Tiến tới kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam

Thứ Năm, 26/04/2007, 10:12
Tại cuộc họp báo về Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội được dự kiến vào giữa tháng 5/2007, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh rằng, kỷ niệm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam là các hoạt động trong cả năm chứ không chỉ là một ngày kỷ niệm.

Sáng 25/4, Hội Nhà văn Việt Nam đã họp báo về việc chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội được dự kiến vào giữa tháng 5/2007.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã điểm lại các dấu ấn của Hội Nhà văn Việt Nam trong nửa thế kỷ qua: Nền văn học Việt Nam đã gắn bó chặt chẽ với nhân dân và số phận đất nước trong từng bước đi qua những tác phẩm kết hợp được lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn. Những con người bị coi là thấp kém trong xã hội, bị lãng quên đã đóng vai trò chính trong văn học, để cùng sẻ chia những vấn đề quan trọng của đất nước.

Nhiều tác phẩm văn học đã có sức ảnh hưởng to lớn trong xã hội với việc ghi lại những giai đoạn quan trọng của đất nước như "Cái sân gạch" và "Vụ lúa chiêm" của Đào Vũ, "Mùa lạc" của Nguyễn Khải, "Ánh sáng và phù sa" của Chế Lan Viên, "Quê hương" của Giang Nam, "Sống như anh" của Trần Đình Vân…

Nhiều nhà văn đã có mặt trên các chiến trường, vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa viết văn tại mặt trận, xây dựng nên khí thế chống giặc hào hùng từ những trang sách: "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng, "Vầng trăng quầng lửa" của Phạm Tiến Duật, "Chim Chơ-rao" của Thu Bồn…

Nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đã được dịch ra tiếng các nước trên thế giới, như của các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Trần Đăng Khoa, Bảo Ninh…

Đồng thời, bằng bản lĩnh văn chương và cảm quan văn hoá, các dịch giả Việt Nam đã chuyển tải được các tác phẩm văn học có giá trị trên thế giới đến với bạn đọc Việt Nam. 50 năm qua, từ 165 hội viên, nay Hội Nhà văn Việt Nam đã có hơn 1.000 hội viên thuộc 5 thế hệ, đã bổ sung lẫn nhau, tạo nên sự phong phú về bút pháp và phong cách…

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh rằng, kỷ niệm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam là các hoạt động trong cả năm chứ không chỉ là một ngày kỷ niệm. Vì vậy, Ngày thơ Việt Nam 2007 cũng là một hoạt động cho mục đích này, cùng với việc xuất bản kỷ yếu "Các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam" có bổ sung tư liệu về các nhà văn, bổ sung số nhà văn mới được kết nạp và xây dựng cuốn phim tư liệu về 50 năm hoạt động của Hội.

Một số nhà báo nêu ý kiến: Trong báo cáo 50 năm hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, không thấy nhà thơ Hữu Thỉnh nêu một dòng nào về những cái chưa được của Hội.

Còn nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cho rằng: Không thấy báo cáo đề cập tới việc có giai đoạn nào văn học Việt Nam lai căng (về lý luận) không? Hội Nhà văn Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho các tác giả giới thiệu tác phẩm ra nước ngoài nhưng Hội cũng cần có các động thái tích cực để làm cầu nối cho hoạt động này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh công nhận trách nhiệm của Hội trước các ý kiến cho rằng, đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa có trang web là đang ở mức thấp trong việc cập nhật thông tin và giới thiệu tác phẩm văn học.

Các nhà báo cũng cho rằng, Hội Nhà văn Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2007 vì đã để cho chương trình phụ lấn át các hoạt động chính. Hội cũng cần có chính kiến về cuốn "100 bài thơ hay nhất thế kỷ" của Trung tâm Văn hoá doanh nhân".

Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, việc chọn 100 bài thơ trên không liên quan đến Hội Nhà văn Việt Nam và ông đã có đơn xin rút, nhưng khi in ra vẫn thấy có tên.

Tuy nhiên, trước ý kiến của các phóng viên là ông có kiện về việc đó không và tại sao Hội Nhà văn Việt Nam không có ý kiến chính thống, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, có thể tới đây, Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội sẽ lên tiếng

Thái Hoàng
.
.
.