Vĩnh biệt đạo diễn, NSND Hải Ninh:

Tiếc thương “người cha” của Em bé Hà Nội

Thứ Năm, 07/02/2013, 11:13
Một trong những cánh chim tài năng nhất của điện ảnh Việt Nam đã ngừng bay trên bầu trời nghệ thuật, nhưng sự sáng tạo và tinh thần lao động nghiêm túc của người nghệ sĩ chân chính vẫn còn mãi.
>> Đạo diễn, NSND Hải Ninh đã ra đi!

Dấu ấn mà ông - đạo diễn, NSND Hải Ninh - để lại trong môn nghệ thuật thứ 7 Việt Nam thật khó phai: không chỉ là 9 giải thưởng trong nước và quốc tế, tên tuổi ông còn gắn với những bộ phim kinh điển đã đồng hành cùng những giai đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Đường về quê mẹ”, “Mối tình đầu”, “Thành phố lúc rạng đông” v.v…

NSND Huy Thành:

NSND Hải Ninh là một trong 16 người chúng tôi học lớp đạo diễn đầu tiên của Việt Nam và là 1 trong 6 người của khóa học được phong danh hiệu NSND. Sự ra đi của ông đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho đồng nghiệp, cũng như khán giả.

NSND Hải Ninh là một trong những cây đại thụ của điện ảnh nước nhà, với nhiều tác phẩm đã được đồng nghiệp trong nước và quốc tế ghi nhận. Ông là một đạo diễn chuyên nghiệp, nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, từ việc kén chọn diễn viên đến chỉ đạo diễn xuất, phân cảnh… đều bài bản. NSND Hải Ninh đặc biệt có thế mạnh trong dàn dựng các cảnh hoành tráng, vì có chiều sâu, tầng tầng lớp lớp, điều không phải đạo diễn nào cũng làm được.

Trước khi học đạo diễn, NSND Hải Ninh đã từng học về dựng phim, nên phim của ông có tiết tấu, chuyển cảnh nhuần nhuyễn, có nghề. Nhưng quan trọng hơn cả là những thông điệp mà ông gửi đến người xem trong mỗi tác phẩm kinh điển luôn thấm đẫm tính nhân văn và tính xã hội cao. Ông thành công ở cả mảng phim truyện lẫn phim tài liệu.

NSND Hải Ninh còn viết báo, tài liệu, phê bình điện ảnh và những ý kiến của ông được giới chuyên môn trân trọng. Trong thời gian NSND Hải Ninh làm Giám đốc, Hãng phim truyện Việt Nam đã có nhiều tác phẩm có vị trí trong điện ảnh nước nhà.

Cứ dịp năm mới, ông lại tự tay nắn nót viết thiếp chúc Tết bạn bè thân hữu. Có lẽ, dự cảm được mình sẽ đi xa, nên thiếp chúc Tết năm nay ông viết cho tôi dài nhất, nói rằng, giờ chỉ còn lại tôi trong khóa học đạo diễn đầu tiên vẫn tiếp tục với nghề, nên mong tôi thay mặt các nghệ sĩ cùng thế hệ, cố gắng cống hiến đến phút cuối cùng. Lời dặn dò của ông làm tôi cảm động, vì tấm lòng ông luôn đau đáu với điện ảnh nước nhà…

NSND Thế Anh:

NSND Hải Ninh mất đi là một tổn thất lớn của điện ảnh Việt Nam. Bởi ông là một đạo diễn đầy tài năng và rất tình cảm. Tôi và nhiều người thật sự bị sốc khi nghe tin ông ra đi. Năm nào, ông cũng là người đầu tiên gửi thiệp chúc tết đến gia đình tôi, khiến tôi luôn nhớ 2 câu thơ: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”(Chế Lan Viên) với nỗi nhớ Hà Nội da diết, nhớ đồng nghiệp ở Thủ đô, trong đó, có người anh, nghệ sĩ lớn Hải Ninh.

NSND Hải Ninh là một đạo diễn tài năng và kỹ tính, nên tôi rất tự hào khi được ông mời vào các phim: “Đường về quê mẹ”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu” vv… “Mối tình đầu” đã thêm một lần đưa tên tuổi tôi đến với công chúng trong nước và quốc tế, khi giành 2 giải quốc tế và 3 giải trong nước. Cho đến nay, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có phim nào đạt được lượng khán giả như “Mối tình đầu”.

Một cảnh trong phim “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh.

Được hóa thân vào mỗi nhân vật mà ông trao, tôi lại được trải thêm một cuộc sống mới, thú vị và sâu sắc. Đặc biệt, khi một tác phẩm thành công, ông không nhận hết về mình, mà luôn trân trọng đóng góp của từng người.

Ông là người đam mê nghệ thuật, nên khi ngọn lửa điện ảnh đã cháy, thì NSND Hải Ninh như con thiêu thân lao mình vào lửa, sẵn sàng vượt mọi khó khăn để có được tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Hôm được mời giao lưu với khán giả quốc tế về phim "Em bé Hà Nội" tháng 12/2012, cả nhà can, ông vẫn đi dù đang mệt. Khi nói về bộ phim, mắt ông ngời sáng, say sưa, để rồi, cứ sau mỗi lần thế, lại là một lần ông nhập viện.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hải Ninh là một cây đại thụ của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Điều này không ai có thể phủ nhận. Nhưng đóng góp của ông cho điện ảnh Việt còn lớn hơn chính sự tỏa bóng thông thường khi ta nói đến những cây đại thụ.

Ông cống hiến cho điện ảnh Việt những tác phẩm kinh điển mà đến nay chưa ai vượt nổi. Những tác phẩm điện ảnh nói về chiến tranh của ông không chỉ mô tả một hiện thực khốc liệt bằng thủ pháp điện ảnh chuẩn mực, mà còn cho người xem nhiều thế hệ chiêm ngưỡng một tình yêu con người cháy bỏng.

Các thế hệ điện ảnh Việt sau này cần học tập ông chính là ở cái Tình Yêu Con Người ấy. Giữa chết chóc bom đạn, Con Người trong các tác phẩm của Hải Ninh đẹp một cách kỳ lạ. Những chân dung như chị Dịu, như Em bé Hà Nội... trở thành biểu tượng của tình yêu và khát vọng sống hòa bình.

Sau này, trong một số tác phẩm nói về thời kỳ hậu chiến với những hệ lụy của nó, các chân dung nhân vật của NSND Hải Ninh cũng vẫn giữ nguyên tinh thần ấy. Một cô gái chấp nhận dấn thân, đánh đổi thân xác để có cơ hội vượt biên chạy trốn khỏi đất nước trong “Bãi biển đời người” khiến ta thấy nhói lên nỗi đau về một sự nhầm lẫn khó sửa chữa của nhân vật, hơn là sự ác cảm và phê phán. Ngay cả người đàn bà nổi danh "ác phụ" Đặng Thị Huệ trong "Đêm hội Long Trì", rồi “Ngày tàn của bạo chúa”... cũng thấm đẫm nỗi cảm thông của tác giả với người đàn bà bị đưa đẩy vào chốn cung đình nhiều ganh ghét thị phi.

Không phải những giải thưởng, những danh hiệu, mà chính Tình Yêu Con Người phải được coi là cống hiến lớn nhất mà Cây Đại Thụ - NSND Hải Ninh để lại cho các hậu duệ của điện ảnh Việt. Mãi cho đến những ngày cuối đời, ông vẫn cố truyền lại Tình Yêu ấy cho chúng ta, qua cuốn sách cuối cùng của mình, với một tập hợp những trao đổi thư từ giữa ông và người bạn chí cốt: Đạo diễn Hồng Sến.

Và như thế, Cây Đại Thụ của Điện ảnh Việt đang truyền lại cho chúng ta Tình Yêu Con Người, Đất nước, và Đam mê... những điều làm nên một thế hệ điện ảnh mới như ông mong đợi.

Thanh Hằng
.
.
.