Tình yêu và sự bất tử

Chủ Nhật, 07/02/2010, 09:36
Nếu có tình yêu, tức là ta có khả năng nhìn ra cái đẹp của thế giới. Và ta sẽ có cơ hội trở nên bất tử, ngoài sự kiềm tỏa của những điều kiện vật chất bẩm sinh...

Những người mê tín cho rằng năm Canh Dần là năm sinh của những người mà đàn ông thì cô đơn, đàn bà thì cô quả… Tôi không mê tín nên tôi không nghĩ thế vì thực tế là có rất nhiều thí dụ đời thực ngược lại với định kiến trên. Tôi càng không tin vào định kiến trên khi nhìn vào lịch và thấy, ngày mùng một Tết Canh Dần này sẽ trùng với ngày 14-2 dương lịch, tức là Ngày Tình yêu, Ngày Valentine, theo quan niệm của người phương Tây. Đây có lẽ cũng là một tín hiệu tốt cho năm Canh Dần này và cũng là một cái cớ tốt để đọc lại những bài thơ tình yêu hay, hay ôn lại những câu nói chí lý …

Tôi chợt nhớ tới một câu nói của nhà văn Pháp Voltaire: "Chân lý cuối cùng trên cõi thế này là tình yêu".  Và tôi muốn nói thêm là, có lẽ sự cứu rỗi cuối cùng đối với chúng ta trên cõi thế này cũng là tình yêu. Tình yêu giúp chúng ta trở nên tinh tế hơn và nếu may mắn, có thể cảm nhận được những rung động dù chỉ mới mơ hồ nhất ngay ở buổi đầu đời. Như trong bài thơ sau đây của nhà thơ Tây Ban Nha Juan Ramon Jimenez (1881-1958), người từng được trao giải Nobel văn chương năm 1956:

"Có một lần tôi đã nói bâng quơ
Nhưng cô bé chắc là nghe thấy
Rằng tôi thích tình yêu khi xuân tới
Chỉ mặc tuyền váy áo trắng tinh khôi.

E lệ ngước đôi mắt xanh trong vắt,
Thoáng phút giây cô bé lặng nhìn tôi
Và gương mặt ngây thơ nhẹ nhõm
Nở nụ cười buồn khẽ trên môi.

Tự buổi ấy tháng Năm nào cũng vậy,
Mỗi lần tôi qua phố lúc chiều sang
Tôi đều thấy cô bé bên cạnh cửa
Trong bộ đồ màu trắng đứng nghiêm trang…"

Chao ôi, cái sự rụt rè e ấp của cái thời "tình trong như đã, mặt ngoài còn e" (Nguyễn Du)! Sinh sau Kiều đến vài trăm năm mà cô bé Tây Ban Nha trong thơ của Juan Ramon Himenez vẫn còn giữ được cái ý nhị đến nao lòng thi sĩ. Nhưng đã yêu rồi thì thực khó giấu lòng mình. Biểu tượng trong trắng mà em muốn chàng trai trẻ thấu hiểu vừa thanh tân vừa mỏng mảnh làm sao. Và còn quá ý nhị nữa, không dễ cậu bé nào cũng hiểu được. Và chính vì thế, trôi đi trong mạch cảm xúc đầu đời, nhân vật trữ tình trong thơ Juan Ramon Himenez ở tuổi chớm thanh xuân đã khá dễ dàng để lỡ đi một cơ hội "yêu là hô hấp thiêng liêng cái không khí thiên đường" như văn hào Pháp Victor Hugo từng nhận xét.

Và đây là bài thơ, cũng của Juan Ramon Himenez, viết về chuyến ra đi bất định của chàng trai, đang háo hức quá nhiều điều mới lạ và hấp dẫn mà không biết rằng, đôi khi cái thiết thân với ta nhất lại chính là cái ta đang sở hữu như kho báu mà ta đâu ngờ được:

"Khi tôi nói với nàng tối ấy
Sớm mai tôi sẽ đi xa,
Nàng nhìn tôi, nụ cười hé nở,
Nhưng trông sao kỳ lạ, mơ hồ.

Anh đi xa làm gì? - nàng hỏi.
Ở quê mình quá đỗi bình yên,
Làng xóm với ruộng đồng buồn tẻ
Như chính ta đang chết im lìm.

Anh đi xa làm gì? -
                                
Tôi ngỡ
Trái tim vang tiếng thét ngay giờ,
Tôi muốn nói, môi không thể mở,
Tôi muốn kêu mà lặng như tờ.

Anh sẽ đến nơi nào?
                                     
Anh sẽ
Đến nơi nào trời đêm thêm cao,
Đến nơi nào không im ắng thế
Và sao không chi chít trên đầu.

Đôi mắt nàng chìm vào thăm thẳm
Bầu lặng yên tịch mịch vô bờ.
Và thẫn thờ, nàng thôi chẳng hỏi,
Nụ cười sao kỳ lạ, mơ hồ..."

May mà chàng trai mang một tâm hồn thi sĩ bẩm sinh nên đã mơ hồ cảm nhận được phần nào những mất mát của mình khi rời bỏ quê hương lên đường vào viễn xứ. Và than ôi, càng theo đuổi những ảo ảnh phù hoa thì hạnh phúc thực của đời ta càng xa xôi, như thể ta đang bị cuốn theo những con đường hoàng hôn tê dại, như chính Juan Ramon Himenez đã viết:

"Những con đường hoàng hôn
hoá thân cùng bóng tối,
lối anh đi về em
biết bao giờ mới tới?

Lối anh đi về em
như ban mai xa ngái,
như tiếng gió vọng lại,
như cỏ phổi nhoà hương..."

Tình yêu như mặt trời, ta càng tưởng ta đang tiến lại gần thì nó lại càng lùi ra xa ta. Tình yêu như hương cỏ, khó có thể đọc vị ra rành rẽ… Và sống với một trái tim luôn dào dạt yêu đương thực khó ở, vì phải luôn ở giữa những xung động bất tận của trạng thái mất cân bằng, không trọng lượng… Nhưng nếu không có tình yêu thì ta không thể nhìn ra cái đẹp của cuộc đời này, của trần gian này, của nhân loại này.

Và nếu ta không nhìn ra cái đẹp của cuộc đời này, của trần gian này, của nhân loại này, thì tức là ta sẽ trở nên hữu hạn như chính năm tháng của cuộc đời mình, ta sẽ trở nên bị động như chính những định kiến nghìn năm về định mệnh tuổi tác. Và như vậy, tức là ta đã thất bại khi được có cơ hội ít ra là một lần làm người. Còn nếu có tình yêu, tức là ta có khả năng nhìn ra cái đẹp của thế giới. Và ta sẽ có cơ hội trở nên bất tử, ngoài sự kiềm tỏa của những điều kiện vật chất bẩm sinh.

Về điều này, nhà thơ Tây Ban Nha Juan Ramon Himenez cũng đã từng viết, khi ông nói lên cảm xúc của ông trong một buổi chiều:

"Buổi chiều ngắn ngủi như đời
Lặng lẽ tới đây từ giã.
Những điều thân thuộc mất rồi,
Nhưng tôi muốn mình bất tử.

Hoàng hôn tới tự chân trời
Đốt vườn cây vàng chói lá.
Và bắt lòng tôi rã rời,
Nhưng tôi muốn mình bất tử.

Những tuyệt vời ta đang thấy
Thực ra đã lụi bao giờ?
Hãy là vĩnh viễn chiều ơi,
Tôi sẽ muôn đời bất tử!..".

Ngày 6/2/2010

*Các bản dịch thơ Juan Ramon Himenez do nhà thơ Hồng Thanh Quang thực hiện từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha (có tham khảo bản dịch tiếng Nga).

*Tìm đọc bài báo này và các tác phẩm khác của nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang trên website: http://hongthanhquang.vn

.
.
.