"Tiếng chuông" - sự sẻ chia cảm xúc và nỗi niềm

Thứ Tư, 25/01/2006, 10:00

Câu chuyện chạy quota chỉ là cái cớ cho tác giả "Tiếng chuông" đưa một triết lý nhân sinh lên sàn diễn: Có việc làm tưởng là ác nhưng thật ra là thiện. Ngược lại, có việc tưởng là thiện nhưng lại rất ác. Muốn thoát những đau khổ trầm luân của cõi người, hãy đứng ngoài tham-sân-si. Trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, cái triết lý đó càng dóng diết biết bao...

Có lẽ bởi sự sâu sắc của vở kịch, mà dẫu mới ra mắt khán giả chưa nhiều, “Tiếng chuông” (tác giả: Nhà văn Hữu Ước; đạo diễn: NSƯT Xuân Huyền và NSƯT Anh Tú) của Nhà hát Tuổi Trẻ đã tạo được dư âm nồng ấm từ khán giả. Những tiếng vỗ tay âm vang mỗi khi cắt cảnh hoặc trước một câu nói đắt giá của nhân vật, là tiếng nói tri âm của khán giả với vở diễn. Người xem đã tìm thấy ở “Tiếng chuông” một sự sẻ chia cảm xúc và nỗi niềm. Nhà biên kịch Sĩ Hanh lại nhìn thấy ở vở kịch tầm triết học sâu sắc: cách sống của mỗi nhân vật đều có tính nhân - quả. Người đã bước vào vòng tham - sân - si sẽ không còn là người tử tế nữa. Vốn rất kiệm lời khen, vậy mà ông cứ gật gù: “Tiếng chuông” là kịch bản hay mà dăm năm nay sân khấu mới có. Phải là người có tâm mới viết được như thế!

NSƯT Xuân Huyền tâm đắc: Kịch bản “Tiếng chuông” thành công ở chỗ đã nói được sự phức tạp trong cuộc chiến chống tham nhũng của ngành Công an, không sa vào các tình tiết ly kỳ của một vụ án. Các xung đột không có chiến tuyến mà đan xen, thậm chí người phạm tội chính là người có chức quyền và thân thiết, gần gũi nhất với ta, nên việc xử lý càng khó khăn và đau đớn. Nhưng cuối cùng, cái thiện đã chiến thắng.

Với tình cảm đặc biệt, đạo diễn Xuân Huyền cùng với NSƯT Anh Tú đã chăm chút “Tiếng chuông” khá kỹ càng, để bật lên ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nhà văn Hữu Ước đã gửi gắm. Tiết tấu trong tác phẩm có tính thời sự nóng hổi, các tình tiết kịch giản đơn nhưng giàu sức biểu cảm với sự dẫn dắt tâm lý có chiều sâu, đã làm nên sự hấp dẫn với người xem.

Kim Oanh (vai Lệ Hằng) và Xuân Tùng (vai Trần Hoạt) trong vở "Tiếng Chuông".

Thế mạnh của đạo diễn Xuân Huyền là bề dày kinh nghiệm hiểu biết về công an đã được ông khai thác triệt để trong nhiều chi tiết rất đắt: các chiến sĩ công an ngồi im lặng với thái độ thiếu lòng tin vào thủ trưởng, khi thấy Trần Cảnh vào gặp Đại tá Lê Đức. Điều này đã khiến Lê Đức đau đớn, quyết tâm xốc mọi người đứng dậy bảo vệ kỷ cương. Chi tiết Trần Cảnh giơ tay ra bắt nhưng Lê Đức đè bàn tay Trần Cảnh xuống, còn khi Lê Đức giơ tay là lập tức Trần Cảnh bắt lấy, rất đời nhưng cũng thật đa nghĩa. Lối diễn biểu tượng là cái kết độc đáo của vở kịch, mang tính khái quát cao, đã tạo ấn tượng mạnh với khán giả. Đạo diễn Xuân Huyền vẫn giữ được chính kịch truyền thống qua cách dàn dựng sạch sẽ và luôn tạo đất cho diễn viên bứt phá và sáng tạo trong những xúc cảm cá nhân.

Ngay đêm diễn đầu tiên kết thúc, tác giả “Tiếng chuông” đã tỏ rõ sự hài lòng vì dàn diễn viên tay nghề cao đã chuyển tải khá trọn vẹn ý tưởng của mình trong toàn vở diễn. Với tài năng diễn xuất, bản lĩnh diễn viên và cảm xúc tinh tế của người nghệ sĩ, NSƯT Anh Tú đã như hòa làm một với nhân vật trong cuộc đấu tranh tư tưởng, thậm chí có lúc hoang mang, day dứt của người chiến sĩ công an trước khi đi đến quyết định bắt ân nhân của chính gia đình mình. Khán giả khâm phục phẩm cách cao đẹp của Lê Đức, nhưng cũng hiểu được cả nỗi đau đớn, mất mát và cô đơn thăm thẳm của ông. Còn gì bi kịch hơn khi phải nghe tiếng trách móc “ông ác lắm” của người vợ một đời vì chồng vì con, phải chứng kiến bà quyết rời bỏ tất cả để đi tu, còn cô con gái duy nhất nghẹn ngào đòi từ cha, chỉ vì quyết định - dù đúng - của mình... Tiếng chuông chùa rền rĩ, ngân vang cứ nhói lòng người xem với bao xúc cảm khó thành lời...

Sự chuyển đổi tính cách các vai diễn thường có của Đức Khuê càng tôn thêm tên tuổi của chàng diễn viên vốn được khán giả quen mặt qua các vai hài. Với vai Trần Cảnh, anh mang đến cho người xem một ông giám đốc Sở Thương mại khôn khéo và không kém phần thủ đoạn trong từng cử chỉ, câu nói, hành động và nhất là biết vi phạm pháp luật mà vẫn làm. Cách xử lý vai diễn sáng tạo, đầy vẻ “gộc ghệnh” của Xuân Tùng đã lột tả đúng bản chất của một bộ phận “cậu ấm” chuyên học đòi một cách vụng về, kệch kỡm. Nữ diễn viên Kim Oanh vào vai Lệ Hằng khá nhuyễn nhờ sự phân tích sâu tâm lý nhân vật kỹ càng, đến nỗi “khán giả vỗ tay nhiều quá, khiến em vui nhưng cũng thấy... lo lo, vì khán giả bị hút theo tâm lý nhân vật mình đã hóa thân đến nỗi ủng hộ cho một nhân vật cứ bênh vực cái xấu” -  Kim Oanh tâm sự.

Vai bà vợ Lê Đức quả là bước chuyển của Thu Hương. Dù chưa thật sự được như mong muốn, nhưng với vai diễn nhuần nhụy, dịu đằm này, Thu Hương phần nào xóa bớt hình ảnh một bà vợ chua ngoa, đanh đá vốn “đóng đinh” trong tiềm thức khán giả, khi những lời trách móc đầy nước mắt “ông ác lắm... ông bắt người cứ như bắt gà ấy”, nhất là phút bà quỳ xuống tạ tội với Trần Cảnh, ân nhân của gia đình, đã làm người xem rơi nước mắt. Với tiếng cười vỡ tan trong sự nghẹn ngào của chính mình, Quách Thu Phương như đi đến tận cùng nỗi đau của á hậu Quỳnh Nga bởi phát hiện ra sắc đẹp của mình đang bị “người yêu” lợi dụng. Một lời nhắn đến người xem cảnh giác trước sự xuống cấp của đạo đức, tình yêu đã được vang lên...

Mỗi người mỗi vẻ, dàn diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ đã cống hiến cho người xem những giây phút thực sự thú vị. Một vở diễn không ồn ào, thậm chí nhiều khoảng lặng với những chi tiết đặc sắc, ấn tượng, nhưng đã tạo được xúc cảm cho người xem. Người xem có dịp gửi gắm nỗi niềm, khát vọng vào câu chuyện trên sân khấu, để được thăng hoa trong nỗi buồn, niềm vui và cả hy vọng cùng các nhân vật. Sự cảm nhận của khán giả mỗi người một khác, nhưng có một điều chung mà hành trang của ai cũng mang theo về, là hướng tới sự thánh thiện và một quan niệm riêng về hạnh phúc, sướng khổ của đời người...

Thanh Hằng
.
.
.