Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Chờ tin vui từ Paris

Thứ Tư, 05/12/2012, 16:45
PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam, người đang trực tiếp có mặt tại Paris tham gia phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ UNESCO về bảo vệ văn hóa phi vật thể lại không giấu được niềm tự hào, tha thiết cũng như hy vọng lớn ở khả năng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ghi tên trong bảng vàng di sản thế giới.

Nhiều năm trời thực tế, nghiên cứu, vật lộn với hàng hàng tư liệu ngày một hư hao đi, bộ hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương do UBND tỉnh Phú Thọ và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam xây dựng, hoàn thiện, đã được đệ trình lên UNESCO.

Trong khuôn khổ phiên họp thường niên diễn ra tại Paris (Cộng hòa Pháp), ngày 5/12 Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO sẽ bỏ phiếu công nhận thêm một số “báu vật tinh thần” mới của các quốc gia, và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang khấp khởi trong niềm hy vọng, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Theo PGS-TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đề cử của chúng ta trong năm 2012, bộ hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe mà UNESCO đòi hỏi ở hạng mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Từng tham gia thực hiện bộ hồ sơ ngay từ những ngày đầu, PGS-TS Bùi Quang Thanh phấn chấn: “Sau khi điền dã khảo sát tại gần 200 di tích của 122 làng, xã, đóng trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Phú Thọ, hiện còn khoảng 40 di tích thờ tự (đình, đền, miếu) được người dân gọi đích danh là nơi thờ phụng các vua Hùng (đa số nằm ở Việt Trì và huyện Lâm Thao)”…

Ngoài ra, cũng theo PGS-TS Bùi Quang Thanh, từ nguồn thư tịch cổ và thực trạng sinh hoạt tín ngưỡng ở vùng đất Tổ, “bước đầu còn nhận diện được một không gian văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Hùng Vương, lên tới 178 đình, đền, miếu thờ tự khác, chủ yếu quy tụ tại các thềm đất cao ven triền sông Lô, sông Thao, sông Đà”.

Tuy nhiên, điều mà ông Thanh tự tin nhất chính là, mỗi ngày qua đi người dân sở tại càng thấu hiểu hơn giá trị được truyền tụ từ ngàn đời của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Từng cá thể trong cộng đồng luôn tự giác quan tâm khôi phục lại nét đẹp văn hóa này, cả về vật chất (cơ sở thờ tự) lẫn tinh thần. Đây sẽ là dấu son được các chuyên gia đầu ngành của UNESCO nhiệt tâm ghi nhận.

PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam, người đang trực tiếp có mặt tại Paris tham gia phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ UNESCO về bảo vệ văn hóa phi vật thể lại không giấu được niềm tự hào, tha thiết cũng như hy vọng lớn ở khả năng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ghi tên trong bảng vàng di sản thế giới.

Kết thúc công trình Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, GS Hà Văn Tấn viết: “Không ở đâu trên trái đất này, có một dân tộc tin rằng có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm, hành hương về tưởng niệm. Tôi nghĩ rằng, đó là chiêm nghiệm đáng kính của một nhà khảo cổ học hàng đầu ở Việt Nam về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên lát cắt đương đại”

Mi Sol
.
.
.