Tiếng Việt cổ thời hiện đại

Chủ Nhật, 08/06/2008, 12:20
Xem vở chèo cổ "Quan âm Thị Kính", người ta thường thắc mắc: Tại sao lúc Thiện Sỹ sang nhà bố vợ tương lai lại tự xưng là bán tử. Mãng ông hiểu nhầm từ này nên cự lại: "Bán tử là bán con. Chả lẽ tôi lại bán con cho anh à?"...

tôi, tao

Nói về mối quan hệ vua tôi, thầy trò, vợ chồng; cổ nhân có câu "quân - sư - phụ". Chữ tôi trong vua tôi, nghĩa là người giúp việc cho nhà vua. Trong các phim dã sử của Trung Quốc, các quan thường khiêm tốn tự xưng mình là nô tài với bề trên. Chữ nô tài, từ Hán - Việt, có nghĩa là tôi tớ, kẻ ở. Như vậy, trong các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít, thì chữ tôi là khiêm tốn nhất.

Chữ tao cũng vậy. Ngày xưa vua xưng tao (với ý khiêm tốn) với quần thần; ông sư trụ trì chùa xưng tao với phật tử; quỷ xưng tao với nhà Phật,v.v.

Tuy nhiên, tiếng Việt hiện đại, người ta ít khi dùng chữ tôi, ta hay tao khi nói với người bề trên, vì như thế bị xem là bất nhã.

tam tạng

Trần Huyền Trang là vị sư có công sang Tây Trúc thỉnh kinh nhà Phật. Sau được nhà văn Ngô Thừa Ân, Trung Quốc, diễn nghĩa trong tiểu thuyết "Tây du ký".

Theo đạo Phật: Ai giỏi về Kinh, người đó là Pháp sư.

 Ai giỏi về Luật, người đó là Luật sư.

Ai giỏi về Luận, người đó là Luận sư.

Ai giỏi cả 3 điều trên, người đó là Tam Tạng đại sư (vị đại sư thông hiểu kinh Tam Tạng).

Vì thầy Đường Tăng giỏi cả Kinh, Luật, Luận, nên mới được gọi là Đường Tam Tạng, tức là Tam Tạng đại sư. Ông còn được gọi là Đường Tăng, nghĩa là sư tăng đời nhà Đường.

để

Trong tiếng Việt cổ, chữ để nghĩa là đáy. Ví dụ: Ngày xưa các cụ gọi sông Đáy là Để giang, đàn đáy là Để cầm, v.v.

Còn chữ đáo để nghĩa là đến đáy.

Nghĩa bóng của chữ đến đáy là rất, hết sức, vô cùng. Ví dụ: Người đàn bà đáo để, là người đàn bà rất đanh đá, hết sức đanh đá, vô cùng đanh đá,v.v.

bán tử

Xem vở chèo cổ "Quan âm Thị Kính", người ta thường thắc mắc: Tại sao lúc Thiện Sỹ sang nhà bố vợ tương lai lại tự xưng là bán tử. Mãng ông hiểu nhầm từ này nên cự lại: "Bán tử là bán con. Chả lẽ tôi lại bán con cho anh à?".

Sự thực đâu phải vậy. Trong chữ tế (nghĩa là con rể), oái oăm thay lại có bộ nữ (mà bộ nữ chỉ dành cho chữ viết về đàn bà), thế nên gọi đùa chàng rể là lưỡng tính, xếp vào gái cũng được, xếp vào trai cũng được. So với con trai thì anh ta còn kém một tý. So với con gái thì anh ta hơn một tý. Chàng rể cứ nửa nọ, nửa kia như thế, nên Thiện Sỹ sang trình diện ông nhạc và xưng danh bán tử (với cái nghĩa là con rể), thì Mãng ông hiểu nhầm cũng là lẽ đương nhiên.

khâm liệm

Chữ liễm nghĩa là thu góp, như nguyệt liễm (thu phí 1 tháng), liễm thủ (học trò khoanh tay khi đứng trước thầy dạy học), v.v.

Chữ liễm còn được đọc là liệm, nghĩa là bọc chặt lại, trong liệm thi (bó xác người chết).

Ngày xưa, chữ khâm chỉ có vua mới được dùng, hoặc chỉ những việc làm tôn kính với nhà vua, như khâm mệnh (mệnh lệnh của nhà vua), khâm định (văn tự của nhà vua). Sau từ này được dùng với người chết trong chữ khâm liệm (bó xác người chết) cũng là một cách để tỏ ý tôn trọng người quá cố

Lê Trung Đản
.
.
.