Trước thềm Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII

Tình bạn với văn chương

Thứ Sáu, 15/04/2005, 09:58

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII được triệu tập vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bởi thế, lòng tôi xao xuyến nhớ đến những người bạn, những cặp bạn, những nhóm bạn, người còn người mất của cuộc chiến ác liệt vừa qua.

Tháng một năm 1975 ở Tây Ninh, nhà văn Lê Văn Thảo có tặng tôi cây bút Hồng Hà của nhà thơ Lê Anh Xuân và tôi được biết câu chuyện cảm động về tình bạn giữa hai người. Tôi cũng đã từng chứng kiến cái lán nhỏ cuối cùng mà nhà văn Nguyễn Thi đã ở, lưu giữ tình bạn của Nguyễn Thi và nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Kết thúc chiến tranh vài năm, tôi về sống ở ngõ Yên Thế, Hà Nội. Căn phòng viết của tôi là một căn bếp dột nát, nơi mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chứng kiến việc tặng thơ của nhà văn Tào Mạt đối với tôi: "Lãnh táo không bình nội diệt ca/ Hốt kiến hủ tường tân định ảnh" (Bếp lạnh rượu cạn người vợ kêu ca/ Nhìn lên bức tường nát thấy bức ảnh mới).

Tôi đã được đón một người bạn chiến đấu là một nhà thơ. Anh ngồi một lát rồi lẳng lặng ra đi. Khoảng nửa tiếng sau, nhà thơ quay lại đưa cho tôi một tấm nilông và bảo: "Đây là tấm tăng nilông tôi còn giữ được từ chiến trường, ông căng lên, tôi nghĩ cái giường ông ngủ bị dột". Tình bạn trong văn chương không thể nào kể hết được. Nhà văn không hơn người đời, nhưng cũng không kém hơn người đời. Bạn bè cưu mang nhau không đến mức như Lưu Bình - Dương Lễ nhưng "củ sắn bẻ đôi" cũng nhiều.

Câu chuyện này dường như cũ lắm. người ta đã nói nhiều đến các cặp bạn văn chương như Rimbaud và Verlaine, như Xuân Diệu và Huy Cận… Hình như trong nhiều nghề nghiệp khác nhau, nghề nào cũng cần có bạn, nhưng trong văn chương, người ta càng cần bạn hơn bao giờ hết. Tại sao thế?

Văn học nói chung và văn chương nói riêng không phải là một nghề. Thế mà loại công việc này lại chịu rất nhiều sức ép. Trên đường dài của nghề nghiệp, người làm văn chương rất dễ nản lòng. Một nhà văn trẻ đã có một vài tác phẩm hay nhưng chỉ cần bị chỉ trích, phê bình quá đáng là có thể bỏ nghề. Người làm văn chương lại là người có phong cách làm việc không giống với người đời. Người ta ngủ thì mình thức, người ta thức thì mình ngủ, nếu không được thông cảm thì làm sao sống được. Chính bởi vậy, bạn văn chương chính là bà đỡ đầu tiên cho các tác phẩm văn học, đồng thời cũng là người nuôi giữ ngọn lửa tôn thờ văn học vậy. Tiêu chuẩn bạn bè của nhà văn cũng là tiêu chuẩn bạn bè của người đời: Tin cậy nhau, thành thật với nhau, nâng giấc nhau, hướng nhau tới quầng sáng của sự tốt đẹp.

Nhìn vào chặng đường qua, đội ngũ các nhà văn Việt Nam từ già đến trẻ, vui thay, vẫn sống theo các tiêu chí bạn bè ngàn đời đó. Tuy nhiên, chủ nghĩa cơ hội nói chung và chủ nghĩa cơ hội trong văn học nói riêng cũng đã làm cho không khí của một hội nghề nghiệp (Hội Nhà văn) không phải lúc nào cũng trong sạch. Tôi lấy ra đây hai ví dụ, một ví dụ không có địa chỉ và một ví dụ có địa chỉ.

Ví dụ không có địa chỉ cụ thể là công tác phê bình lý luận văn học. Không khí phê bình văn học trên các mặt báo mấy năm vừa qua không cho bạn đọc thấy rõ không khí học thuật mà chỉ thấy lòng đố kỵ, ghen ghét, thậm chí chụp mũ. Người ta không thấy có tình bạn ở trong các câu chuyện của họ với nhau. Thậm chí, trên mặt báo và trong một số hội nghị có cấp trên đến dự, họ còn dùng võ chuyển dịch các vấn đề văn học sang các vấn đề chính trị để diệt nhau.

Ví dụ có địa chỉ là ông Tổng thơ ký Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi phải nói rằng, nhà thơ Hữu Thỉnh là người có những bài thơ hay. Anh là nhà thơ chưa trở thành tác giả của thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tập thơ in chung đầu tiên của anh xuất bản năm 1976, nhưng tôi đã quý anh từ bài thơ trở thành bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng (nhạc Doãn Nho). Nhưng qua nhiệm kỳ vừa rồi, tôi thấy tình bạn của anh có "nhiều vấn đề". Tổng thơ ký Hội Nhà văn là đại biểu Quốc hội, không thể không biết luật pháp. Thế mà chính ông lại vi phạm. Đây là sự cố ý chứ không phải vô tình bởi không phải một năm, mà là nhiều năm, ông đã được cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần: Thủ trưởng cơ quan chủ quản, Luật Báo chí ghi rõ, không được kiêm Tổng biên tập cơ quan báo chí. Có lẽ, theo ông Tổng thơ ký, hơn tám trăm nhà văn, cả già lẫn trẻ không ai làm nổi chức Tổng biên tập báo Văn nghệ ngoài ông. Lý do chắc không phải văn chương mà là chính trị. Có lẽ chỉ mình ông yêu nghề, yêu văn chương, còn các nhà văn khác không đủ tiêu chuẩn chăng? Ở đây, còn có lý do về đồng tiền bát gạo, còn có lý do về cơ quan tập họp lực lượng, nhưng lý do không tin ở người khác là chính yếu.

Người ta nói rằng: "Ghen vợ ghen chồng không nồng bằng ghen ăn", chữ ăn phải hiểu rộng ra còn có nghĩa là văn chương và quyền lực. Ghen tài và ghen quyền là ghê gớm nhất trên đời này. Về phần tôi, tôi không có gì để ghen với anh, tôi chỉ mừng cho anh thôi. Nhưng những nhân sự mà nhà văn Văn Chinh nhắc đến khi nói đến báo Văn nghệ có liên quan đến vấn đề ghen tuông nói trên. Chẳng nhẽ những người như Trần Ninh Hồ, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khắc Trường và cả tôi nữa không làm nổi phó cho anh Thỉnh hay sao, mà đều ra đi hoặc mong muốn ra đi?

Tôi đang bàn về tình bạn trong văn chương. Chúng ta đang cần một lời nói thẳng chứ không phải mấy câu khen vuốt ve. Không phải gặp ai cũng la hét nồng nàn một cách giả tạo: "Kỳ diệu lắm! Tuyệt diệu lắm! Đặc biệt lắm!" rồi người ta qua cửa thì quên ngay. Bao nhiêu lời hứa chỉ là ve vuốt.

Nhà văn Việt Nam nói chung và tổ chức của họ là Hội Nhà văn đang ở vào một thời khắc rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng việc chuyển dịch của nhân loại giữa thế kỷ XIX sang thế kỷ XX không gay gắt bằng từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI. Nhân loại còn bao nhiêu vấn đề ngổn ngang chưa tháo gỡ được. Câu nói của nhà văn Pháp Flaubert ngày nào đang đặt ra trước các nhà văn hôm nay, rằng bạn đọc đang hỏi các nhà văn: Một là, chúng tôi đang đứng ở đâu đây? Và hai là, chúng tôi nên sống với nhau như thế nào? Và hàng loạt vấn đề khác đang đặt lên vai các nhà văn. Một vấn đề khác do luật thời gian quy định không thể khác được là gánh nặng của lớp nhà văn hậu chiến. Tôi năm nay đã 64 tuổi, Hữu Thỉnh đã 63 tuổi... Xin mọi người nhớ cho, nhà văn Nguyên Hồng đã ra đi vào năm 62 tuổi. Đây không phải là chuyện bàn giao thế hệ mà là chuyện thừa kế tất yếu. Nếu chỉ nịnh bợ nhau mà không tin nhau thì không bao giờ tôn vinh lớp trẻ được.

Nhắc đến những câu chuyện vừa rồi, tôi lại nhớ đến đám tang Xuân Diệu. Trong làng thơ chắc khó có người nào kiêu hơn ông. Thế mà hồi biên tập báo Văn nghệ cùng với Xuân Quỳnh, tôi đã một lần sợ ông phật ý. Chúng tôi đưa chùm thơ của Nguyễn Quang Thiều đăng trên trang nhất, còn thơ Xuân Diệu thì in ở một góc trang trong. Gặp tôi, Xuân Diệu bảo: "Cậu này mới nhưng thơ hay, đưa lên trang nhất là rất xứng đáng". Tôi cảm động trước tình cảm của một người già đối với một người trẻ. Trên báo Văn nghệ có in bài điếu tang Xuân Diệu do tôi viết và anh Hà Xuân Trường đọc với rất nhiều công phu nhưng thua xa một dòng văn phúng của bạn ông, nhà thơ Hoàng Trung Thông: "Mỗi khi chia tay nhau, Xuân Diệu đứng ở bậc cửa đều nói một câu: Thông ơi, cạo râu đi. Trời ơi, bạn tôi luôn nhớ đến cái râu của tôi mà tôi không bao giờ biết đến quả tim của bạn". Tình bạn ấy tươi quý lắm.

Vừa rồi báo Văn nghệ có tường thuật cuộc họp báo nói đến công việc của các Hội đồng. Các nhà văn bàn có lý. Tuy nhiên tôi phải nói thêm rằng, nhiều trường hợp kết nạp hội viên không đủ số phiếu chỉ vì thiếu tình bạn, chẳng hạn trường hợp Hùng Tấn ở đồng bằng sông Cửu Long. Hội đồng thơ mà tôi là thành viên không bỏ phiếu chỉ vì không biết Hùng Tấn là ai. Việc đặc cách cho đồng bằng sông Cửu Long, hay đặc cách cho Hùng Tấn thì chỉ có ông Tổng thơ ký biết rõ. Thơ phú không hay thì đã đành rồi, nhưng Hùng Tấn còn là một giám đốc buôn lậu và vi phạm luật pháp ở mức trọng tội là một vết nhọ không xoá được trong nhiệm kỳ vừa qua của Hội Nhà văn.

Nhân bàn về tình bạn trong văn chương, tôi mở rộng mà bàn bạc về Hội Nhà văn chứ chưa nói gì về các công việc của Hội như xử lý công việc đối ngoại và các công việc nội bộ khác. Chỉ có điều mong muốn rằng trong điều kiện sống chưa khá giả gì, cũng như toàn xã hội, đội ngũ các nhà văn Việt Nam nói chung và tổ chức Hội Nhà văn nói riêng hãy vì những ước mơ, hoài bão của mỗi người cộng hưởng với ước mơ và hoài bão của nhân dân mà làm việc, chống lại bệnh cơ hội chính trị, chống lại bệnh cơ hội văn chương để khuyến khích một phong trào văn học dân chủ hơn, đặng có nhiều tác phẩm hay, tác phẩm tốt phụng sự cho nhân dân và đất nước.

(Tham luận của nha thơ Phạm Tiến Duật, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam).

Hà Nội, ngày 14/4/2005

.
.
.