Tìm cách kéo dài tuổi thọ và phát huy giá trị Mộc bản

Thứ Bảy, 11/11/2017, 10:20

Ngày 11-11, tại Đà Lạt, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), đã tổ chức buổi tọa đàm quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo quản tài liệu Mộc bản tại các nước Châu Á.

Gần 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về tài liệu Mộc bản đến từ các nước khu vực Đông Á đã tham gia tọa buổi đàm này.

Tọa đàm Quốc tế về Mộc bản

Các tham luận đều đánh giá cao vai trò, giá trị của tài liệu Mộc bản trong lịch sử và tầm ảnh hưởng của nó trong thời đại hiện nay. Tham luận của các học giả về Mộc bản tập trung vào 4 nội dung chính, gồm lý luận về bảo quản Mộc bản. Như “Bảo quản các di sản tư liệu Mộc bản ở Việt Nam - nhìn từ góc độ quản trị rủi ro” của PGS. TS. Vũ Thị Phụng; “Xây dựng hệ thống bảo quản mộc bản dựa vào cộng đồng” của PGS. TS. Lương Hồng Quang…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp để bảo quản Mộc bản trên cơ sở nghiên cứu về chất liệu gỗ. Như công trình “Điều kiện môi trường bảo quản tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn” của TS. Vũ Mạnh Tường và GS.TS. Phạm Văn Chương; “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà – Khuyết tật trên mộc bản và giải pháp khắc phục” của PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc…

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trong lần thăm Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt vào tháng 6-2017, nơi đang lưu giữ Mộc bản triều Nguyễn

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu còn nêu ra thực trạng bảo quản các khối tài liệu Mộc bản và những giải pháp khắc phục. Như “Thực trạng mộc bản Nhật bản, xử lý tài liệu trước khi số hóa và tu bổ - phục chế” của PGS. TS. Takaaki Kaneko; “Bảo tồn nghề khắc in truyền thống tại Dương Châu” của tác giả Xia Weikhai…

Các chuyên gia về Mộc bản cũng đã dành thời gian để giới thiệu một số khối tài liệu Mộc bản tiêu biểu, như “Bảo vệ, bảo quản và phát huy Mộc bản cổ tại Bảo tàng ván khắc in Dương Châu - Trung Quốc” của tác giả Zhang Zhijun và Wang Xiaoxiao (Trang Chí Quân-Vương Tiêu Tiêu); “Sưu tầm và bảo quản Mộc bản Đông Á tại Viện bảo tàng Khắc in mộc bản Hàn Quốc” của ông HAN, Seon-Hak (Hàn Thiền Học); “Quá trình hình thành và bảo quản Sưu tập Mộc bản Kyujanggak” của TS. KWON, Ki-Seok…

Sắp xếp Mộc bản triều Nguyễn bị hư hỏng tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt

Mộc bản là tài liệu đặc biệt chỉ có ở một số nước thuộc khu vực Á Đông như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác thuộc khu vực Châu Á, phản ánh đặc trưng lịch sử văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc.

Ở Việt Nam có 3 tư liệu Mộc bản đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Đó là, “Mộc bản triều Nguyễn” hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (2009); “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm” (2012) do Sở VH-TT-DL Bắc Giang quản lý và “Mộc bản Trường Phúc Giang” thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn Huy tại Hà Tĩnh (2016).

Khắc Lịch
.
.
.