẫu nhiên nó đi bên bờ sông Hương những ngày đầu vào làm “Sao mai điểm hẹn” đã khiến tôi chùng lại như thế nào về những thổn thức của cuộc sống ngoài kia, cuộc sống mà đôi khi mình bỏ quên vì sự vô tình của bản thân mình. Rồi tôi tiếc cho Bảo. Nó lẽ ra có thể là một nhà văn song song với một nhạc sỹ đơn thuần. Và nếu được quyền chọn một người viết phê bình âm nhạc cho một tạp chí nào đó, tôi nhất thiết sẽ phải thuyết phục Bảo là người cầm bút. Bảo, với tôi, như một Rimbaud trong đời sống âm nhạc Việt Nam hôm nay, một Rimbaud của nhạc nhẹ của thế hệ mới, thế hệ mà có khi không mấy người biết đến Rimbaud.

Con đường Bảo đi, cả đường đời lẫn đường giai điệu, không song song với một mạch đi nào của bất kỳ tác giả nào ở Việt Nam hôm nay. Nhưng nó không lạc lõng, không cô độc (bởi có nhiều người dõi theo Bảo lắm), mà nó đơn riêng, như một cánh buồm, màu đỏ, giữa một đại dương bao la và vắng lặng. Hình dung của tôi về Bảo mà một cánh buồm đỏ thắm như thế, bởi tôi không nhìn thấy ở Bảo sự bi quan nào, cho dù, ưu tư của nó, nhiều khi, rất buồn…

Tôi vẫn có một giấc mơ ám ảnh mình bao nhiêu năm nay, đó là mơ được làm một con thuyền mất tích, không còn la bàn, không còn trí nhớ cũ và cũng không ai nhớ đến tôi là ai. Nhưng tôi chợt muốn, trong hành trình của con thuyền tôi, mất tích, vẫn sẽ gặp cánh buồm, màu đỏ, đơn riêng, của Bảo ở đâu đó trên hành trình của mình. Để tôi, chùng mình lại, nhìn cách nó vươn ức chườm lên sóng, mà trôi, mà trôi, vượt ra ngoài những đường biên tận cùng của đường biên…

* Trích từ điều Đỗ Bảo đã viết

Hà Quang Minh (An ninh thế giới cuối tháng số 133)
.
.
.