Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Tuyết thực hiện hai cuốn sách Phật:

Tình ca Quán Âm & Phật giáo trong lòng dân tộc

Chủ Nhật, 11/05/2008, 19:20
Nhiều năm qua, nghệ sĩ - Tiến sĩ Bạch Tuyết đã nỗ lực thực hiện hai cuốn sách mang tên "Tình ca Quán Âm" và "Phật giáo trong lòng dân tộc" để đưa đạo Phật càng gần gũi hơn với quần chúng. Hai ấn phẩm này được phát hành dịp lễ Phật đản, đặc biệt trùng vào thời gian diễn ra Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK.

"Tình ca Quán Âm" là một tác phẩm của Thượng tọa Thích Phước Ân, hiện trụ trì tại Quán Âm Sơn Đạo Tràng, Auckland, New Zealand, và được nghệ sĩ Bạch Tuyết chuyển thể thành trường ca cải lương.

Trong lời nói đầu cuốn sách, Thượng tọa Thích Phước Ân viết: "Đức Quán Thế Âm là hình ảnh trung hậu về lý tưởng Bồ tát. Sự linh hiển của Ngài từ người bình dân cho đến các bậc thức giả, ai cũng từng nghe từng biết đến danh hiệu, đồng thời công nhận tấm lòng độ lượng cứu độ của Ngài mỗi khi chúng sanh vọng tiếng khẩn cầu bi thiết".

"Từ tâm Bồ Tát đã thiết định Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh (…) nội dung khúc chiết sâu sắc giúp chúng sinh tự phám phá mình, nhận ra khả năng có sẵn nơi mình, bản lai diện mục của chính mình. Từ đó chúng sinh tự biết tìm cách giúp người, cứu người, cứu mình giải thoát mình khỏi mọi nỗi lo âu sợ hãi trước những đổi thay thế sự, những thay đổi của lòng người…".

"Tình ca Quán Âm" được TS - NSƯT Bạch Tuyết chuyển thể cải lương, chính là cách hiểu và suy tưởng bài kinh Bát Nhã qua sự thể hiện bằng loại hình nghệ thuật truyền thống rất thân thuộc với người Việt Nam. Những lời kinh được hát lên, cả một cuốn kinh được truyền tải trọn vẹn qua lời ca ngọt ngào của "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết đã khiến những giáo lý thâm sâu của nhà Phật trở nên gần gũi hơn với quần chúng.

Từ tác phẩm "Phật giáo với dân tộc" của Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ, Tiến sĩ - NSƯT Bạch Tuyết đã chuyển thể thành bản trường ca cải lương lược lại những thiên sử thi bi tráng của dân tộc ta đi cùng với sự phát triển của Phật giáo trên lãnh thổ Việt Nam.

Về Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ, suốt đời Ngài đều dốc hết sức mình lo cho Phật pháp, đặc biệt là làm sống lại Thiền tông Việt Nam có từ đời nhà Trần, mà Tổ sư chính là Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Ngài đã thành lập nhiều thiền viện trên cả nước, làm nơi giáo hoá và hướng dẫn tu hành, với ước mong Thiền tông Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ trở lại trong thế kỷ XX - XXI.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết là một Phật tử, và tự nhận mình là "học trò nhỏ" của hệ Triết học - Phật giáo Thiền tông phái Trúc Lâm Việt Nam. Với bản chuyển thể cải lương cuốn “Phật giáo với dân tộc”, nghệ sĩ Bạch Tuyết trần tình trong lời tự sự đầu sách: "Dùng chìa khoá nghệ thuật dân tộc để giải mã triết học - tư tưởng Phật giáo Thiền tông Trúc Lâm là một lộ trình kép bởi điểm xuất phát và điểm mở cuối cùng lại chính là văn hoá, là dân tộc. Một cuộc hẹn đã thành hình giữa văn hoá Việt, Phật giáo Việt và nghệ thuật cải lương đã đến trong tôi từ đó, thúc đẩy tôi thực hiện công trình này".

Qua từng dòng chữ, từng lời ca, với những làn điều rất thân thuộc, từng trang sử Việt được lật lại, vốn quý văn hoá Việt được khơi gợi và những tư tưởng Thiền tông Việt Nam hiển lộ trong sáng.

Đặc biệt, cả hai cuốn sách có kèm CD MP3 toàn bộ bản trường ca qua giọng ca của "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết

Thiên An
.
.
.