Tôi sợ ngồi xem ở rạp

Thứ Sáu, 14/01/2005, 07:03

Người xưa có câu "Chim sẻ thì không bao giờ hiểu được ý của đại bàng". Trong những trường hợp như thế, tôi rất sợ ngồi xem ở rạp. Tuy không dám nghĩ một số người là "chim sẻ", nhưng ở một tình huống lẽ ra nên khóc thì họ lại cười và lẽ ra cần phải nán lại ít phút để động viên các nghệ sĩ thì họ lại bỏ về, mới thấy cách cảm thụ nghệ thuật cũng có nhiều điều đáng nói...

Một nhà phê bình văn học đã nói rằng, một bài thơ hay hay dở là do người bình. Một tác phẩm văn học nói riêng và các tác phẩm nghệ thuật nói chung cũng vậy. Sự đánh giá cuối cùng bao giờ cũng thuộc về khán giả. Và, tất nhiên, không phải cứ đông người thưởng thức đã là hay, bởi khán giả bao nhiêu người là bấy nhiêu cảm xúc, bấy nhiêu cách thể hiện tình cảm đối với một tác phẩm nghệ thuật. Nên không hẳn những ý tưởng mà tác giả muốn gửi gắm trong tác phẩm lại được đồng loạt khán giả hưởng ứng.

Đạo diễn Lê Hoàng có lẽ sẽ chỉ cười khẩy khi nghe dư luận nhận xét về những bộ phim của anh, bởi anh biết anh làm phim cho đối tượng nào và người phê bình anh cũng thuộc đối tượng nào. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có khán giả riêng của mình, vì thế Lê Hoàng vẫn làm những gì mình thích dù anh biết rõ, đông người xem chưa hẳn đã là hay.

Người ta sẽ không đưa Gái nhảy hoặc Lọ Lem hè phố vào chiếu trong Nhà hát lớn. Ai cũng biết rõ điều đó, vì họ và Lê Hoàng vốn chấp nhận đó là những sản phẩm văn hóa thương mại. Cũng không ai so sánh Gái nhảy với Người đàn bà uống rượu - một vở kịch nói về đề tài chiến tranh đang được dư luận chú ý hiện nay, bởi chắc rằng lớp khán giả mà Người đàn bà uống rượu hướng tới sẽ rất khác lớp khán giả mà Gái nhảy trông đợi.

Một nhà thơ đã nói: "Sợ nhất là ai đó không hiểu mình". Tôi cũng có thể hiểu được rằng, cha đẻ của những "đứa con tinh thần" sẽ rất buồn nếu tác phẩm của mình không làm vừa lòng công chúng, khi mà ý tưởng của họ đưa ra là khó hiểu đối với ai đó. Khán giả tất nhiên có lý riêng của họ, bởi vì khán giả của Người đàn bà uống rượu có thể sẽ ngồi xem Gái nhảy, nhưng không phải là để giải trí mà để ngẫm nghĩ, còn khán giả của Gái nhảy thì rất khó mà kiên nhẫn ngồi xem hết Người đàn bà uống rượu - một loại hình nghệ thuật cổ điển, hơn nữa lại đề cập đến một đề tài vốn được coi là cũ: Chiến tranh.

Còn tình yêu nào lớn hơn tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu giữa con người với con người. Đã có nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh nhưng quả thực, tác giả của Người đàn bà uống rượu đã có cách thể hiện khoảnh khắc chiến tranh thật mới và gây xúc động người xem. Hai cô gái thanh niên xung phong đã tự nguyện dâng hiến cho hai chiến sĩ cảm tử trong đêm cuối cùng trước khi họ ra trận thực hiện một nhiệm vụ cao cả và đầy vinh quang. Chỉ sáng mai thôi là họ sẽ vĩnh viễn về với đất mẹ. Họ đi vào cái chết như một cuộc dạo chơi vì họ biết sự hy sinh của mình thật có ý nghĩa.

Tiếc rằng, cái ý tưởng nhân văn sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm trong phân đoạn này: Còn hơn cả tình yêu lứa đôi đó là tình yêu Tổ quốc, là tình người với người, là vượt qua cái đạo đức giả bấy lâu nay người ta dù không muốn nhưng vẫn cố gồng lên để trói mình vào thì lại có một số người không hiểu nổi. Bên cạnh tôi lúc ấy đã nghe tiếng xì xào. Và, tôi đã hơn một lần dựng tóc gáy, nhưng không phải là cái cảm giác của một nhà báo nổi tiếng khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Lũng Cú, khi nghe thấy đôi ba lời ấy. Thật sự là một cảm giác buồn xâm chiếm, khi vài cô cậu rủ nhau về sớm vì họ không thấy vở kịch có cảnh nào hiện đại, diễn viên không điện thoại di động đời mới, không quần áo hàng hiệu, mà từ đầu đến cuối chỉ có trang phục người lính với đôi dép cao su...

Chiến tranh là đề tài cũ ư? Tôi không nghĩ thế. Dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục sinh tồn, những đứa trẻ vẫn sẽ lớn lên và chúng vẫn cần phải biết cha ông chúng đã trải qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc gian khổ như thế nào. Một con người sẽ không thể hoàn thiện về nhân cách nếu họ cố tình quên quá khứ của dân tộc. Chúng sẽ chỉ biết hưởng thụ mà không biết rằng mình phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Tổ quốc.

Xã hội vẫn còn nhiều lắm những Người đàn bà uống rượu và trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải bù đắp những hy sinh, mất mát mà họ đã hiến dâng cho Tổ quốc - đó cũng là thông điệp mà tác giả muốn nói đối với những ai còn đang mơ hồ mà muốn quên đi quá khứ. Nhắc lại chiến tranh để nhắn nhủ với những người đang được hưởng một xã hội hòa bình phải đối xử với nhau bằng tình người cũng là việc nên làm lắm chứ

Đinh Hiền
.
.
.