Tôi nghĩ nhạc sĩ Tân Huyền vẫn sống

Chủ Nhật, 15/06/2008, 17:05
Tôi biết đến bài hát "Nhớ về quê em" của nhạc sĩ Tân Huyền trước khi gặp ông; sau này chúng tôi là những người bạn của nhau. Ngay khi còn là sinh viên sư phạm ở vùng tự do khu IV cũ những năm kháng chiến chống Pháp, ông đã sáng tác một số ca khúc, trong đó có bài: "Nhớ về quê em".
>> Tác giả của "Cỏ non Thành cổ" về cõi vĩnh hằng

Trước khi đến với âm nhạc có một thời ông đã từng đi dạy học, và âm nhạc với ông như một thiên chức, một cơ duyên, nên phong cách một nhà giáo luôn thể hiện trong sinh hoạt, nếp nghĩ và việc làm của ông.

Trong ứng xử hàng ngày với bạn bè, người thân, ông ít nói, ít đùa vui. Thường ông luôn lắng nghe ý kiến của những người đối thoại với mình một cách trân trọng để suy nghĩ một điều gì đó, nếu cần ông sẽ phát biểu hoặc đưa ra một vài nhận xét, tuy nhiên ông thường yên lặng.

Sau những năm hoà bình 1954 một thời gian, ông làm công tác nghiên cứu sưu tầm âm nhạc, bên cạnh đó vẫn tiếp tục công việc của một nhạc sĩ sáng tác.

Công chúng yêu nhạc đã biết đến bài hát: "Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc" của ông sáng tác năm 1965 nhân kỉ niệm lần thứ 20 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi lại một chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc với cảm xúc dạt dào yêu thương. Giai điệu mở đầu hào sảng:

"Trên Quảng trường Ba Đình hai mươi năm trước.

Lời dạy Bác Hồ tuyên ngôn dựng nước

Nước Việt Nam ta từ trong gian khổ sinh ra

Tầm vông đứng dậy quê ta, đi theo tiếng gọi của Đảng

Ta đã đạp bằng sóng gió chông gai viết tiếp nên trang sử mới…".

Và cũng ở thời điểm này, khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, người con xứ Nghệ một lần nữa lại viết một ca khúc về quê hương, đó là bài: “Tiếng hò trên đất Nghệ An”, một khúc hùng ca sâu lắng thể hiện truyền thống kiên cường bất khuất của nhân dân xứ Nghệ:

"Tiếng ai hò trên quê ta đó nhặt khoan. Ấy tiếng dân quân luyện tập giữ làng, giữ trời Xôviết Nghệ An…".

Bài hát có sức cổ vũ mạnh mẽ quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khó hy sinh:

"Nước sông Lam biết khi mô cho cạn cũng như tinh thần cách mạng của dân ta.

Dù cho bão nổi mưa sa, Nghệ An Xôviết vẫn là Nghệ An…".

Năm tháng đã qua đi, lịch sử của dân tộc, của mỗi miền quê hương cũng như tình cảm yêu thương của mỗi người chúng ta được ghi lại trên từng cung bậc thanh âm, lắng đọng trong tâm hồn mỗi người, sống mãi cùng tháng năm.

Nhiều ca khúc của Tân Huyền đã để lại dấu ấn đó…

Cái tôi nghệ sĩ trong ông đã hoà vào cái chung của chúng ta, của thời đại, là tài sản quý giá mà những nhạc sĩ của nhiều thế hệ đã để lại cho đời, cho đất nước.

Nhạc sĩ Tân Huyền đã để lại dấu ấn của mình trên nhiều lĩnh vực, nổi lên vẫn là tình yêu quê hương đất nước. Với vùng than, ông có "Đường đi lên mỏ", "Ở vùng than chúng tôi". Các miền quê hương khác ông có: "Khi trở lại Cao Bằng", "Một mình với sông La", "Có một chiều như thế Hồ Gươm".

Đặc biệt với Quảng Trị, ông đã có nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó có "Cỏ non thành cổ".

Công chúng yêu nhạc đã biết nhiều bài hát về thương binh liệt sĩ, nhưng ở bài "Cỏ non thành cổ" tác giả như đối thoại với chính mình về lẽ sống, tình đời, về lòng biết ơn sâu sắc của mỗi người chúng ta với những Anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Âm nhạc như hồi chuông ngân xa, như khúc tưởng niệm, với lời ca giàu hình tượng, súc tích:

"Cỏ non thành cổ, một màu xanh non tơ

Bình minh thành cổ, dập dờn trong gió đong đưa

Bình minh thành cổ, một màu xanh non tơ

Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ

Cho tôi hôm nay vào thành cổ, thắp một nén nhang cho người nằm dưới cỏ…"

Âm nhạc có sức truyền tải kì diệu bi tráng mà hào hùng sâu lắng, mà thiết tha.

Cỏ non thành cổ được nhắc đi nhắc lại với màu xanh non tơ, có lẽ đó là tình cảm yêu thương và biết ơn vô hạn của ông, và cũng là lời nhắn nhủ cho thế hệ mai sau về lịch sử dân tộc những năm kháng chiến cứu nước.

Nhạc sĩ Tân Huyền đã vượt qua tuổi xưa nay hiếm và gần tới bát thập vi tiên!

Nhiều tháng trở lại đây, ông phải vào bệnh viện một vài lần.

Điều buồn đối với ông là ở bệnh viện mỗi ngày chỉ được uống một chai bia cho mỗi bữa ăn.

Trước đây hơn một tuần, tôi đến thăm ông sự thực đã thay đổi quá nhiều, ông nằm trên giường mỉm cười giơ tay chào tôi nhưng không nói và yên lặng như ông thường yên lặng.

Thế rồi một ngày thứ Sáu 13/6, ngày mà ông không thích nói đến đã đến với ông lúc ông vĩnh viễn đi xa; và sinh thời ông không muốn nghĩ và nói đến cái chết!

Là bạn của ông lúc này, tôi nghĩ ÔNG VẪN SỐNG, tác phẩm của ông còn mãi mãi trong lòng người yêu nhạc và yêu ông

Ngày 14/6/2008

Nhạc sĩ Văn Dung
.
.
.