Giải bóng đá Công an, Cảnh sát các nước ASEAN, Cúp Báo CAND:

Tìm lại dấu yêu thuở nào

Thứ Năm, 03/05/2007, 09:30
Cái tin Bộ Công an tổ chức giải bóng đá Công an, Cảnh sát các nước ASEAN làm những người một thời từng yêu các cái tên đội bóng như Công an TP HCM, Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, thấy tim mình loạn nhịp trong những hoài niệm, lòng mình cồn cào trong những nhớ cùng mong…

Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1998, người hâm mộ bóng đá ngành Công an đã phải chờ đợi 9 năm mới có dịp tái ngộ giải bóng đá Công an, Cảnh sát các nước ASEAN, Cúp Báo CAND. Một khoảng cách thời gian quá dài chăng?

Có thể, nhưng cũng giống như khi người ta yêu, sự chờ đợi luôn được nhìn nhận dưới góc độ hạnh phúc chứ không phải sự chịu đựng.

Hơn thế, hãy nhớ lại xem, trong dặm dài những ngày tháng đó, bóng đá ngành Công an đã phải trải qua biết bao nhiêu biến thiên giữa thời bóng đá Việt chuyển mình trước ngưỡng cửa chuyên nghiệp hoá. Từ vị thế nổi bật trên bản đồ V.League với 3 đại diện Công an TP HCM, Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng ở mùa thử nghiệp bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên (2000 - 2001), bóng đá ngành Công an dần dần bước ra ngoài "vùng phủ sóng" của sân chơi đỉnh cao này qua những cuộc chuyển giao phiên hiệu.

Đầu tiên là Công an TP HCM thành Ngân hàng Đông Á, rồi đến Công an Hải Phòng được trả về Sở TDTT Hải Phòng và cuối cùng đến lượt Công an Hà Nội, đội bóng giàu truyền thống nhất của lực lượng Công an, cũng mất phiên hiệu để rồi sau đó bôn ba dưới những cái tên Hàng Không Việt Nam, LG.Hà Nội - ACB.

Cùng với những cuộc chuyển giao đó, những cái tên quái kiệt một thời của bóng đá ngành Công an như Minh Hiếu, Tuấn Thành, Mai Tiến Dũng, Bật Hưng, Xuân Thanh, Trung Phong (CAHN), Sỹ Thành, Thiện Quang, Bá Hùng (CATP HCM), Đặng Dũng, Thái Bảo (CAHP), cũng thưa dần trên các sân cỏ. Giờ ngồi điểm lại các danh thủ của bóng đá Công an, e rằng chỉ có một mình Huỳnh Đức vẫn còn ra sân thi đấu, nhưng cũng chẳng chính danh nữa rồi bởi khi từ Ngân Hàng Đông Á về khoác áo Đà Nẵng, tiền đạo này đã xin ra khỏi ngành.

Vẫn biết, trong hoàn cảnh lúc đó, với những điều kiện và cơ chế đặc thù, các đội bóng Công an buộc phải chuyển giao để thích ứng với bóng đá chuyên nghiệp, nhưng những cái tên Công an TP HCM, Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng mất đi, cũng để lại bao luyến nhớ.

Nhớ về một Công an Hà Nội hào hoa những tinh quái trong lối đá phòng ngự chặt - phản công nhanh. Nhớ về một Công an TP HCM đong đầy lửa trong những pha tấn công hãm thành. Nhớ về một Công an Hải Phòng có lúc chơi thật kỹ thuật, nhưng có thời lại thật cứng rắn với lối đá chém đinh, chặt sắt.

Nhớ về những trận derby ngành Công an nảy lửa giữa Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng. Nhớ về những chiều thứ bảy hay chủ nhật đến sân Hàng Đẫy, xem nội chiến Hà Thành giữa Công an Hà Nội và Thể Công.

Chính những nỗi nhớ đó khiến không ít người hôm nay ra sân xem Hà Nội.ACB hay Vạn Hoa.Hải Phòng mang tâm thế "Đập cổ kính xưa tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại giữ dành hơi".

Nhưng càng tìm thì càng không thấy cái "hồn vía" của đội bóng mến yêu năm xưa trong "thân xác" hiện tại. Vì thời thế đã khác, con người cùng khác hay bởi người ta cứ đau đáu hoài nhớ về một bóng hình xưa trong ký ức mà chối bỏ hiện tại?

Cũng chẳng rõ nữa, chỉ biết, đối với những người nặng lòng với bóng đá ngành, thì cái tin Bộ Công an tổ chức giải bóng đá Công an, Cảnh sát các nước ASEAN, Cúp Báo CAND, giống như một liều thuốc - liều thuốc chữa căn bệnh hoài nhớ. Bởi đây là cơ hội cho họ gặp lại những gương mặt cầu thủ dấu yêu tưởng như đã ngủ yên trong quá khứ. Bởi đây là điều kiện giúp họ sống lại không khí bóng đá sôi động của một thời đã xa với đội bóng con cưng.

Và biết đâu, từ giải đấu này sẽ nẩy mầm hy vọng về một ngày không xa, bóng đá ngành Công an sẽ trở lại với sân chơi bóng đá đỉnh cao. Chẳng phải cái mầm xanh đó đã xuất hiện rồi sao; xuất hiện từ việc xã hội hóa giải đấu qua cái tên: Cup Báo CAND!

Bảo Hân
.
.
.