Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân:

Thực tế chiến đấu của đồng đội truyền cảm hứng yêu nghề cho tôi

Chủ Nhật, 14/12/2014, 11:31
Với trên 10 cuốn sách, hầu hết đều viết về đề tài người chiến sĩ Công an, trong đó, có cuốn được in với số lượng 100.000 bản, Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân (nguyên Giám đốc NXB CAND) đã gắn tên mình với đề tài rất hấp dẫn nhưng cũng không dễ viết này. Bởi thế, sau nhà văn tài danh Lê Tri Kỷ, Phùng Thiên Tân là nhà văn thứ hai của lực lượng Công an trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

+ Giành giải thưởng với tác phẩm đầu tay “Lũ trẻ Ngã ba Bùng” vào năm 1982, ông đã nhanh chóng tạo được dấu ấn trong những người viết về đề tài Công an. Có phải đó là cuốn sách đã được ông dồn nén từ bao đam mê với văn nghiệp?

Nhà văn Phùng Thiên Tân (NV PTT): Thực ra, không phải thế. Khi tôi tốt nghiệp Đại học An ninh, tôi được tổ chức giới thiệu về Phòng sáng tác văn học của Bộ Công an. Nhà văn Lê Tri Kỷ khi ấy là Trưởng phòng, đã không giấu vẻ hoài nghi khả năng của tôi, nên nói thẳng: “Người ta đào tạo cậu là để làm sĩ quan phản gián, chứ không phải để viết văn. Vì thế, sau một năm mà tôi không phát hiện ra cậu có năng khiếu sáng tác, tôi sẽ trả cậu về đơn vị trinh sát”. Sau đó, hàng tuần, ông đưa cho tôi một danh sách các cuốn sách phải đọc, cả sách trong nước và nước ngoài, cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, rồi tóm tắt, trao đổi với ông từng cuốn. Ông dạy tôi viết văn kỹ càng, như một nghệ nhân dạy tiểu đồng và luôn khuyến khích tôi viết về Công an.

Tôi chăm chỉ đọc theo chỉ đạo và luôn bị ám ảnh bởi “giao kèo” của ông. Để thể hiện khả năng của mình, để được ở lại Phòng sáng tác văn học mà tôi ngày càng thích thú, tôi lao vào viết. Vốn thích văn học thiếu nhi nên tôi viết về những đứa trẻ ở quê tôi giữa thời đạn bom khốc liệt, nhưng “gài” nhân vật anh Công an xã làm nhân vật xuyên suốt. Mới 23 tuổi, vừa ra trường, tôi chưa có trải nghiệm gì trong cuộc sống, nên các nhân vật trong câu chuyện đều là những người xung quanh tôi. Nhân vật mang hình bóng tôi có cả cái xấu và cái tốt, cả những dự định mà tôi chưa làm được.

Cuộc sống hồi ấy đầy khó khăn, bàn làm việc ban ngày, đêm đến là giường ngủ của chúng tôi, nhưng niềm đam mê văn chương đã lấn át mọi khó khăn, vất vả. Ban ngày đọc sách, đêm đến tôi mải miết viết. Sau một năm, tôi đã có được tập bản thảo “Lũ trẻ Ngã ba Bùng” dày 300 trang viết tay. Tôi nhờ anh Văn Phan, một cán bộ của Phòng sáng tác văn học, đọc trước để cho ý kiến và được anh khen là văn phong mượt mà, sinh động. Anh còn “xui” tôi gửi NXB Kim Đồng để in. Thế là tôi mạnh dạn chép làm 2 bản, một bản gửi NXB Kim Đồng và một bản báo cáo nhà văn Lê Tri Kỷ. Dĩ nhiên, tôi đưa bản thảo cho ông với một tâm trạng nơm nớp lo âu, căng thẳng.
Nhà văn Phùng Thiên Tân.

 + Nhà văn Lê Tri Kỷ nói sao về “Lũ trẻ Ngã ba Bùng” và cuốn sách đã đến với giải thưởng như thế nào?

NV PTT: Có thể nói, cuốn sách đã giữ tôi ở lại Phòng sáng tác văn học. Nhà văn Lê Tri Kỷ không nói gì, nhưng ông cũng không trả tôi về làm sĩ quan phản gián, mà còn cử tôi đi học lớp sáng tác kịch bản. Thời gian đó việc in sách hoàn toàn bao cấp nên bản thảo của tôi bên NXB Kim Đồng phải xếp hàng. Ít lâu sau, anh Định Hải, biên tập viên ở NXB Kim Đồng đã gửi tập bản thảo “Lũ trẻ Ngã ba Bùng” dự cuộc thi của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn. Không ngờ, “Lũ trẻ Ngã ba Bùng” được trao giải ba và năm sau, được in sách. Với giải thưởng này, đến năm 1989, tôi đã được nhà văn Lê Tri Kỷ giới thiệu vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Có lẽ, tác phẩm đầu tay của tôi không như nhiều nhà văn khác, bởi trước hết tôi viết bằng sự câu thúc của nhiệm vụ, cùng với cảm xúc từ tuổi thơ đọng lại.

+ Tác phẩm đầu tay có cho ông nhiều kinh nghiệm trong sáng tác sau này?

NV PTT: Có chứ. Ít lâu sau, khi Báo CAND mời nhà văn Lê Tri Kỷ đến nói chuyện, ông đã lấy tôi làm một dẫn chứng: “Văn chương viết rất sinh động, mới mẻ đến ngạc nhiên, như đưa tôi từ vườn hoa này đến vườn hoa khác, rồi đến cả rừng hoa, nhưng tôi lại không nhìn thấy một cái đích cụ thể”. Về sau, tôi mới hiểu: do non tay nghề, tôi không quản lý được nhân vật của mình sau khi đưa vào trang viết. Các nguyên mẫu thiếu sự điển hình hóa, cá biệt hóa và khái quát hóa. Có lẽ vì thế mà ông cho tôi đi học lớp sáng tác kịch bản sân khấu. Lúc đó, tôi không thích, nhưng về sau, khi viết tiểu thuyết, tôi đã hiểu vì sao nhà văn Lê Tri Kỷ cho tôi đi học về viết kịch và vô cùng cảm ơn ông vì những kiến thức đã có hết sức hữu ích. Ý kiến của nhà văn Lê Tri Kỷ về tác phẩm đầu tay giúp tôi rất nhiều cả về công việc sáng tác lẫn việc quản lý sau này. Tác phẩm đầu tay giúp tôi hiểu rằng, dù chưa có kinh nghiệm cũng cứ viết rồi rút kinh nghiệm từ nhận xét của người đọc. Tôi bắt đầu viết tác phẩm bằng nhiệm vụ, nhưng rồi, tình yêu, niềm đam mê sáng tác đã là điểm tựa để tôi dũng cảm lao vào viết với cả trí tuệ, khao khát trở thành nhà văn.

+ Như ông nói, ông đi học Đại học An ninh là do cụ thân sinh muốn, chứ ông không thích ngành này. Nhưng sáng tác của ông lại đều viết về Công an và khá thành công?

NV PTT: Sau khi học xong Đại học An ninh, tôi hiểu được công việc của Công an là rất khoa học và hữu ích. Qua ông Lê Tri Kỷ, tôi có điều kiện tiếp xúc với những cán bộ Công an nổi tiếng như: Lê Hữu Qua, Tạo Doãn, Hoàng Đạo, Kim Sơn, sau này là Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn và đặc biệt là Lê Hữu Thuý.  Cuộc đời của họ hấp dẫn tôi, lôi cuốn tôi, thôi thúc tôi sáng tác... Và ngay cả các đồng đội là bạn học Công an với tôi như Nông Văn Kiền, Hoàng Kông Tư, Nguyễn Đức Hiệt... tham gia các chuyên án, kể lại, cũng rất gây cảm hứng yêu nghề cho tôi, giúp tôi nhận thức sâu sắc rằng mình không trực tiếp làm được như đồng đội thì phải có trách nhiệm viết về họ. Hơn nữa đề tài an ninh trật tự là một mảnh đất phong phú đối với các nhà văn trong và ngoài lực lượng.

+ Cái làm nên sự khác biệt của các tác giả viết về đề tài Công an chính là quan điểm sáng tác. Ông gửi gắm những gì trong tác phẩm của mình?

NV PTT: Tính nhân văn trong các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an là quan điểm xuyên suốt trong các tác phẩm của tôi. Đây là điều tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người thầy của mình, nhà văn Lê Tri Kỷ. Thông qua những trang sách, tôi cũng muốn gửi gắm quan điểm về ngành mình: Đó là cần xây dựng một đội ngũ cán bộ Công an có học, có năng khiếu, chứ không phải ai cũng làm được. Khi tuyển dụng, sử dụng phải quan tâm đến năng khiếu của từng người.

+ Cảm ơn ông đã trò chuyện!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.