Tín hiệu vui từ sách thiếu nhi, hè 2012

Thứ Năm, 21/06/2012, 15:29
Sự kiện “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ngay khi chưa phát hành đã được Nhà xuất bản Trẻ tái bản đến lần thứ ba, xuất hiện trên thị trường với số lượng in kỷ lục 2 vạn bản, là khởi động vui cho mùa sách hè 2012.

Cách mà cả nghìn độc giả ngay ngắn xếp hàng chờ tới lượt, giữa cái nắng hè chói chang oi nồng, để được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đích thân ký tặng vào sách, trong buổi giao lưu tại Hà Nội sáng 10/6, cũng là minh chứng phản biện lại những suy đoán bi quan “văn hóa đọc đang xuống cấp” vốn mặc nhiên tồn tại bấy nay trong một bộ phận dư luận...

Xếp hàng chờ xin chữ ký nhà văn

Nguyễn Nhật Ánh là “ông hoàng” không ngai của dòng sách dành cho tuổi mới lớn. Những sê ri “Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang”, hay các cuốn truyện “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là Bê tô, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… do Nhà xuất bản Trẻ hoặc Kim Đồng ấn hành, đều một sắc màu trong trẻo, dễ thương, lãng mạn và mơ mộng, hợp với tư duy học trò.

Nguyễn Nhật Ánh từng thừa nhận, anh dễ dàng chinh phục được lớp bạn đọc riêng của mình vì tìm ra lối đi mềm mại để len vào thẳm sâu tâm hồn vốn nhạy cảm, dễ dao động trong tâm sinh lý tuổi mới lớn. Không lên gân, cũng không nhăm nhăm giáo huấn tuyên truyền, răn dạy một chiều, chừng 15 năm trở lại đây, sách của Nguyễn Nhật Ánh luôn tạo ra những cơn “sốt” nho nhỏ mỗi khi ra mắt công chúng và dù được hay không được các nhà phê bình chú ý, Nguyễn Nhật Ánh vẫn là nhà văn viết cho thiếu nhi ăn khách nhất đương thời.

Độc giả xếp hàng trật tự chờ tới lượt nhận chữ ký.

Nguyễn Nhật Ánh và “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ” không phải ngoại lệ duy nhất trong dòng sách hè 2012 được độc giả săn đón. “Một lần và mãi mãi” tuyển chọn những truyện ngắn hoặc trích đoạn tiểu thuyết, truyện dài nổi tiếng của 55 tác giả có đóng góp cho thiếu nhi giai đoạn 1957 - 2012, xuyên suốt từ Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng… đến Nguyễn Nhật Ánh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyên Hương, Lý Lan… do Nhà xuất bản Kim Đồng tuyển chọn, biên soạn là ấn phẩm công phu, nhiều giá trị. “Một lần và mãi mãi” được độc giả hào hứng đón nhận, dù số trang khá dầy dặn so với các ấn phẩm tương tự dành cho thiếu nhi, lên tới hơn 500 trang. Không chỉ trẻ em, bạn đọc lớn tuổi cũng có thể tìm thấy ký ức về thời bé con của chính mình qua những câu chuyện quen thuộc trong “Một lần và mãi mãi”. “Hoàng tử không nối ngôi vua” - tập truyện ngắn đậm đà tình cảm của Trần Đồng Minh, “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” tiểu thuyết toán hiệp của Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn vẫn nằm trong danh mục sách bán chạy dù ra mắt trước mùa hè khá lâu tạo thêm niềm tin rằng: trẻ em chưa hề quay lưng với sách.

Sách cũng cần PR, tiếp thị

Lâu nay, trong một số cuộc khảo sát, nhiều nhà nghiên cứu từng thốt lên buồn bã khi trẻ em bây giờ không biết đến “Dế mèn phiêu lưu ký” và vội vàng nhận định, sách đã bị hạ gục bởi trò chơi điện tử - đối thủ mạnh hơn gấp nhiều lần trong cuộc chiến chinh phục trẻ em.

Từ hiệu ứng “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ” và hiện tượng “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” có thể thấy, sách hay, sách đáp ứng được nhu cầu, thậm chí là thị hiếu luôn được các em nhiệt tình tìm đọc. Chỉ có điều, trẻ em hôm nay đã có thế giới quan nhân sinh quan khác, “yêu ghét khác xưa rồi, cười khóc cũng khác xưa”.

Các em không còn thần tượng chú dế trũi và cuộc phiêu lưu kỳ thú của chú, mà muốn đi tìm những người bạn khác, những tâm giao tri kỷ khác hợp thời hơn. Thêm nữa, nếu các nhà xuất bản, những người làm sách thực sự nâng niu cho mỗi ấn phẩm dành cho tuổi thơ từ khâu biên tập, thiết kế mỹ thuật đến phát hành, quảng bá, như trường hợp “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ” lẫn “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình”, sự chú ý của độc giả nhỏ tuổi tới sách sẽ tăng thêm gấp nhiều lần.

Quá trình dài Nhà xuất bản Trẻ chăm chút, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã liên tiếp gặt hái kết quả khả quan, như lời nguyên Giám đốc Lê Hoàng từng khẳng định: “Mọi sự đầu tư vào Nguyễn Nhật Ánh đều thành công”. Bên cạnh đó, những bộ truyện tranh Manga kiểu Nhật Bản làm mưa làm gió, phát hành định kỳ hàng tuần với số lượng không dưới 1 vạn bản, trở thành món ăn dễ “gây nghiện” với nhiều bạn đọc nhỏ tuổi cũng một phần do được truyền thông, quảng bá chu đáo như “Shin - cậu bé bút chì, Thám tử lừng danh Conan” hiện tại và “Doremon” trước đây. 

Trên thị trường vẫn không thiếu những cuốn sách hay, bổ ích cho trẻ em. Và trẻ em cũng chưa bao giờ thôi ước muốn được mơ mộng thả hồn theo những tranh sách thú vị, hấp dẫn. Chỉ có điều, sách dẫu hay đến đâu, cũng cần có động thái PR, tiếp thị đến độc giả nhỏ tuổi một cách nhiệt thành, sâu sắc, hợp tâm lý của các em. Sách không thể mãi chịu cái cảnh “cây quế giữa rừng”, hoặc cao ngạo “hữu xạ tự nhiên hương”, thụ động trong việc đi tìm độc giả, trong khi những đứa trẻ vốn ham hiểu biết, thích khám phá một thế giới tinh thần mới lạ qua sách lại bị gán cho “tội”, không trau dồi văn hóa đọc

Khánh Bằng
.
.
.