Tính thời đại trong kịch của tài hoa Lưu Quang Vũ

Thứ Sáu, 06/09/2013, 09:44
Không chỉ là một nhà thơ với những câu thơ tài hoa, bay bổng, Lưu Quang Vũ còn là một nhà biên kịch xuất sắc của sân khấu nước nhà. Trong khoảng 10 năm ở đỉnh cao sự nghiệp, ông đã sáng tác hơn 50 kịch bản, ở nhiều thể loại: kịch nói, chèo, hát mới. Cho đến nay, chưa tác giả nào vượt được Lưu Quang Vũ cả về số lượng và chất lượng tác phẩm. Cũng bởi thế, năm tháng dẫu trôi qua, mà khoảng trống Lưu Quang Vũ để lại cho sân khấu vẫn không dễ lấp đầy.

Với một sự nghiệp mang tầm vóc, Lưu Quang Vũ đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó chính là lý do để lần đầu tiên ở Việt Nam, một Liên hoan đặc biệt, chỉ gồm các vở diễn của một tác giả là Lưu Quang Vũ, sẽ diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 9 đến 15/9. Sự kiện này do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (NSSKVN) và Bộ VH, TT&DL phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh người nghệ sĩ tài hoa mà tên tuổi còn lắng mãi với thời gian, nhân 25 năm ngày mất của ông.

Trong cuộc họp báo ngày 4/9, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSKVN, cho biết thêm về Liên hoan này: “Ngoài Lưu Quang Vũ, sân khấu Việt Nam còn có các nhà biên kịch Tất Đạt, Xuân Trình cũng có số lượng tác phẩm được dàn dựng nhiều. Nhưng chúng tôi lựa chọn kịch Lưu Quang Vũ vì những vấn đề ông đề cập trong các tác phẩm không chỉ gắn với tính thời sự của đời sống xã hội thời điểm ấy, mà còn mang tính thời đại của hôm nay”.

Trong dịp liên hoan, còn có một hội thảo khoa học về những đóng góp của Lưu Quang Vũ với sân khấu Việt Nam, dựa trên kết quả điều tra xã hội học về các vở kịch của Lưu Quang Vũ: Đạo diễn nào dựng nhiều nhất, số lượng khán giả, các công trình nghiên cứu…

Cảnh trong vở "Mùa hạ cuối cùng" (kịch bản Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Chí Trung).

Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ là một cơ hội để các đơn vị nghệ thuật tìm lại khán giả, cũng như học hỏi các thủ pháp nghệ thuật và ý tưởng của tác giả, nên đã hưởng ứng nhiệt tình. Vì thế, theo NSND Lê Tiến Thọ, có 12 vở diễn thuộc nhiều loại hình: kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, kịch hình thể, của 8 nhà hát trong cả nước cùng hàng trăm nghệ sĩ tham dự sự kiện văn hóa này.

Điều đặc biệt nữa, theo nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật – biểu diễn: Để tham dự liên hoan, các nhà hát đều tự bỏ tiền dàn dựng các vở diễn, cũng như kinh phí đi lại, ăn ở trong thời gian liên hoan. Nhưng một số đơn vị tin rằng, kịch của Lưu Quang Vũ sẽ tiếp tục được công chúng đón nhận, nên đã cùng lúc dàn dựng nhiều vở, như Nhà hát Tuổi trẻ với 3 vở: “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng” và “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (kịch hình thể), Nhà hát Chèo Hà Nội dựng 2 vở “Nàng Sita” và “Ngọc Hân công chúa”, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng dựng 2 vở “Ông không phải bố tôi” và “Trái tim trong trắng”… Đây cũng là cơ hội cho khán giả được nghe, được xem những điều tâm đắc trên sân khấu, qua các vở diễn mà gần 3 thập kỷ trước, từng phải rất khó khăn mới có được tấm vé vào rạp.

NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cũng chia sẻ: Dẫu được viết cách đây 25 năm, nhưng những vấn đề Lưu Quang Vũ đặt ra trong các kịch bản còn nóng hổi, thậm chí, còn đúng hơn rất nhiều so với thời điểm ông sáng tác. Khi đó, Lưu Quang Vũ hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi: khán giả, thời điểm xã hội, đời sống sân khấu, nhất là tài năng đã giúp ông trả lời được câu hỏi: “Khán giả thật sự quan tâm tới cái gì?”- điều mà hiện nay, nhiều tác giả vẫn loay hoay. Vì thế, từng có khoảng thời gian dài, các kịch bản đậm chất hiện thực và giàu tính nhân văn của Lưu Quang Vũ gần như “thống lĩnh” sân khấu cả nước. Nhiều vở được nhiều đoàn cùng dựng và không ít vở đã giành huy chương vàng trong các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp.

Một phần tư thế kỷ trôi qua, chúng ta đã có đủ độ lùi thời gian để đánh giá khách quan những đóng góp của Lưu Quang Vũ, và rồi, vẫn nhận ra chân giá trị trong những vấn đề mà ông đặt ra ở mỗi tác phẩm, đó là giá trị đạo đức, tính nhân văn, lòng trung thực. Điều này cũng chứng tỏ tính tư tưởng, tính dự báo ở nhà viết kịch tài ba này. Đây cũng là điều đáng để các nhà làm sân khấu hôm nay suy ngẫm.

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội NSSKVN chia sẻ: Trong bối cảnh sân khấu hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chúng tôi hy vọng, với những vở diễn xuất sắc của Lưu Quang Vũ, Liên hoan sẽ tạo được sức hấp dẫn để hâm nóng tình yêu sân khấu với người xem, thu hút được một lượng khán giả trẻ từng nghe về “hiện tượng kịch Lưu Quang Vũ” nhưng chưa có cơ hội thưởng thức, đồng thời, lôi cuốn được lớp khán giả từng yêu thích kịch Lưu Quang Vũ gần 30 năm trước tiếp tục rung động và trăn trở trước những vấn đề mang tính xã hội mà tác giả đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng vẫn như thể đang nói với hôm nay

Thanh Hằng
.
.
.