Tình cờ đọc Truyện Kiều

Thứ Bảy, 07/05/2005, 08:29

Một trang giấy xé ra từ tập Truyện Kiều được người ta dùng để gói xôi. Thi phẩm tuyệt tác ấy có lẽ nào lại bị người ta đối xử bất công đến vậy và trong dòng chảy bất tận của cuộc mưu sinh không bờ bến, còn ai đau với nỗi đau của Nguyễn Du hay dù một chút thôi xót thương phận nàng Kiều?

Hồi còn ở quê, cái giá sách của ông nội tôi nằm ở một góc lặng lẽ. Cô chú tôi mải buôn bán kiếm sống nên chẳng ai có thời gian ngó ngàng tới, thành ra giá sách phủ đầy bụi, tôi tò mò lần giở những cuốn sách cũ đã bị mối xông, thoảng một mùi ẩm mốc. Cô chú tôi không cho đụng vào sách của ông, thế nhưng, rình những lúc không có ai ở nhà, tôi vẫn lén lấy ra đọc. Ngày ấy, tivi không có, phim ảnh cũng không, vì thế tôi đọc nghiến ngấu tất cả những Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm... Tôi quá nhỏ để hiểu rằng, hơn hai trăm năm trước, thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu cơ cực đủ bề, mà chỉ có những tấm lòng trượng phu như Nguyễn Du mới có thể cảm thông và yêu thương trân trọng người phụ nữ đến thế.

Hồi ấy, tôi không hiểu tại sao ông nội lại yêu quý giá sách đến vậy, ông dùng một chiếc chổi lông gà hàng ngày phẩy bụi và bảo tôi chưa nên đọc vội những cuốn sách ấy. Có lẽ, ông không muốn một tâm hồn non nớt như tôi hồi ấy bị ám ảnh bởi những đớn đau của một kiếp người như nàng Kiều. Ông sợ, biết đâu đấy, mệnh nàng Kiều lại vận vào cháu ông. Người già có lý của họ mà những người trẻ không dễ gì hiểu và cảm thông được.

Rồi ông tôi mất. Trong hành trang của người về nơi chín suối, tôi hiểu rằng có những trang Kiều đã thấm đẫm nước mắt mà con người ta chỉ khi đã sống trọn kiếp nhân sinh mới có thể cảm nhận hết được. Bà nội tôi không biết chữ nhưng Truyện Kiều thì bà thuộc lòng. Tôi say giấc trong những câu thơ êm ái mà cũng đau đáu nhân tình thế thái của bà. Bà thường nói với tôi rằng, đời người ngắn lắm và phận người đàn bà càng mỏng hơn. Là người phụ nữ mà phải sống với người mình không yêu thì đó là một cực hình. Tôi không biết chất chứa trong câu nói xa xôi của bà là gì nhưng láng máng hiểu rằng, mẹ bỏ tôi lại cho bà nội nuôi không phải vì mẹ ghét bỏ tôi mà vì mẹ không thể sống cùng cha tôi - một người đàn ông mẹ không hề yêu thương. Hôn nhân của cha mẹ tôi là do sự sắp đặt và nghe đâu, cho đến trước khi nhắm mắt, ông nội tôi vẫn còn day dứt về chuyện ấy lắm. Dù sao thì mẹ tôi cũng không có đức hy sinh của nàng Kiều, bà nội nói thế.

Bây giờ khi đã trưởng thành, hình ảnh nàng Kiều vẫn còn ám ảnh tôi, nhưng hình ảnh ấy không còn đẹp và thơ mộng như: "Dưới cầu nước chảy trong veo / Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha" nữa. Tôi đã gặp những nàng Kiều hiện đại, bán mình chẳng phải vì một chữ "hiếu", những "nàng Kiều" bên bàn nhậu, trong quán bar, karaoke, những nàng Kiều biết vòi vĩnh các "đại gia" "bỏ tiền mua lấy tiếng cười". Và những đấng nam nhi, ít lắm những Từ Hải, những Kim Trọng. Họ đối xử với nhau không có nổi một chữ "tình".

Tháng 3 thanh minh về quê. Tôi nhào vào góc nhà quen thuộc nhưng xa lắc gần chục năm nay, giá sách phủ bụi ngày ấy giờ đã được chú tôi thay mới bằng một chiếc tủ tường trông thật diêm dúa và kênh kiệu. Cô tôi đón tôi bằng câu chào nhưng cũng là hỏi nghe nhưng nhức: "Lâu nay, mẹ mày có hay về thăm không?". Tôi không trả lời vì hiểu rằng, cô nào có hạnh phúc gì hơn mẹ tôi. Đến bây giờ đã cận kề tuổi 50, cô vẫn một mình. Có lẽ, bà tôi đã đúng, người phụ nữ không được yêu còn bất hạnh hơn cả kiếp sống với những mối tình chìm nổi của nàng Kiều. Cuốn Truyện Kiều ông tôi hay gối đầu giường giờ không biết lưu lạc nơi nào hay đã trở thành vật dụng để người ta gói xôi? Cuộc đời cô Kiều chìm nổi rồi mai này có ai buồn đếm xỉa?

Linh Chi
.
.
.