Thư nặc danh thời @

Chủ Nhật, 13/11/2005, 07:29

Xưa đơn thư nặc danh viết bằng tay hoặc đánh máy gửi cho cấp trên, nay loại đơn thư vu khống xúc phạm nhân phẩm cá nhân được tung lên mạng máy tính toàn cầu, đến tận địa chỉ email cá nhân người bị xúc phạm, thậm chí hiển hiện những dòng tin nhắn bẩn thỉu trên máy điện thoại di động của người thuê bao.

Chuyện thư nặc danh có thể nói đến nay đã là "xưa như Diễm". Xưa, bởi đã có một thời, có lẽ do không khí dân chủ còn chưa bao trùm toàn xã hội nên đã xuất hiện những bức thư, những lá đơn tố cáo hành vi tiêu cực của một số cán bộ, chủ yếu là có quyền có chức. Người tố cáo hình như tự xếp mình vào phận "con sâu cái kiến", sợ bị trù dập, sợ bị "trả thù" nên viết đơn mà không dám kí tên. Dẫu vậy, thời ấy cấp trên và cơ quan thanh tra cũng đã chú ý xem xét đến nội dung đơn thư loại này. Và trong phần lớn những lá đơn có nội dung không chính xác, người ta vẫn còn phát hiện một số ít đơn thư loại này có một số nội dung đúng sự thật, góp phần ít nhiều vào công tác xây dựng cán bộ, cơ quan trong sạch, vững mạnh, đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với hiệu lực của bộ máy Nhà nước vì dân, do dân…

Theo sự phát triển chung của đất nước, hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền, thiết chế dân chủ của một xã hội tiến bộ được xác lập, dường như ý thức và trách nhiệm công dân của mỗi người được nâng cao, được tôn trọng, người ta tham gia đấu tranh chống tiêu cực một cách trực diện, hiệu quả. Vì thế, dần dà tuy vẫn còn xuất hiện những đơn thư nặc danh có nội dung phần lớn là vu cáo cá nhân, xuyên tạc sự thật nhưng loại đơn thư nặc danh nhìn chung đã giảm hẳn, các cơ quan Nhà nước đã quyết định không xem xét những đơn thư kiểu này.

Dường như không khí xã hội càng dân chủ, trách nhiệm công dân được nâng cao thì loại đơn thư nặc danh cũng có xu hướng giảm theo. Nhưng đáng tiếc rằng, thực tế cuộc sống những năm gần đây lại cho phép bất cứ người lạc quan nào cũng có quyền nghi ngờ về nhận định đó…

Có thể thấy một thực tế đáng buồn rằng, trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, tin học, điện thoại, viễn thông, nối mạng… thì tốc độ gia tăng loại đơn thư, văn bản nặc danh ngày một nhiều hơn. Xưa đơn thư nặc danh viết bằng tay hoặc đánh máy, nay loại đơn thư vu khống xúc phạm nhân phẩm cá nhân được tung lên mạng máy tính toàn cầu, đến tận địa chỉ email cá nhân người bị xúc phạm, thậm chí hiển hiện những dòng tin nhắn bẩn thỉu trên máy điện thoại di động của người thuê bao.

Bạn có được một ngày bình yên để sống và làm việc được không, nếu bỗng mỗi buổi sáng máy điện thoại di động của bạn nhận được những lời đe dọa, xúc phạm danh dự, thậm chí cả những lời "tỏ tình" kệch cỡm, thiếu văn hóa, đồi trụy? Bạn có yên lòng được không, nếu bỗng một ngày trên một mạng vi tính nào đó, những kẻ giấu mặt tung lên những bài luận, những trang viết bôi nhọ, xuyên tạc cuộc sống vốn trong sáng của bạn? Sau đó, người ta đã in ra, photocopy nhiều bản gửi cho những người quen biết, những người thân trong gia đình gây cảnh trắng đen lẫn lộn, trong đục mập mờ?

Ngay trong làng báo chúng ta thôi, hiện đang lưu truyền một bài viết của một người không rõ địa chỉ với những thêu dệt vô bằng chứng, xúc phạm nhân phẩm của một nhà báo Quân đội đã về hưu. Tất nhiên ai cũng hiểu "nhân vô thập toàn", nhưng tôi không tin những lời bịa đặt, xuyên tạc của người kia về nhà báo nọ, nhưng chắc chắn anh rất khó thanh minh, phải ngậm đắng nuốt cay trước dư luận.

Lại có một đơn thư nặc danh vờ ca ngợi một người cấp dưới, bôi nhọ cấp trên trực tiếp, nhằm gây mâu thuẫn giữa họ rồi kẻ viết đơn kia "tọa sơn quan hổ đấu", để "đục nước béo cò". Hiện một vài cán bộ có uy tín cũng bị những "hiệp sĩ đen" tung lên mạng với những bịa đặt, vu cáo và xuyên tạc lý lịch, đời tư, hoàn cảnh đầy hiểm ác. Người bị xúc phạm là những con người cụ thể có tên tuổi, địa chỉ, thường là những người có uy tín, hoặc nổi danh. Còn kẻ xuyên tạc, chơi trò võ bẩn kia là tên giấu mặt, ẩn mình trong bụi rậm. Vì thế, người đàng hoàng, trung thực mong một cuộc "đấu kiếm" giữa thanh thiên bạch nhật đã… không thể xảy ra.

Ác hiểm hơn, những "hiệp sĩ đen" viết đơn vu cáo, xuyên tạc, có lúc lại mạo danh những người nổi tiếng nhằm che đậy một dã tâm, hoặc cũng có thể dùng một mũi tên bẩn bắn vào hai người trong sáng. Và dường như, cứ mỗi lần sắp sửa đến một kỳ đại hội cần quy hoạch sắp xếp cán bộ, hay mỗi lần cần xem xét để tôn vinh một danh hiệu cao quý, một kì đề bạt cán bộ cụ thể… thường đơn thư nặc danh rộ lên, bay như bươm bướm.

Hoàn toàn có thể gọi những kẻ viết đơn thư nặc danh, gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm nhân phẩm thời @ là những kẻ khủng bố. Dù ai đó ngụy biện, che đậy dưới bất cứ hình thức gì, nhưng hành vi ấy đều không thể chấp nhận cả về mặt luật pháp và đạo lí. Khi người ta biết sử dụng máy tính và thiết bị viễn thông thường là kẻ có chữ. Kẻ sĩ trước thời cuộc và vận hội mới hãy tập trung chất xám làm một điều gì đấy cho mình, cho cộng đồng. Đáng xấu hổ làm sao mang danh người có chữ, mang danh kẻ sĩ lại chỉ chơi trò võ bẩn, lại "ném đá giấu tay". Hậu quả của những hành vi mang mầm ác ấy của những kẻ khủng bố nhiều khi gây nghi ngại làm náo loạn trật tự bình yên của xã hội, tổn hại sức khỏe và đời sống tinh thần của những người bị hại, khiến họ mất khả năng sáng tạo, dễ bị suy sụp.

Không nghi ngờ gì nữa, những kẻ giấu mặt tạo thư, tin nhắn nặc danh thời @ để khủng bố người khác là những kẻ gieo mầm ác. Một xã hội văn minh, một xã hội tiến bộ dứt khoát phải tiêu diệt được cỏ dại và mầm ác ấy

.
.
.