Tìm “bến đậu” cho báu vật dưới lòng sông Hồng

Thứ Tư, 27/05/2015, 08:13
Năm 2009, một người dân trong khi mò tìm phế liệu trên sông Hồng đoạn chảy qua địa phận xã Đại Tập (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) giáp ranh các xã Thụy Phú và Văn Nhân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) bất ngờ phát hiện một con tàu bị vùi dưới cát. Sau khi con tàu được trục vớt đưa vào bờ, dư luận xôn xao bởi đó là một con tàu hình dáng khác lạ, chạy bằng động cơ hơi nước. Hàng ngàn người kéo tới chiêm ngưỡng con tàu cổ đã “ngủ” yên hơn 100 năm trong lòng sông Hồng.

Sau đó, Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đưa con tàu cổ này về trưng bày tạm ở khuôn viên Bảo tàng. Và con tàu cổ ấy đến giờ vẫn chưa tìm được một “bến đậu” tốt lành trước sự khắc nghiệt của thời tiết…

Món quà của phố Hiến

Bất ngờ tôi được gặp anh Hà Công Chuôm (người phát hiện và trục vớt con tàu cổ), khi anh không còn làm nghề “lặn rong” thu lượm phế liệu, gỗ... như trước nữa. Anh kể lại ngày được chạm tay vào “món quà của phố Hiến”.

Hôm ấy, ở độ sâu khoảng 20 mét giữa sông Hồng, anh Chuôm chạm tay vào phần đuôi của con tàu và nghĩ mình sẽ khai thác được nhiều gỗ tốt. Tàu nằm chúi mũi xuống lòng sông, một phần bị bùn đất lấp sâu tới 3 - 4 mét... Anh Chuôm lập tức tiến hành việc trục vớt “món quà của quá khứ”.

Gần 1 tháng sau, anh Chuôm cũng đưa được con tàu vào bờ với bao nỗ lực, công sức và tiền của.

Khi trục vớt, trong khoang tàu cổ chở rất nhiều củ nâu, loại củ thường dùng trong việc nhuộm vải thời xưa và hộp gỗ đựng hàng ghi dòng chữ “Giang Nam”.

Con tàu cổ trưng bày trong một nhà tạm tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên.

Ngoài ra, một số dụng cụ máy móc sử dụng trên tàu cổ cũng như một số đồ dùng sinh hoạt của thuỷ thủ như bát, đĩa, chén và đặc biệt là các loại tiền kim loại của Việt Nam thời Nguyễn: Gia Long thông bảo (1802 - 1819), Minh Mệnh thông bảo (1820 - 1840), Tự Đức thông bảo (1848 - 1883), tiền Đông Dương, tiền Trung Quốc (Càn Long thông bảo 1736 - 1795) và tiền Anh (1875)…

Tàu được làm bằng gỗ của loài cây lá kim, thuộc họ thông, dài 30m, rộng 5m và đã bị gãy làm đôi trong quá trình trục vớt. Tàu thuộc loại chạy bằng động cơ hơi nước, có phần đầu dài 7 mét, phần đuôi dài 23 mét, rộng 5,2 mét, phần vỏ phía dưới thân tàu được bọc bằng đồng lá...

Con tàu đã thu hút sự hiếu kì của hàng ngàn người dân và nhiều nhà khoa học. Tháng 3/2009, sau khi tiến hành đánh giá sơ bộ, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định thu hồi xác con tàu cổ về Bảo tàng tỉnh để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.

Mong một “bến đậu” ổn định cho con tàu cổ

Do kích thước lớn, trọng tải nặng, thân tàu đã bị mục nát nên việc di chuyển con tàu cổ đã được tiến hành bằng cả đường thuỷ và đường bộ.

Kể từ khi về Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đến nay, toàn bộ các hiện vật kèm theo con tàu như: Nồi hơi, các hiện vật kim loại; tượng Phật, đĩa chén bằng sứ được bảo quản tốt. Riêng phần thân tàu, do đã nằm dưới lòng sông quá lâu (khoảng 100 năm) nên khi được trục vớt và đưa lên bờ, môi trường thay đổi, bị co ngót.

Hơn nữa, do thân tàu là thể khối lớn, chất liệu lại rất khó bảo quản và những hạn chế của một bảo tàng địa phương nên việc bảo quản gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây nhà trưng bày ngoài trời để bảo quản con tàu cổ nhưng cũng chỉ có thể tránh cho tàu không bị ảnh hưởng bởi mưa nắng của thời tiết, chứ chưa đủ tiêu chuẩn để áp dụng các biện pháp kỹ thuật cao liên quan đến độ ẩm, nhiệt độ bảo quản.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đang tiến hành công tác bảo quản thường xuyên, cố gắng giữ nguyên trạng hiện vật như khi mới khai quật.

Anh Chuôm và con tàu cổ khi mới được phát hiện.

Mùa mưa, độ ẩm cao nên việc bảo quản có phần đơn giản hơn, song vào mùa khô hanh, nắng nóng thì lại rất vất vả, phải thường xuyên cung cấp đủ độ ẩm bằng cách phun nước trực tiếp qua hệ thống phun được lắp trên mái nhà bên trên thân tàu để tránh sự co ngót của gỗ gây ra hiện tượng nứt nẻ, cong vênh…

Tại hội thảo đánh giá giá trị con tàu cổ năm 2012, các nhà khoa học lịch sử, khảo cổ, văn hoá và các nhà quản lý đều đánh giá cao giá trị lịch sử, văn hoá của con tàu cổ; đặc biệt là các hiện vật đã khai quật được. Các chuyên gia và các nhà khoa học đều khẳng định đây là con tàu cổ có niên đại vào nửa cuối thế kỷ 19.

Theo nhận định của ông Triệu Văn Hiển, Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, thì con tàu cổ này là hiện vật đặc biệt quý hiếm, có thể coi là bảo vật quốc gia. Thông qua các hiện vật, có thể xác định đây là tàu buôn nước ngoài, công nghệ châu Âu nhưng chủ nhân lại là người Trung Hoa đến Việt Nam buôn bán thương mại tại phố Hiến.

Con tàu cổ này có thể coi là dấu tích của thời kỳ hậu phố Hiến - nơi đã được mệnh danh là một thương cảng lớn, buôn bán sầm uất trong lịch sử, nổi danh với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.

Một ngày cuối tháng 5/2015, khi đến thăm con tàu cổ, chúng tôi được ông Bùi Đăng Quy, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên cho biết:  “Từ khi mang tàu cổ về đến nay là một quá trình nỗ lực của các cán bộ, nhân viên Bảo tàng. Chúng tôi đã cố gắng để bảo toàn nguyên trạng con tàu cổ như khi nó mới được khai quật, để chờ phương án phục dựng chính thức được phê duyệt. Hàng ngày, Bảo tàng vẫn mở cửa cho khách và người dân trong vùng đến tham quan, tìm hiểu về con tàu cổ. Nói thực, nhiều người vẫn chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy một con tàu to lớn như vậy, đặc biệt là tàu cổ nên họ rất tò mò và ngạc nhiên khi đứng trước con tàu…”.

Ông Quy cũng cho biết thêm, Bảo tàng mới của tỉnh được khởi công xây dựng từ tháng 5 - 2013, theo tiến độ sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016.

“Hiện nay, cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, chúng tôi đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án nội thất trưng bày bảo tàng, trong đó có phần trưng bày ngoài trời mà con tàu cổ là một điểm nhấn quan trọng. Dự kiến sau khi nhà Bảo tàng mới và công tác phục dựng toàn bộ con tàu cổ hoàn thành, sẽ cho tái tạo không gian sông nước bằng cách trưng bày nổi con tàu cổ trên một bể nước rộng, có mái che ngoài trời...” - ông Quy nêu ý tưởng.

Trở lại với người phát hiện con tàu cổ, anh Hà Công Chuôm cho biết: “Tôi vẫn luôn nhớ về con tàu như một dấu ấn của đời mình”. Mới đây, anh Chuôm còn đưa một nhóm bạn đã về Hưng Yên thăm lại con tàu cổ, để giới thiệu về niềm tự hào trong những tháng ngày hành nghề "lặn rong" của mình.

"Bây giờ tôi không còn làm nghề "lặn rong" nữa, mà chuyển sang lái tàu chở cát, tuy có đỡ nguy hiểm hơn nhưng cuộc sống bôn ba, xa nhà cả tháng trời cũng rất vất vả. Không có gia đình bên cạnh, tôi thường hay kể chuyện về con tàu cổ cho những người bạn làm cùng, mọi người rất tò mò. Mùng 3 Tết âm lịch vừa rồi, tôi đã đưa anh em về tận Bảo tàng tỉnh Hưng Yên để thăm lại còn tàu", anh Chuôm kể bằng một giọng đầy tự hào.

Vũ Linh
.
.
.