Tiễn đưa nhà văn Bùi Hiển về “trong gió cát”

Thứ Ba, 17/03/2009, 14:50
Sáng 16/3, lễ viếng và truy điệu nhà văn Bùi Hiển đã được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Đông đủ các nhà văn, cán bộ của Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Văn học, Báo Nhân dân và gia đình, bạn bè v.v… đã dự lễ tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nhà văn Bùi Hiển sinh ngày 22/11/1919 tại xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu, Nghệ An và tạ thế lúc 7h18' ngày 11/3/2009 (tức 15 tháng 2 Kỷ Sửu) tại Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi.

Ông là tác giả đã được biết đến ngay từ tác phẩm đầu tiên in vào năm 1941 là “Nằm vạ”, sau đó, tiếp tục ghi dấu ấn trên văn đàn với hàng loạt tác phẩm: Ánh mắt, Trong gió cát, Đường lớn, Hoa và thép…

Ông đã sớm có mặt trong đoàn quân cách mạng và từ thời kháng chiến chống Pháp, từng là Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An, Trưởng ty Thông tin tuyên truyền Nghệ An. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều năm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi và nhiều khóa là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.

Không chỉ nổi tiếng trong sáng tác, nhà văn Bùi Hiển cũng khẳng định mình trong mảng dịch thuật. Viết truyện ngắn của Antônốp, Những truyện ngắn phương Đông, Đội cận vệ thanh niên (dịch chung) v.v… Với sự nghiệp văn học đồ sộ của mình, nhà văn Bùi Hiển đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1, năm 2001.

Trong điếu văn đọc tại lễ tang, nhà thơ Hữu Thỉnh - Trưởng BTC lễ tang đã nhấn mạnh những đóng góp lớn lao của nhà văn Bùi Hiển cho sự nghiệp văn học nước nhà: Ông là một trong những cán bộ chủ chốt của Hội Nhà văn Việt Nam, luôn nêu gương sáng là hạt nhân đoàn kết, góp sức làm cho đời sống văn chương thêm phong phú.

Trong kháng chiến, nhà văn Bùi Hiển đã nhiều lần có mặt ở nơi bom đạn, phản ánh kịp thời những con người bình thường mà vô cùng anh dũng. Gần nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn Bùi Hiển luôn là một trong những cây bút mẫu mực. Ông đã có gần 20 tập truyện ngắn, ký, dịch thuật với nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn của nền văn học Việt Nam.

Cuộc đời ông là một quá trình cống hiến không mệt mỏi cho đất nước và nhân dân, bạn đọc sẽ mãi tìm thấy trong những tác phẩm của ông những bài học lớn về tình yêu con người, về sự nhân ái trong cuộc sống.

Sau lễ truy điệu, bạn bè và gia đình nhà văn Bùi Hiển đã đưa ông về nghĩa trang Thanh Tước yên nghỉ

Thanh Hằng
.
.
.