Tiếng cười Đàm Liên

Thứ Hai, 18/04/2016, 08:47
Sân khấu đã tạo nên danh tiếng của NSND Đàm Liên nhưng để có được tiếng cười mang dấu ấn riêng cho mình, người nghệ sĩ ấy đã dành thời gian và tâm huyết tối đa để nghiền ngẫm và sáng tạo hết sức cho nghệ thuật tuồng.


Hơn 50 năm gắn bó với sân khấu tuồng, để lại không ít vai diễn mang dấu ấn cá nhân, ngôi nhà trong ngõ Chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) của NSND Đàm Liên luôn thường trực những tiếng cười, khi thì điên dại, khi thì trong trẻo vui tươi, lúc lại da diết, xót xa, bi thương, ai oán… đó là dấu ấn Đàm Liên. 

Nghệ sĩ cho rằng: “Nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng, tiếng cười có một thế mạnh đặc biệt. Nó có thể tạo ra nỗi ám ảnh, sự day dứt cho người xem. Cười trong tuồng không phải là tiếng cười “ha hả; ha ha, hố hố” như phim ảnh, truyền hình. Đơn giản là cười lớn/cười khích/cười đau thương/cười khinh bỉ (cười gằn) nhưng cười theo tình cảm nhân vật qua trạng thái, tâm hồn, con tim cảm nhận của người nghệ sĩ”.

Tài năng là thế nhưng một hiện thực đáng buồn rằng hiện nay nhắc đến nghệ sĩ tuồng mà người ta cứ “hở” với “hả” vì bị khán giả ngó lơ. 

Theo nghệ sĩ Đàm Liên: “Không phải khán giả không còn ưu ái với nghệ thuật tuồng nữa mà bởi chính nghệ sĩ không thuyết phục được khán giả đến với mình. Nhiều nghệ sĩ, chỉ cốt hát hay, rập khuôn mà không biết nghệ thuật là cần thả hồn vào đó. Tôi nghĩ, dù bậc anh hùng hay kẻ điên dại thì cũng là con người; ai cũng mang trong mình dục cảm, xúc cảm và những mối mâu thuẫn giằng xé". 

"Tôi luôn diễn đạt điều ấy bằng tiếng cười, bởi vì nghe tiếng cười có thể phân biệt được người ấy là ai? Tốt hay xấu? Buồn hay vui? Say hay tỉnh? Hạnh phúc hay đau khổ? Thoả mãn hay thất vọng? Với tôi, tiếng cười có thể lý giải và hoá giải được rất nhiều điều. Khi không thể nào khóc thì cười.”

NSND Đàm Liên.

Quả thực, điều này có thể thấy rất rõ khi theo dõi những vai diễn của Đàm Liên: Một Hồ Nguyệt Cô quá ám ảnh, vì quá yêu, quá say, để mất viên ngọc quý vào tay người yêu mà mãi mãi mất kiếp người, suốt đời phải chịu làm kiếp cáo. 

Khi khán giả đang lặng yên, hồi hộp theo dõi từng tình tiết, bỗng một tiếng hét vang: “Ngọc ta đâu, ai cướp ngọc ta? Thiết Giao, ai cướp ngọc ta?” Tiếng hét nỉ non, ai oán, đau khổ, thù hận, cùng cười trong tiếng khóc, tiếng nấc đánh thức đến nơi sâu thẳm nhất trong tâm can mỗi khán giả. 

Hay kiểu cười khích một cái rồi nín ngay của mụ Huyện đánh ghen, cười như không cười bằng cách nhấn từ vào từng âm để cười, thậm chí là tiếng cười liền 3 phút trong “Đêm hội Long Trì” khi nghe tin Nguyễn Mại chết, nhân vật bứt hình nộm, xoay hình nộm rồi cười.

Dường như có chút mâu thuẫn khi nghệ sĩ từng nhận mình là một người đa tình, khiến không ít đàn ông đau khổ, nhưng rốt cuộc bà lại một mình. Đàm Liên cười tuồng: “Ngồi một mình, nói một mình, hát một mình, múa một mình, cười một mình, khóc một mình và yêu cũng chỉ có một mình là chuyện thường tình của một đời làm diễn viên tuồng như tôi. 

Nói Đàm Liên yêu nhiều và nhiều người yêu nhưng rốt cuộc đến cuối cùng chẳng phải cũng chỉ một mình hay sao? Cho đến giờ tôi đi chơi, đi đâu rồi cũng chỉ muốn trở về với không gian một mình. Một mình tôi ngâm nga thơ Xuân Diệu: nhớ những mối tình đã qua và nghiên cứu tuồng – thế giới nghệ thuật mà cả đời tôi theo đuổi. Có nhiều người đùa trêu: Đàm Liên trở thành ni cô rồi. Tôi cười - Vâng, em đã thành ni cô”.

Rồi người ta lại thắc mắc chẳng phải nhạc sĩ tài hoa Vĩnh An – người bạn đời lớn tuổi đã bên bà suốt quãng thời gian dài – như thế sao gọi là một mình? 

Bà trầm tư kể: “Nói ra, tôi yêu rất nhiều người nhưng Vĩnh An không phải người tôi yêu. Thương nhiều hơn. Với Vĩnh An, con tim tôi không rung đến mức có độ thắt như với những người đàn ông trước đó. Nhưng ông ấy là một người chồng tuyệt vời, vị tha, bao dung. Ông ấy luôn bao dung tôi, chăm lo, quan tâm tôi từ quần áo, nhà cửa vì biết tôi rất vụng. 

Ông ấy bên cạnh hỗ trợ tôi rất nhiều trong sự nghiệp. Nhớ lần tôi trách anh Ngọc Phương giao vai “Ông già cõng vợ đi xem hội”: có phải vì anh thấy em lấy chồng già nên anh để vai cho em? Nhưng Vĩnh An nói: “Em đừng nghĩ sai cho người ta, vì anh ấy thấy em thông minh.” Tôi đã tin như vậy! Vĩnh An là người có tiếng cười giàu trạng thái cảm xúc. 

Nghe tiếng cười của ông có thể đoán được tâm trạng. Tiếng cười muôn màu muôn vẻ trong tuồng của tôi cũng là nhờ chăm “nhặt” từ cuộc sống và từ người bạn đời. Mất một người yêu tôi trống trải và rồi giờ cũng quen. Có một điều lạ, giống như tất cả người đàn ông trong đời, tôi đều sợ gặp lại. Vĩnh An cũng vậy. Sau mỗi lần mơ thấy ông ấy tôi đều bị đau ốm. 

Tôi thắp hương bảo: “Mỗi lần ông về tôi lại ốm. Ông đừng về”. Tôi cứ hay nói, cũng may chỉ có 1 ông chồng, 1 đứa con chứ nặng chuyện tình cảm, chồng con quá, rồi loay hoay mãi với bếp núc thì tài gì nữa? Thời gian đâu mà nghiền ngẫm, suy tư, sáng tạo? Số Đàm Liên chỉ một mình mới giỏi. Ngẫm ra, chỉ khi một mình mới thành tài được như hôm nay.

Dù đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, một mình đã quen nhưng Đàm Liên vẫn luôn trăn trở để nghệ thuật tuồng đến thật gần khán giả: “Tôi luôn cố gắng truyền lại hết những tinh hoa của tuồng, những kinh nghiệm suốt một đời của bản thân cho lớp học trò. 

Kiều Oanh (NSƯT) - cô học trò khiến tôi hài lòng nhất: Cô ấy có ánh mắt tốt, bước chân tốt, hát hay, duy chỉ có tiếng cười chưa khiến tôi thật hài lòng. Còn thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay, danh hiệu, huy chương thì nhiều nhưng thực lực không có. Nhanh, lanh, trẻ trung nhưng không khiến người ta mê đắm. Vì thế, tôi chưa bao giờ ngơi nghỉ, cứ nằm xuống lại trăn trở về tuồng”.

Mai Tuyết
.
.
.