Thư pháp Việt - Nghệ thuật giao cảm tâm linh

Thứ Năm, 03/02/2011, 12:06
Những năm gần đây, tại nhiều thành phố lớn trong Nam ngoài Bắc, nhất là ở Hà Nội, cố đô Huế và TP HCM, cứ mỗi dịp xuân về hoặc lễ hội, người người lại vây quanh các nhà Thư pháp "xin chữ", chọn cho mình một bức Thư họa. Đấy là một nét văn hóa mới trong đời sống hiện nay.

Có người cho đó là một thú chơi phong nhã, một cái mốt trang trí gia thất của những người giàu sang, quyền quý. Nhưng cũng có người bảo rằng tuổi trẻ tỏ ra sành điệu ăn chơi, phục hồi văn hóa - trí tuệ trong thời đại văn minh...

Thư pháp chữ quốc ngữ hay còn gọi là thư pháp Việt mới xuất hiện và phát triển trong khoảng 30 năm trở lại đây, nhưng đã đạt được một số thành tựu. Dẫu còn nhiều vấn đề về quan niệm, cũng như học thuật, nhưng rõ ràng thư pháp Việt là một bộ phận đáng kể trong nghệ thuật thư pháp Việt Nam đương đại. Lịch sử thư pháp đã từng tôn vinh những tay bút tài hoa, triều đình đã từng ban tước vị "quan nghè bút pháp" cho các nhà thư pháp lão luyện.

Ở nước ta thuở xưa Cao Bá Quát được liệt danh thứ hạng đó. Những năm gần đây, các nhà thư pháp - không chỉ là các cụ đồ nho, các thầy lang, mà còn có nhiều nhà giáo, nhiều sinh viên đại học và họa sĩ trẻ, đã tìm đến nhau lập thành câu lạc bộ (CLB). Ở Hà Nội có CLB Thư pháp Thăng Long do cụ Lại Cao Nguyện làm Chủ tịch với hơn 30 hội viên. CLB hoạt động có hiệu quả, đã mở nhiều lớp thư pháp cho sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và mấy khóa đào tạo cả thư lẫn họa cho Trường Đại học Phương Đông.

Ở TP HCM, CLB Thư pháp có cả gần trăm hội viên, đã mở ra một dạng Thư họa Việt hóa, là dùng chữ quốc ngữ viết tháu nhái Hán Nôm trên tranh và lịch tờ, đã có được sự chú ý của nhiều người.

Trong số các nhà thư pháp được nhiều người biết đến ở Hà Nội có cây bút phượng múa rồng bay của cụ lang Nguyễn Văn Bách, có Hồng Thanh thả hồn vào cả thư và họa, có họa sĩ trẻ Lê Quốc Việt đã từng tổ chức triển lãm thư pháp của mình tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được đông đảo người xem, trong đó khá nhiều du khách nước ngoài tán dương, hâm mộ.

Trịnh Tuấn đang trao đổi về thư pháp với TS Hán học Cung Khắc Lược.

Song, "bậc thầy" trong hàng thư pháp là "Đại danh thư pháp lão gia - Thanh Hoằng Khê - Lê Xuân Hòa". Sở dĩ cụ lấy bút danh như vậy để ghi nhớ quê hương sinh trưởng ở xã Phú Khê - Hoằng Hóa - Thanh Hóa. Cụ Hòa đã từng tâm sự: "Con người cốt ở cái Tâm". Khi là anh nông dân, là thầy đồ trẻ, là cán bộ kháng chiến chống Pháp, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (cụ được kết nạp vào Đảng năm 1948), là cộng tác viên chủ chốt của Viện Hán Nôm, là cây bút thư pháp trụ cột trong các cuộc triển lãm thư họa ở trong Nam ngoài Bắc, Lê Xuân Hòa đều lấy chữ Tâm làm đầu.

Bởi lẽ, như cụ từng tâm sự: "Cái Tâm mà sáng, mà Thiện thì giúp cho con người ta có được cái Chí, cái Khí, cái Đức, cái Tài, khiến con người ta tránh được cái Ác để làm được những điều có ích cho người, cho đời, tạo cho mình nếp sống thanh bạch và cao thượng". Quả vậy, trong căn nhà trên tầng hai, ngôi nhà lắp ghép khu tập thể Nguyễn Công Trứ, nơi cụ đã sống suốt từ những năm mới giải phóng Thủ đô cho đến cuối đời (cụ đã mất ngày 3/1/2008, thọ 95 tuổi) chẳng thấy vật dụng, tiện nghi gì sang trọng, đắt tiền, mặc dù mỗi chữ của cụ là dăm chục nghìn đồng, mỗi bức thư họa của cụ triển lãm được vài trăm nghìn. Những tiền triệu thu được phần lớn cụ đã dùng cho việc từ thiện, hoặc gửi tặng hết cho đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt.

Mỗi lần đồng nghiệp hay bè bạn trò chuyện với cụ về thư pháp, thư họa, quanh quẩn vẫn lại là cái Tâm, cái Thiện thể hiện tâm linh. Cụ đã từng rất vui mừng vì thấy dân ta ngày càng có nhiều người "cầu chữ", "xin chữ", chữ được cụ viết nhiều nhất là những chữ Tâm, Đức, Phúc, Nhẫn, An Khang, Thái Hòa, Thọ, Năng, Vượng... bởi đấy là những chữ thuộc tâm linh ý nguyện của con người hướng Thiện. Đáng nói lại là các nam thanh, nữ tú đến cầu chữ chúc thọ, chúc phúc, tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tổ tiên.

Trịnh Tuấn đang tham khảo thư tịch cổ.

Trịnh Tuấn tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm TP HCM. Ra trường anh không đi dạy, mà lại dấn thân vào môn nghệ thuật thư pháp. Anh tham gia giảng dạy tại các CLB thư pháp, "khuấy đảo" trong sinh viên các trường đại học và cao đẳng TP HCM niềm say mê môn nghệ thuật mới mẻ này. Nhưng ước mơ của Trịnh Tuấn không chỉ dừng lại ở đấy, từ lâu anh đã khao khát thực hiện được những "tác phẩm thư pháp để đời", không những được các tầng lớp nhân dân yêu thích, mà còn có thể vượt ra ngoài biên giới, đến với bạn bè năm châu bốn biển và đọng lại mãi với thời gian.

Và thế là anh "nhổ neo" ra Bắc "tạo dựng cơ đồ". Khởi đầu anh viết thư pháp Truyện Kiều của Nguyễn Du vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 240 ngày sinh của ông. 3.254 câu thơ của Đại thi hào về thân phận "hồng nhan bạc mệnh" của Thúy Kiều được Trịnh Tuấn thể hiện trên 3 cuộn giấy lớn, mỗi cuộn dài 100m, khổ rộng 0,84m, bằng hình thức gấp sóng tỷ lệ 10/100m. Đây là bức thư pháp khổng lồ đầu tiên ở nước ta, đem lại những giá trị to lớn cho tất cả những ai quý trọng, đam mê nghiên cứu Truyện Kiều của hôm nay và mai sau. Với thư pháp Truyện Kiều, Trịnh Tuấn đã được ghi vào danh sách những kỷ lục gia Việt Nam thời hiện đại. Hiện tác phẩm này được trưng bày tại Bảo tàng Nguyễn Du ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Mùa hè năm 2007, Trịnh Tuấn còn hoàn thành một tác phẩm thư pháp đặc sắc hơn nữa. Đó là cuốn thư pháp Tuyên ngôn Độc lập thể hiện văn bản ba tác phẩm bất hủ, đánh dấu những bước ngoặt lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đó là bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tác phẩm bất hủ ấy ra đời cách nhau 5 thế kỷ (thế kỷ X - XV - XX). Cuốn thư pháp Tuyên ngôn Độc lập được trình bày như một cuốn sách độc bản, bìa trước và sau đều dày 5cm bằng gỗ vàng rè vô cùng quý hiếm, chỉ thấy ở rừng đại ngàn Trường Sơn, 39 trang ruột, mỗi trang dày 0,5cm. Sách có kích thước 204 x 80 x 30cm và nặng gần 400kg.

Mong ước lớn nhất mà Trịnh Tuấn vẫn hằng ấp ủ là xuất khẩu các giá trị văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Anh nghĩ rằng, chúng ta phải quảng bá những sản phẩm để bè bạn năm châu bốn biển hiểu biết về văn hóa rất đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Tùng Lê - Vĩnh Sơn (Báo CAND Tết 2011)
.
.
.