Tìm cơ hội từ giải đấu trực tuyến

Thứ Bảy, 15/08/2020, 07:37
Trong khi các đội tuyển khác đang mòn mỏi chờ ngày thi đấu quốc tế thì các kỳ thủ cờ vua Việt Nam lại đang tất bật chuẩn bị cho Giải cờ  vua đồng đội thế giới (còn được gọi là Olympiad cờ vua thế giới), một trong những giải đấu truyền thống và danh giá nhất trong làng thể thao thế giới. Tất nhiên, trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay trên toàn thế giới, các kỳ thủ phải thi đấu trực tuyến. Nhưng như vậy cũng còn tốt hơn nhiều so với những môn khác.


Không còn là giải pháp tình thế

Dịch COVID-19 đã mở ra một hướng đi mới cho làng cờ vua thế giới. Trước đây, các kỳ thủ thường xuyên thi đấu giao lưu hoặc tập luyện với các chuyên gia qua internet. Tuy nhiên, thi đấu thực sự qua internet vẫn chưa được tính đến. Đặc thù của thi đấu thể thao, kể cả môn thể thao trí tuệ như cờ vua, cũng vẫn cần nhìn thấy đối thủ trực tiếp, để có cảm giác thi đấu thực sự.

Thế nhưng, dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách tiếp cận này. Khi không thể đi lại giữa các quốc gia, hình thức thi đấu trực tuyến được xem là giải pháp hàng đầu và tối ưu, không còn là giải pháp tình thế. Đi kèm là các giải pháp, nhất là về công nghệ, để bảo đảm yêu cầu thi đấu cũng như tránh gian lận từ các kỳ thủ tham gia.

Kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn thi đấu tại Olympiad 2018.

 Tất nhiên, rất khó để thi đấu trực tuyến cờ tiêu chuẩn, nơi một ván đấu có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ. Như thế vừa khiến người xem mỏi mệt, khó theo dõi đến cùng, còn các kỳ thủ cũng mất nhiều thời gian giải quyết ván đấu. Vì thế, các giải cờ trực tuyến trên thế giới được tổ chức thường tổ chức theo hình thức cờ nhanh với giải thưởng hàng trăm nghìn USD.

Tại Việt Nam, rất nhiều kỳ thủ nổi tiếng đã tham dự các giải cờ trực tuyến từ đầu năm đến nay. Trong số này, Lê Quang Liêm từng dự các giải do kỳ thủ số 1 thế giới M. Carlsen (Na Uy) tổ chức. Ngoài Lê Quang Liêm, các kỳ thủ khác như Trần Tuấn Minh, Lê Tuấn Minh... cũng thường thi đấu các giải cờ trực tuyến.

Trưởng bộ môn cờ Hà Nội Đặng Vũ Dũng kể rằng, thi đấu trực tuyến giúp các kỳ thủ của Hà Nội phần nào giữ được cảm giác thi đấu. Kể cả khi thi đấu cờ nhanh với đặc thù khác hẳn cờ tiêu chuẩn thì các kỳ thủ cũng sẽ có có hội trui rèn bản thân thay vì mất cảm giác thi đấu. Cũng vì vậy, bộ môn cờ Hà Nội tạo điều kiện tối đa và luôn động viên các kỳ thủ tham dự những giải đấu trực tuyến.

Ngay các nhà quản lý trong làng cờ Việt Nam cũng xem thi đấu trực tuyến là giải pháp số 1 nếu các giải đấu tiếp tục không thể diễn ra tại một địa điểm nhất định bởi lo ngại lây nhiễm Covid-19.

Tìm cơ hội ở sân chơi danh giá

Theo kế hoạch, Olympiad năm 2020 dự kiến diễn ra tại Nga vào tháng 8 này nhưng do dịch COVID-19 nên đã được chuyển sang năm 2021. Dù vậy, khi nhu cầu thi đấu trong làng cờ lên cao cũng như hình thức thi đấu trực tuyến đã chứng tỏ hiệu quả nên Liên đoàn Cờ vua thế giới đã quyết định tổ chức một kỳ Olympiad  theo thể thức trực tuyến và đánh cờ nhanh.

Điều này cũng mang đến cơ hội thi đấu cho mọi kỳ thủ trên thế giới, miễn là có hệ thống internet bảo đảm yêu cầu. Đặc biệt, các đội không phải lo kinh phí di chuyển, ăn ở như ở các kỳ Olympiad trước đây. Nhờ đó, tiết kiệm khoản kinh phí đáng kể. Ngay từ lúc này, đội tuyển cờ vua Việt Nam đã lên phương án thi đấu tại giải. Trong đó, các kỳ thủ sẽ thi đấu tại nhà hoặc bất cứ nơi nào khác, đáp ứng các yêu cầu của Liên đoàn Cờ vua thế giới. Riêng Lê Quang Liêm sẽ thi đấu từ Mỹ.

Đội hình chính thức của cờ vua Việt Nam gồm các kỳ thủ Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn cho hai suất nam. Phạm Lê Thảo Nguyên và Hoàng Thị Bảo Trâm cho hai suất nữ. Nguyễn Anh Khôi cho suất U20 nam và Bạch Ngọc Thùy Dương U20 nữ.

Sáu kỳ thủ dự bị gồm: Lê Tuấn Minh, Trần Tuấn Minh (nam), Trần Minh Thắng (U20 nam) và Võ Thị Kim Phụng, Nguyễn Thị Mai Hưng (nữ), Nguyễn Hồng Anh (U20 nữ). Đây đều là những kỳ thủ hàng đầu của Việt Nam, nhất là ở nội dung cờ nhanh. Cũng vì vậy, giới chuyên môn, trong đó có HLV Lâm Minh Châu hay Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh đều tự tin vào khả năng tiến xa của đội tuyển cờ vua Việt Nam, nhất là đội nam tại giải năm nay.

Thực tế, cũng có lo ngại về việc có thể xảy ra gian lận khi thi đấu theo hình thức trực tuyến. Dù vậy, các chuyên gia đều nhận định rằng, Liên đoàn Cờ vua thế giới cũng đã có những giải pháp, kinh nghiệm nhất định khi tổ chức các giải cờ trực tuyến từ đầu năm đến nay nên sẽ hạn chế tối đa việc này. Trong khi đó, kỳ thủ Lê Quang Liêm cũng nhận định rằng, các Đại Kiện tướng quốc tế sẽ không vứt đi uy tín và danh hiệu mà họ đang sở hữu chỉ để gian lận khi tham gia giải đấu trực tuyến sắp tới.

Thực tế, vấn đề của đội Việt Nam khi dự giải chỉ là có nên tập trung hay không. Theo tính toán, nếu từng kỳ thủ thi đấu ở từng địa điểm riêng rẽ lại khó quản lý vì yêu cầu bảo đảm tối đa về công nghệ, giám sát từ Ban Tổ chức giải (dù là vì mất điện hay internet, VĐV nào không hiện trên màn hình hơn 2 phút trong khi thi đấu sẽ bị xử thua ngay lập tức). Trong khi đó, nếu theo cách trên, Ban huấn luyện và kỳ thủ cũng khó bàn bạc về chuyên môn. Vì vậy, sẽ tốt hơn cả nếu đội tập trung ở một địa điểm được bảo đảm về đường truyền internet, có nguồn điện dự phòng.

Nhưng dù thế nào thì các kỳ thủ Việt Nam vẫn đang may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khi còn có cơ hội thi đấu quốc tế, dù là trực tuyến.

Hy vọng tái lập kỳ tích năm 2018

Đội tuyển cờ vua Việt Nam sẽ thi đấu từ 22 đến 24-8 tại hạng đấu cao nhất của giải. Giải năm nay thu hút 150 đội tuyển và được chia thành 5 hạng, phụ thuộc vào thứ hạng ở kỳ Olympiad trước. Riêng ở giải nam, đội tuyển Việt Nam thi đấu ở hạng cao nhất do xếp thứ 7 chung cuộc ở kỳ giải năm 2018, cũng là thành tích tốt nhất của cờ vua Việt Nam khi dự Olympiad.

Minh Hà
.
.
.